Nhớ về nhà văn Lê Văn Nghĩa: Một người Sài Gòn - rất Sài Gòn

Chủ nhật, 24/07/2022 21:16 (GMT+7)

Đến tham dự buổi giao lưu nhân ngày giỗ đầu của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa (1953 – 2021), tại khuôn viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, những người anh, người chị, người bạn, người em…đã cùng sống, cùng chiến đấu, cùng viết, cùng chia sẻ thể hiện nỗi bồi hồi, xúc động nhớ về những kỷ niệm gắn bó trong hành trình 68 năm cuộc đời của nhà văn.

Một người đồng đội rất gan lì, anh dũng như mảnh đất Sài Gòn

Gặp nhau trong bối cảnh lớp trẻ Sài Gòn dám dấn thân, thể hiện lý tưởng cách mạng, chú Lê Hoàng (nguyên Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam) khâm phục, ấn tượng bởi tính dũng cảm, táo bạo và khác biệt trên mỗi quyết định mà Lê Văn Nghĩa chọn lựa. “Lê Văn Nghĩa học rất giỏi, thi đậu ở THPT Petrus Ký xưa, theo như giới trẻ lúc đó anh Nghĩa là “cậu ấm cô chiêu” có thể đi theo con đường học vấn, đi du học và trở thành người thành đạt trong lòng chế độ Sài Gòn. Nhưng bạn chọn con đường dấn thân, hòa vào cuộc đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước ở tuổi 17 mang trong mình lý tưởng cao cả lắm”., chú Lê Hoàng bồi hồi nhớ lại.

Trong bộ sưu tập của ông Hoàng luôn lưu giữ hình ảnh một nhà văn Lê Văn Nghĩa dẫn đầu cuộc đấu tranh tại TPHCM thời bấy giờ. “Lê Văn Nghĩa trong phong trào, trong chúng tôi mãi mãi là Lê Văn Nghĩa bởi vì bản lĩnh gan lì tạo nên sự khác biệt trong anh”, chú Lê Hoàng kể.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa (nam bìa trái) dẫn đầu đoàn sinh viên học sinh chống độc diễn bầu của Nguyễn Văn Thiệu trong năm 1971. Ảnh Tư liệu

Được biết, chú Lê Hoàng và nhà văn Lê Văn Nghĩa là người có công đầu nảy sinh ý tưởng và cho ra đời Đường sách tại đường Nguyễn Văn Bình (Q1. TPHCM).

“Trong những ngày cuối cùng bệnh tật, rất gan lì vượt qua sự đau đớn của bệnh tật anh vẫn đọc và viết nhiều sách, đó là một đặc tính của Sài Gòn đau thương nhưng chiến đấu hết mình. Với bạn bè, đồng nghiệp, mọi người thân thiện dễ thương…”, nhà báo Dương Thành Truyền (nguyên Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, nguyên Tổng biên tập NXB Trẻ) kể về ấn tượng với nhà văn Lê Văn Nghĩa.

Tác phẩm Lê Văn Nghĩa chưng cất từ phép cộng giá trị tư liệu, giá trị nhân chứng

Có thể thấy rằng, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã mang ngòi bút vào thăng trầm Sài Gòn bằng số phận bi đát. Thời trai trẻ có mặt trong phong trào học sinh sinh viên đấu tranh đô thị, đất nước thống nhất ông trở thành nhà báo quan trọng góp phần vào thành công lịch sử báo chí nước nhà với tạp sạn trào phúng mang thương hiệu Tuổi Trẻ Cười.

Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chia sẻ về kỷ niệm với nhà văn Lê Văn Nghĩa. Ảnh Kim Ngân

Chú Lê Hoàng chia sẻ về kỷ niệm với nhà văn Lê Văn Nghĩa. Ảnh Kim Ngân

Nhà báo Dương Thành Truyền. Ảnh Kim Ngân

Nhà văn Bích Ngân (Chủ tịch Hội nhà văn TPHCM) cho biết: “Chúng tôi với sự cẩn trọng cần thiết của một hội nghề nghiệp xin khẳng định nhà văn Lê Văn Nghĩa góp phần to lớn hình thành dòng văn học trào phúng Sài Gòn - TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung”.

Bên cạnh truyện dài, nhà văn Lê Văn Nghĩa còn viết sách tản văn: Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (NXB Trẻ, 2018), Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ (NXB Trẻ, 2020), Văn học Sài Gòn 1954 - 1975 những chuyện bên lề (2020)... Những tản văn này được nhà văn Bích Ngân công nhận là “được nhà văn Lê Văn Nghĩa chưng cất từ phép cộng giá trị tư liệu, giá trị nhân chứng.

Theo chia sẻ của nhà báo Dương Thành Truyền tại buổi trò chuyện, nhà báo cho biết khi đọc những tác phẩm Lê Văn Nghĩa ta có cơ hội lớn nhận diện lời ăn tiếng nói một thời đã qua, giải thích những từ thú vị như: mút mùa lệ thủy, tận cùng bần số, dân chơi cầu ba cẳng… giải thích thú vị trong tài sản Lê Văn Nghĩa.

Nhà báo Dương Thành Truyền gửi gắm các bạn trẻ Việt Nam hôm nay niềm hy vọng hãy dấn thân, không ngại gian lao khổ luyện “Không có khổ luyện làm sao mà thành công được”, nhà báo nhấn mạnh.

Các bạn học sinh biểu diễn tiết mục văn nghệ tưởng nhớ ngày giỗ đầu của nhà văn Lê Văn Nghĩa. Ảnh Kim Ngân

Trân quý những tình cảm mỗi thế hệ Lê Hồng Phong dành cho nhau, các cô chú, anh chị đều truyền nhau ngọn lửa niềm tin và nhiệt huyết vững bước tiến lên, bạn Nguyễn Ngô Đài Trang (lớp 11CV1) thổ lộ: “Mình sẽ học tập chăm chỉ, rèn luyện, xứng đáng lòng mong mỏi kỳ vọng gia đình, thầy cô và góp phần rạng danh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong”.

KIM NGÂN

(Theo Mực Tím)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: