Những chuyến hành trình làm xanh cuộc sống

Thứ ba, 08/01/2019 16:16 (GMT+7)

Hãy cùng Mực Tím tìm hiểu về 2 chuyến hành trình đặc biệt để hiểu rõ hơn về những loại rác được gọi là rác chết.

Hành trình giải cứu rác chết

Rác chết là khái niệm do NHC (một tổ chức hành động vì môi trường) tự đặt ra để gọi chung những loại rác vốn có giá trị tái chế cao nhưng vẫn chưa được xử lí đúng cách. Rác chết gồm có vỏ hộp giấy sữa giấy, ly giấy, ly nhựa dùng 1 lần, rác điện tử, túi ni lông,… Đây đều là các loại rác mà hệ thống thu mua ve chai, phế liệu truyền thống từ chối nhận vì cồng kềnh, hôi, dơ, khó thu gom, không có hoặc ít đơn vị có công nghệ để tái chế, và quan trọng nhất là giá quá rẻ không đủ bù cho chi phí thu gom và vận chuyển.

Hành trình giải cứu rác chết bắt đầu từ một bài đăng trên trang cá nhân của một thành viên trong nhóm (bài viết bình thường không quá 200 lượt like). Nhưng với thông điệp về việc vỏ hộp sữa giấy có thể được thu gom và tái chế, trong 2 tuần có hơn 21.000 lượt chia sẻ và rất nhiều cá nhân, đơn vị, trường học muốn cùng chung tay góp sức trong câu chuyện này. Cẩm Vân (thành viên NHC) cho biết: “Tụi mình nhận thấy các loại rác mà hệ thống ve chai, phế liệu truyền thống thu mua đã giải quyết phần nào đó lượng rác thải ra môi trường. Chúng đã được xử lí và tái chế khá tốt. Chúng mình đang cố gắng để các loại rác chết còn lại được tái chế hiệu quả, góp phần giảm tải áp lực cho môi trường sống của chúng ta”.

Để tham gia hành trình giải cứu rác chết, các cá nhân, gia đình, trường học,… sẽ liên hệ với NHC để nhận miếng dán sinh thái (dùng dán kín lỗ cắm ống hút để lưu trữ không bị mùi hôi và côn trùng). Sau đó NHC sẽ cung cấp thông tin để mọi người hướng dẫn lại cho con em, học sinh xử lí vỏ hộp sữa sau khi uống và phân loại chúng. NHC sẽ tổ chức thu gom và chuyển đến nhà máy tái chế. Các bạn có thể nhận miếng dán sinh thái từ các trạm, điểm hỗ trợ của NHC.

Cẩm Vân chia sẻ: “Là một trong những người mở đầu chuyến hành trình này, mình cảm thấy tự hào và vui sướng vì mọi người đang chung tay cùng NHC thực hiện việc giải cứu rác chết. Từ khi chương trình được phát động đến nay tụi mình đã thu gom được vài trăm ngàn vỏ hộp sữa. Mình thấy rất hạnh phúc vì NHC đã khơi dậy sự quan tâm của nhiều người, góp phần hướng nhận thức đến hành động thực tế”.

NHC chỉ mới thông tin rộng rãi về hoạt động của tổ chức trong hơn 1 tháng nay nên lượng công việc phải tiếp nhận và xử lý cực kỳ lớn để đáp ứng kịp thời sự tham gia của các cá nhân, đơn vị có quan tâm. NHC đang trong giai đoạn tìm cách đăng ký pháp nhân, đăng ký hoạt động để tuân thủ theo đúng pháp luật. Mong muốn của tổ chức là hoạt động được duy trì lâu dài và toàn bộ giá trị sinh lợi (nếu có) sẽ được đầu tư mở rộng các công trình vì cộng đồng và môi trường.

Hành trình thu gom rác thải điện tử tái chế

Đến với Việt Nam Tái Chế, rác điện tử là lĩnh vực mà tổ chức này quan tâm và tiến hành hoạt động thu gom. Các thiết bị mà Việt Nam Tái Chế thu gom bao gồm: CPU, máy tính xách tay, màn hình, LCD, máy in, máy scan, điện thoại, máy photocopy,…

Hành trình thu gom rác thải điện tử sẽ bắt đầu từ việc đến tận nhà của người dân để thu gom các thiết bị, linh kiện hỏng. Tất cả các thiết bị điện tử thải bỏ sau đó sẽ được VNTC vận chuyển bằng xe chuyên dụng có giấy phép phù hợp theo qui định của luật Môi Trường và đưa đến nhà máy được cấp phép xử lý chất thải nguy hại. Tại đây, các thiết bị sẽ được xử lý bằng cách tháo dỡ theo quy trình chuyên nghiệp và tuân thủ việc bảo vệ môi trường và sức khỏe. Tất cả nguyên liệu thu hồi sau tái chế sẽ được phân loại đến các cơ sở phù hợp để tiếp tục xử lý.

Việt Nam Tái Chế cho biết: “Thiết bị điện – điện tử có chứa hỗn hợp phức tạp các vật liệu, thành phần và các chất khác. Một số chất trong hỗn hợp này có hại cho sức khỏe con người và môi trường. Tuy không gây ra nguy hiểm trong quá trình sử dụng bình thường thiết bị nhưng những chất này có thể trở nên nguy hại khi thiết bị được tháo tung ra hoặc được tháo dỡ để xử lý. Ví dụ, màn hình CRT có thể chứa chì, một chất độc hại đối với hệ thần kinh và sinh sản của con người và động vật. Pin có thể chứa các vật liệu nguy hiểm như cadmium, chất này có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho cả môi trường và sức khỏe con người. Nếu chúng ta chuyển rác điện tử vào bãi chôn lấp hoặc cho phép rác điện tử được tháo dỡ bởi những người thực hiện không chuyên nghiệp, chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ những chất và vật liệu độc hại này thấm vào đất. Điều này sẽ gây ra tác động tiêu cực đến môi trường và cuộc sống con người tại địa phương. Bên cạnh đó, việc tái chế sẽ giúp chúng ta giảm lệ thuộc vào nguồn tài nguyên tự nhiên đang dần cạn kiệt. Kim loại, nhựa và thủy tinh được tìm thấy trong các thiết bị có thể được tái sử dụng nếu được thu hồi hợp lý bằng phương pháp tái chế.

Mách nhỏ cho teen

Teen có thể liên hệ với các tổ chức trên để gửi vỏ hộp sữa hoặc đồ dùng điện tử đã hỏng bằng cách liên hệ fanpage NHC – Hành trình giải cứu rác chếtViệt Nam Tái Chế nha.

THU THẢO

Ảnh: NVCC

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: