Ngắm những phát minh "cool ngầu" của cậu bạn mê sáng tạo

Thứ sáu, 16/03/2018 07:02 (GMT+7)

Đó là Du Tấn Sỹ (trường THPT Trường Chinh, Q.12), một anh bạn đã tự mình chế tạo ra nhiều loại máy độc đáo.

Từ cấp 1, Sỹ đã chủ động hỏi các anh chị cách mắc mạch điện, tự đi đường dây, phân biệt được cực âm, cực dương trong motor. Thêm cái tật “táy máy” mà Sỹ biết được các bo mạch lắp ráp như thế nào, lập trình ra sao… rồi từ đó chế tạo ra nhiều loại máy.
Sỹ kể, hễ gặp máy gì cậu bạn cũng “ngứa tay” tháo ra nghiên cứu. Qua nhà hàng xóm thấy chiếc cát-sét hư, Sỹ xin mang về sửa. Cuối cùng, cát-sét thì… không sửa được, nhưng bù lại anh chàng lấy được ba cái motor trong đó để chế tạo máy khác. Nghe ba nói tivi bị hư, Sỹ đi mượn mỏ hàn về mở bung ra “nghiên cứu”. Đến nỗi lần ba mẹ thấy Sỹ lôi đồ nghề ra là bảo: “Con lại phá nữa hả?”
Du Tấn Sỹ.
Bên trong chiếc cặp đi học của Sỹ luôn có sẵn đủ loại vít, dao, linh kiện.
Máy làm lạnh nước ngọt
Không cần tủ lạnh to đùng, chiếc máy này có thể làm lạnh lon nước ngọt sau vài chục phút. Sỹ chế tạo chiếc máy bằng cách tận dụng bộ tản nhiệt của máy tính và con sò nóng lạnh mua ngoài chợ Nhật Tảo. Ngoài việc làm lạnh, nếu bạn muốn hâm nóng thức ăn, chỉ cần lật mặt nóng của con sò này lên để dùng.
Nhà thông minh
Hệ thống cảm biến Sỹ lắp trong nhà tắm của bạn.
Một ứng dụng nhà thông minh của Sỹ là lắp bóng đèn tự tắt mở trong nhà tắm. Thay vì dùng thiết bị cảm biến giá hơn 1 triệu đồng, Sỹ tự mày mò làm chip cảm biến thân nhiệt đơn giản với giá rẻ. Cậu bạn còn mang hệ thống đi lắp đặt ở nhà bạn bè với giá chỉ 80k đồng trọn bộ.
Sạc pin bằng... nắng
“Lo xa” nếu đi rừng, leo núi mà không có sẵn nguồn điện để sạc pin, Sỹ mày mò tạo bộ sạc pin điện thoại bằng năng lượng mặt trời. Nếu trời nắng to, pin sẽ đầy trong vòng 5 tiếng. Để cho ra sản phẩm, anh chàng đã… làm cháy rất nhiều mạch. “Mỗi lần như vậy là mình phải tháo hết ra làm lại từ đầu” – Sỹ kể.
Máy… chép phạt
Trong một lần “phá” đầu đĩa CD của máy tính, Sỹ phát hiện những chuyển động trong đó rất giống chuyển động của nét chữ. Thế là anh bạn tận dụng đầu đĩa, viết thêm code để máy nhận diện nét chữ và tự động viết ra đúng nét chữ đó. Mặc dù chiếc máy chỉ được làm cho vui chứ không sử dụng, nhưng quả là ý tưởng độc đáo phải không bạn?
Mua linh kiện sao cho rẻ?
- Tuyệt chiêu của Tấn Sỹ để không “mua hớ” là học thuộc và đọc vanh vách tên chuyên môn, số hiệu của phụ kiện để người bán biết mình am hiểu. “Chống chỉ định” bước vào chợ Nhật Tảo (Q.10) với vẻ mặt lơ ngơ, chưa biết rõ món đồ mình cần.
- Một số phụ kiện mua ở nước ngoài sẽ rẻ hơn. Như mạch cảm biến Sỹ dùng trong nhà thông minh, giá ở Việt Nam là 130k nhưng nếu tìm được chỗ bán free ship ở Mỹ thì chỉ tốn 50k.
- Trước khi mua phải tìm hiểu kĩ, hỏi các anh chị đi trước. Nhờ tham gia các hội nhóm chung đam mê sáng tạo, Sỹ đã được chia sẻ nhiều nơi bán linh kiện giá mềm ở thành phố.
TRÚC DUY
Ảnh: DUY LÊ, NVCC
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: