Ngày 30/4, ký ức không thể quên của anh thanh niên Phan Hồng Quân

Thứ sáu, 29/04/2022 21:40 (GMT+7)

Là người trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh 30/4/1975, chú Phan Hồng Quân (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử không thể quên trong suốt những ngày tháng tuổi trẻ của mình.

Chú Phan Hồng Quân

ANH THANH NIÊN TUỔI 17

Chú Phan Hồng Quân bắt đầu tham gia hoạt động phong trào cách mạng từ khi còn là chàng thanh niên 16, 17 tuổi. Những năm 1968, 1969 chú học tại trường Nguyễn Huệ (quận 4) và được giao nhiệm vụ huy động, kêu gọi thanh niên, sinh viên, học sinh biểu tình. Chú Quân nhớ lại: “Hồi đó, các chú chỉ 17, 18 tuổi nhưng đã tổ chức được những cuộc biểu tình, bãi khóa 10 ngàn, 20 ngàn người. Có những đêm bọn chú còn tổ chức làm thơ, viết báo chờ đến sáng phát cho người dân”.

Tham gia cách mạng nên chú Quân có nhiều kỉ niệm nhớ mãi. Khoảng năm 1969 chú được nhận nhiệm vụ đưa hai cây súng cho một chị giao liên. Cả hai hẹn nhau ngay sạp báo trên đường Phan Xích Long gần ngã tư Phú Nhuận. Hai cây súng được chú quấn trong áo mưa. Khi giao áo mưa cho cô giao liên, do súng khá nặng nên cô vừa cầm đã làm rớt khiến ông chủ sạp báo hốt hoảng, nhưng may mắn mọi chuyện trót lọt.

NHỮNG LẦN NGUY HIỂM CẬN KỀ

Một lần nọ địch tổ chức bắt bớ các anh em phong trào bí mật. Do không có chứng cứ nên họ tổ chức xét từng gia đình ngay tại khu phố nơi chú Quân ở. Lúc đó chú Quân không có nhà nên họ bắt em gái của chú với một lí do vu vơ để đánh lạc hướng. Sau đó họ vẫn để lại người canh gác trước nhà chờ chú về bắt, nhưng kế hoạch của họ vẫn không thành công.

Một lần khác chú Quân đang bí mật tổ chức họp tại một ngôi nhà ở quận 4 thì bị địch đến xét. Lúc này các anh em đang họp, có người phóng qua cửa sổ trốn, người leo qua mái nhà kế bên. “Chú cũng nhanh chân chui vào lu chứa nước trong nhà trốn, trong lúc gấp rút chú đậy nắp lu bị xéo. Ngay giây phút căng thẳng đó có một tên bước tới cầm nắp lu nói với chủ nhà: “Đậy cái nắp lu mà cũng đậy méo xẹo” rồi hắn đậy nắp lu ngay ngắn lại, bỏ đi. Nhờ vậy, chú đã thoát trong tích tắc. Rất có thể người này thuộc phe mình và đang được cài cắm nên dù đã phát hiện chú trốn nhưng họ vẫn che giấu”, chú Quân chia sẻ.

TỪ RỪNG TRỞ VỀ THÀNH PHỐ

Đến năm 1972, đồng đội bị bắt khá nhiều nên chú Quân phải trốn vào rừng vừa hoạt động vừa kết nối liên lạc với anh em phong trào trong thành phố. Đến năm 1975 vào những ngày cuối tháng 4 lịch sử, chú Quân cùng đồng đội bắt đầu âm thầm từ rừng về lại Sài Gòn.

Ngày 25, 26/4 chú Quân đã đi bộ đến được xa lộ Đại Hàn ngoại ô thành phố. Chú Quân nhớ lại: “Để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh trước đó tất cả tư trang, quần áo và cả lương thực chú đều phải bỏ lại ngoài khu Tân Tạo, Bình Chánh, chỉ mang súng đạn bên mình càng nhiều càng tốt. Chú được trang bị 1 khẩu AK, 1 khẩu K54, cùng ba lô chứa đầy đạn và thuốc nổ. Khối lượng chú mang trên người khoảng 25 đến 30 kg”.

Khuya ngày 28 sáng 29/4 chú đã tới được khu nghĩa trang Quảng Đông, quận 11 đến sáng 30/4 chú được lệnh đi theo cánh quân vào chiếm khu vực quận 11. Sau đó chú tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiến sâu vào khu Bàn Cờ (Q.3) để hỗ trợ một điểm quần chúng nổi dậy ở đây. Từ quận 11, chú Quân liền nhờ ngay 3 người dân lạ mặt đang chạy xe ngoài đường chở chú và hai đồng đội nữa tiến vào Bàn Cờ.

“Chạy tới Bàn Cờ, chú hội ngộ đồng đội ở đó. Cờ đỏ sao vàng đã may sẵn liền được tung ra, treo biểu ngữ lên và bắc loa kêu gọi địch đầu hàng. Lúc này chú hỗ trợ trấn áp nếu lực lượng dân quân tự vệ của Sài Gòn chống cự. Dân cư khu chợ Bàn Cờ huy động vải để may cờ, chuẩn bị lương thực thực phẩm tạo nên không khí rất sôi động”. Trong kí ức của mình, chú Quân không thể quên những giây phút lịch sử trên đường phố Sài Gòn ngày 30/4, quần chúng người dân chạy theo quân cách mạng rất đông, họ vừa mừng vừa ủng hộ, cờ đỏ sao vàng được treo khắp nơi.

DUY LÊ

Sau cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và trong chín tháng đầu năm 1969, một số cơ sở bí mật tại trường Cao Thắng, trường Pétrus Ký (nay là trường THPT Lê Hồng Phong), trường Gia Long (nay là trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai), trường Chu Văn An, trường Đức Trí hầu như bị bắt. Phong trào thanh niên học sinh, sinh viên trong thời gian này có nhiều khó khăn. Thành ủy triển khai Nghị quyết Bình Giã 3: “Tập trung đẩy mạnh tấn công chính trị, liên kết tạo quy mô đấu tranh toàn thành phố”.

Bãi khóa của sinh viên Sài Gòn năm 1969 - Ảnh tư liệu

Các đồng chí trong Đoàn ủy Học sinh còn bám trụ đã chủ động móc ráp lại cơ sở trường Cao Thắng, nơi vẫn còn 4 cơ sở mới và nhiều quần chúng tích cực, làm trọng điểm để kích hoạt phong trào chung.
Năm 1969, báo chí Sài Gòn đưa tin về cuộc bãi khóa quy mô lớn đấu tranh chống đàn áp học sinh, sinh viên…

(Theo Thành Đoàn TP.HCM)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: