Nhớ Hà Nội, thương Sài Gòn qua từng trang tản văn

Chủ nhật, 23/01/2022 20:23 (GMT+7)

Qua tuyển tập Nhớ Hà Nội, Thương Sài Gòn bạn đọc sẽ cùng khám phá những nét đặc sắc của cả hai thành phố lớn nhất Việt Nam.

“Tuyển tập Nhớ Hà Nội, Thương Sài Gòn ra đời, như lời cảm tạ tới hai thành phố khiến chúng ta không ngừng nhớ thương” – chia sẻ từ chị Nguyễn Thị Nguyệt Nga (Người Sáng Lập Wavebooks - đơn vị phát hành sách).

Tuyển tập quy tụ gần 50 cây bút, từ những tác giả kỳ cựu có tiếng như Uông Triều, Nguyễn Trương Quý, Nguyễn Hoàng Ánh, Phạm Công Luận, Phúc Tiến, Nhật Chiêu, Nguyễn Thị Hậu, Hoài Hương, Trần Lê Sơn Ý, Nguyễn Phong Việt, Tống Phước Bảo, Lưu Đình Long,… đến những cây bút trẻ đầy triển vọng như Vũ Thị Huyền Trang, Hoài Sa, Trang Ps, Gari Nguyễn, Lê Ngọc, Liêu Hà Trinh, Khúc Cẩm Huyên, Nguyễn Anh Vũ… Và cây bút trẻ nhất mới chỉ 14 tuổi (Lê Nguyễn Minh Khuê, 2008).

Nhớ Hà Nội, Thương Sài Gòn là tập tản văn gồm hai phần chính, viết về những nỗi nhớ Hà Nội, niềm thương Sài Gòn, nhằm lưu lại những câu chuyện rung cảm với hai thành phố. Đó là một Hà Nội nghìn năm văn hiến, luôn cố gắng gìn giữ những điều son sắt, nhưng vẫn không từ chối thu nạp cách sống mới, thời đại mới. Đó là một Sài Gòn hiện đại, cởi mở, dẫu có qua bao nốt lặng vẫn luôn lấy thương đổi thương.

Bạn đọc tìm thấy một Hà Nội xưa xa đầy quyến dụ trong bài viết “Viết về Hà Nội” của Nhà văn Uông Triều - một bài viết đặc sắc khi điểm lại những đầu sách viết về Hà Nội của các bậc tiền bối như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Vũ Bằng… Bài viết lần lượt điểm qua một loạt tác phẩm vang bóng để đi đến những nét đẹp văn hóa của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Hay như trong bài viết “Rồi mai sau đàn ngọc chán tơ ngà” của Nhà văn Nguyễn Trương Quý, một nhà văn luôn gắn liền với nhiều bài viết về Hà Nội rất kì công nghiêm cẩn, thì lại là những ký ức về Sài Gòn của chàng trai Bắc thuở thiếu thời. Sài Gòn trong mảnh ký ức của đoạn đời thanh niên ngày đó là đoàn xiếc mô tô bay ken cứng người xem; là những vở tuồng cải lương trên ti vi đen trắng; là những hội chợ rộn ràng bán hàng tiêu dùng ơ các công viên; là những thương hiệu trứ danh trên đất Bắc như nước hoa Thanh Hương, hiệu may Văn Hao ở phố Khâm Thiên. Giữa lòng đất Bắc vẫn có một Sài Gòn lẫy lừng in đậm trong ký ức Nguyễn Trương Quý. Dẫu giờ đã là những điều quá vãng. Nhưng nhớ thương thì chẳng bao giờ phôi phai trong tiềm thức con người ta.

Nhớ Hà Nội, Thương Sài Gòn còn mang trong mình một sứ mệnh nối liền ước mơ của người trẻ, những tâm tư tình cảm giữa hai thành phố. Tác giả Huỳnh Minh Thảo với bài viết “Bắc tiến” đã thể hiện những câu chữ bình dị, chân phương đúng kiểu người “miền Nam” khi gắn bó với Hà Nội trong những năm tháng công tác. Hay như Phạm Công Luận đem đến tuyển tập bài viết “Thích gì ở Sài Gòn” đã trưng ra những điều thương mến, những gì tinh túy khắc sâu nét hào hiệp, trượng nghĩa và bao dung của đất này. Sài Gòn vẫn luôn là mảnh đất lành hội tụ rất nhiều người tìm đến thắp sáng ước mơ cho riêng mình.

Những ngày giáp Tết, không khí hối hả với nhiều cuộc trở về sum vầy dọc chiều Bắc Nam. Trên hành trình đoàn viên ấy nỗi nhớ niềm thương như một sự thôi thúc để bất cứ đứa con xa quê bôn ba vì cuộc mưu sinh, dù vạn trùng xa thẳm cũng dao dác tìm về. Ở hai chiều của cuộc thiên di đó, Hà Nội – Sài Gòn luôn là hai điểm cầu khiến người ta kẻ mong người nhớ, kẻ đợi người thương.

NAM KHA

Theo Mực Tím

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: