Nhiều thế hệ học trò tiếc thương Người thầy có “bàn chân kỳ diệu”

Thứ tư, 28/09/2022 20:46 (GMT+7)

Nhà văn – Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký đã qua đời vào ngày 28/9 ở tuổi 75 tại TPHCM, sau thời gian chiến đấu với căn bệnh suy thận. Thầy là người truyền cảm hứng, nghị lực cho biết bao thế hệ học trò. Biết tin nhiều bạn trẻ bày tỏ niềm thương tiếc đối với người thầy quá cố.

Nhớ về “Tôi đi học”, “Tôi đi học đại học” và “Bàn chân kỳ diệu”

Nhà văn - Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký ký tặng sách cho bạn đọc bằng chân trong lễ ra mắt sách. ẢNH TƯ LIỆU

Thầy Ký được nhiều thế hệ học sinh Việt Nam khâm phục và ngưỡng mộ với hình ảnh người thầy ngồi bệt dưới đất nắn nót viết từng con chữ bằng viên gạch kẹp ở ngón chân. Bạn Nguyễn Thành Khang Bảo (THPT Nguyễn Hữu Huân, TPHCM) bộc bạch: “Là một học sinh, mình được thầy cô bạn bè dạy câu chuyện về những tấm gương giàu nghị lực, thuở nhỏ mình đã biết đến thầy Ký, biết đến người thầy viết chữ bằng chân rất giỏi”. Khang Bảo không kiềm nổi nước mắt khi nói về sự qua đời của thầy. “Nghẹn lòng, đau xót trước thông tin này, vì thầy là người mình ngưỡng mộ. Tuy thầy đã đi xa, nhưng chặng đường rèn luyện đầy nổ lực ấy đã để lại trong mình bài học về nghị lực vượt khó sống mãi với thời gian”, Khang Bảo tâm sự.

Hình ảnh người thầy có "bàn chân kỳ diệu" đã khắc sâu tâm trí của nhiều thế hệ học trò Việt Nam. ẢNH TƯ LIỆU

Là một người may mắn được gặp và tiếp xúc với thầy Ký, bạn Lê Nhựt Thúy An (THPT Phú Điền, Đồng Tháp) đến giờ vẫn nhớ mãi tác phẩm “bàn chân kỳ diệu” khắc họa hình ảnh thầy Ký – một người thầy lạc quan, không đầu hàng số phận. Cô bạn chia sẻ: “Hôm thầy đến trường mình, khi thầy xuất hiện, mọi người đều im thin thít để dõi theo từng bước chân của thầy. Thầy đứng trên sân khấu và giới thiệu về mình với các bạn học sinh. Được tận mắt gặp thầy đã để lại trong mình một ấn tượng vô cùng sâu đậm không thể phai mờ. Thầy gửi lại trường tiểu học mình học trước đó chữ "Học".

Chỉ cần nhìn vào nét chữ của thầy cũng có thể gợi cho mình những khó khăn vất vả và sự cố gắng không ngừng nghỉ, không chịu gục ngã trước số phận luôn vươn lên của thầy. Điều ấy cũng đã giúp cho mình biết được rằng mình cần phải cố gắng hơn nữa. Đến tận bây giờ những lời dạy vào buổi học hôm ấy của thầy vẫn còn văng vẳng bên đôi tai mình đến suốt cuộc đời”.

Người thân, bạn bè thắp hương chia buồn cùng gia đình tại tang lễ thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký. Ảnh Kim Ngân

Bạn Trần Thị Ngọc Thảo (THPT Trần Văn Ơn, Bến Tre) bày tỏ: “Mình ấn tượng nhất với thầy ở tác phẩm "Tôi học đại học". Sau khi đọc, tác phẩm đã cho mình nhiều cảm xúc. Đối với mọi người việc học đại học là vô cùng dễ dàng nhưng với thầy Ký nó như là kì tích. Thầy không chỉ không tự ti về khuyết điểm của mình mà thầy còn lấy đó làm động lực để phấn đấu ngày một tốt hơn”.

Với Thảo tin thầy qua đời em cũng vô cùng tiếc thương vì đã có một người thầy cả cuộc đời cống hiến cho nền giáo dục ra đi mãi mãi. “Ấn tượng sâu sắc nhất của mình ở thầy là bài học về sự nỗ lực không ngừng nghỉ cả trong học tập lẫn đời sống”, Thảo cho biết.

Dẫn chứng về nghị lực vươn lên trong bài văn tuổi học trò

Ngày trước, khi còn học những năm THPT, bạn Lê Thị Minh Thư (sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) thường viết dẫn chứng thầy Nguyễn Ngọc Ký với câu chuyện viết chữ bằng chân trong các bài văn nghị luận về ý chí vươn lên. “Mình cũng có hoàn cảnh khó khăn, mình thường xuyên sưu tầm những mẫu chuyện kể về nhân vật có ý chí, có nghị lực sống phi thường để bản thân xem đó làm nhân chứng sống cố gắng phấn đấu noi theo”, Minh Thư kể. Được biết, có bài văn Thư được cô cho 9 điểm vì chọn thầy làm dẫn chứng để lập luận quan điểm “nơi nào có ý chí nơi đó có con đường”.

Bạn Nguyễn Thanh Hòa (sinh viên ĐH Nông Lâm TPHCM) biết tin thầy Nguyễn Ngọc Ký đi xa, tối rảnh lại lục video về thầy tìm hồi ức xưa. “Mình nhớ về hình ảnh một người thầy tận tâm, tận tụy và hết lòng vì học sinh. Ngày trước, mình thường sử dụng câu chuyện viết chữ bằng chân và cố gắng của thầy trong hành trình học tập để dẫn chứng bài tập làm văn. May mắn, nhờ quá trình tìm tòi, học hỏi mình xem thầy tấm gương sáng để học tập và viết nên ước mơ bằng con đường học tập không nản lòng trước khó khăn”.

Thanh Hòa ngồi xem video về nghị lực vượt khó thầy Nguyễn Ngọc Ký. Ảnh NVCC

Mặc dù phải chống chọi với bệnh suy thận, tuần 3 lần phải chạy thận nhân tạo, song với nghị lực và quyết tâm phi thường, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký vẫn miệt mài đi giao lưu với học sinh, vừa tiếp khách tư vấn tâm lí qua Tổng đài 1088 và vừa sáng tác tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2005, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã tặng Nguyễn Ngọc Ký danh hiệu: "Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết”. Năm 2013, nhân dịp Nick Vujicic đến Việt Nam, thầy là một trong 24 tấm gương "Hạt giống tâm hồn" của Việt Nam được vinh danh ở Trung tâm Hội nghị White Palace (TP.HCM).

KIM NGÂN

(Theo Mực Tím)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: