Nhờ... Mực Tím mà bén duyên với phim ảnh

Thứ ba, 06/11/2018 18:11 (GMT+7)

LTS: Những gương mặt đang hoạt động trong giới nghệ thuật mà bạn đọc gặp gỡ trên trang báo này, từng có một thời tuổi trẻ cộng tác, gắn bó với Mực Tím trong vai trò Thông tín viên. Những bút danh, những kĩ năng, những kinh nghiệm… từ những ngày viết bài cho báo Mực Tím, đã trở thành một phần kí ức thanh xuân của mỗi người.

Mình cộng tác với Mực Tím khi đang là sinh viên năm nhất Đại học Kiến Trúc, bắt đầu từ vai trò thông tín viên. Hồi ấy, trong khi bạn bè trong nhóm liên tục có bài đăng, còn tin bài của mình toàn bị loại, mình tủi thân khủng khiếp. Thời ấy làm gì có máy tính, tụi mình phải viết tin bằng tay, nắn nót từng con chữ, nên mỗi lần viết xong bài nào thấy… trang trọng dữ lắm. Tuần nào mình cũng ra sạp báo trông ngóng bài viết, thế nhưng mãi vẫn chưa được lên. Đến mùa World Cup 1998, thấy mình đang học quân sự, anh Nguyễn Khắc Cường (lúc đó là Trưởng ban Thời sự báo Mực Tím) gợi ý: “Em đi học quân sự có gì hay không?”, mình bèn viết về chuyện sinh viên trốn trại đi xem World Cup… li kì thế nào. Vì đang học quân sự nên việc mua báo khá khó khăn, mình chưa kịp đọc thì đã có bạn trong lớp bảo: “Ủa sao có ai kể chuyện tụi mình trốn trại đi xem bóng đá nè”. Lúc đó, mới biết bài của mình được đăng. Một mẩu nhỏ xíu, mà vui sướng vô cùng.

Mực Tím gắn bó với mình những năm tháng đẹp đẽ nhất của tuổi thanh xuân. Ở đó, mình gặp không chỉ những người bạn đồng nghiệp đầy nhiệt huyết và đam mê sáng tạo, luôn khát khao thay đổi cải tiến cho tờ báo - từ những chuyên mục mới, đến việc “brainstorm” cho những kì báo Mực Tím Đặc Biệt; mà còn gặp gỡ những bạn trẻ đầy ưu tư, tâm sự về sự thay đổi tâm sinh lí tuổi mới lớn không biết trò chuyện cùng ai đã tìm đến báo để có một chỗ dựa tinh thần. Đó là thời mà internet chưa phát triển, mọi thông tin đều chỉ có thể dựa vào báo chí để tìm câu trả lời. Mình còn nhớ lần đầu tiên đi cùng các bạn thông tín viên gặp gỡ một bạn đọc viết thư tâm sự về nỗi khổ “lỡ yêu bạn đồng giới cùng phòng”. Đó là giai đoạn mà chuyện đồng tính chưa được chấp nhận ở Việt Nam, nhiều bạn trẻ hoang mang với giới tính của họ. Chính bản thân mình và các thông tín viên cũng vừa mày mò tìm hiểu vừa phải giải đáp cho bạn đọc. Bạn đọc hồi hộp và mình cũng hồi hộp không kém.

Cũng chính từ báo Mực Tím, cái tên Phan Xi Nê được ra đời. Trong các bút danh mình từng “đẻ ra” ở Mực Tím, Phan Xi Nê là cái tên trụ lại và “sống” cho đến hôm nay cùng mình. Cũng chính từ Mực Tím, mình mới có cơ hội được viết về phim ảnh. Nhớ thời gian đầu, khi đó internet chưa bùng nổ, tiền vào mạng quá đắt đỏ, mình chỉ có thể tiếp xúc với thông tin điện ảnh từ các báo, tạp chí tiếng Pháp như Premiere, Le Monde, Elle... Mình thì học tiếng Pháp bập bõm, nên phải nài lưng ra ngồi tra từ điển từng từ một để có một bản tin điện ảnh. Mình nhớ mẩu tin điện ảnh đầu tiên mình viết được đăng trên Mực Tím là về tấm billboard quảng cáo cho phim Amargeddon trên một tòa cao ốc ở Pháp trông như một cái lỗ khổng lồ xuyên thủng tòa nhà khiến người đi đường chú ý và gây kẹt xe. Từ một mẩu tin nhỏ, mình được tin tưởng và giao viết bài nhiều hơn. Kỉ niệm đáng nhớ nhất là khi mình thuyết phục được chị Gia Bảo (lúc đó là Trưởng ban Văn nghệ báo Mực Tím) cho đăng 3 trang in màu giới thiệu phim Chúa tể những chiếc nhẫn, thời điểm đó chưa có nhiều người biết đến, đặc biệt là so với Harry Potter.

Nhìn lại những năm tháng ngày xưa, mình thấy nhiều cảm xúc bâng khuâng, bởi Mực Tím đã có mặt ở đó, cùng với một thời tuổi trẻ nhiều hoài bão và đam mê của mình.

PHAN GIA NHẬT LINH (Đạo diễn phim Em là bà nội của anh, Cô gái đến từ hôm qua)

Thích nghệ thuật từ khi là thông tín viên

Năm 1996, tôi thi vào trường Sân Khấu Điện Ảnh TP.HCM khoa diễn viên và bị… rớt, sau đó tôi chọn học ngành báo chí trường ĐH KHXH&NV. Tình cờ đọc trên báo Mực Tím, thấy có tuyển CLB Thông tín viên dành cho những bạn trẻ yêu thích viết báo, tôi đánh liều tham gia. Còn nhớ khi ấy người phụ trách là anh Khắc Cường, anh Cường đã chỉ chúng tôi cách lấy tin, phỏng vấn, từ những mẩu tin nhỏ đến những bài lớn hơn. Vì thích nghệ thuật nên tôi thường viết về mảng sân khấu, các diễn viên kịch nói. Tôi còn nhớ như in cái cảm giác mỗi sáng thứ hai đầu tuần, cả nhóm thông tín viên tụ tập ở tòa soạn chờ những tờ báo mới, lật nhanh từng trang xem có bài mình hay không, rồi khi thấy tên mình trên báo là vui suốt ngày hôm đó.

Nhờ làm thông tín viên cho Mực Tím, tôi có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật nhiều hơn, làm quen và thân với hầu hết sân khấu kịch ở TP.HCM. Nhờ làm báo, tôi được thâm nhập vào hậu trường, biết các anh chị nghệ sĩ tổ chức, làm một vở diễn như thế nào, chị Hồng Vân, anh Thành Lộc định hướng cho sân khấu họ ra sao, cách tiếp cận thị trường khán giả có gì khó khăn… Năm 2001, tôi thi vào khoa đạo diễn trường Sân Khấu Điện Ảnh, lần này thì tôi đậu. Đến năm 2004, tôi quyết định theo hẳn nghề đạo diễn. Bên cạnh những kiến thức học ở trường, những kinh nghiệm, bài học khi tôi còn làm thông tín viên Mực Tím đã giúp tôi rất nhiều cho nghề nghiệp sau này…

NGUYỄN NGỌC HÙNG (Đạo diễn sân khấu Thế giới trẻ)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: