Mượn thổ cẩm kể câu chuyện văn hóa

Thứ bảy, 06/04/2019 07:14 (GMT+7)

Với mong muốn mang thổ cẩm và văn hóa của các dân tộc tại nước ta đến gần hơn với giới trẻ, với các quốc gia trên thế giới, cô bạn 9X đã nỗ lực hết mình để phát triển The May.

Khởi đầu từ nét đẹp của dân tộc

Thanh Vân (chủ shop The May) chia sẻ: “Khi đến nhiều nơi, mình thấy các sản phẩm thủ công của Lào, Campuchia được bày bán rất nhiều tại nước ngoài. Lúc đó mình bắt đầu ôm ấp hi vọng phát triển các sản phẩm truyền thống của nước mình. Từ những cảm hứng sẵn có về làng nghề thủ công tại quê hương, mình bắt đầu phát triển The May”.

Các sản phẩm độc đáo của The May

Nhắc đến Việt Nam, chúng ta thường sẽ nghĩ đến các biểu tượng truyền thống như nón lá, áo dài. Thanh Vân muốn chọn một hướng đi hoàn toàn khác, muốn bắt đầu với sản phẩm mới nhưng vẫn mang nét đẹp của dân tộc mình. Vân đã bén duyên với thổ cẩm, bởi từ những ngày còn bé, cô bạn đã tiếp xúc với các dân tộc như Chăm, Ê-đê, Bana… Vân nhận ra hoa văn thổ cẩm là câu chuyện cuộc sống của người dân tộc, họ truyền tải những hoạt động, phong tục, truyền thống của dân tộc mình lên từng sản phẩm.

Thanh Vân – người sáng lập The May

Những bỡ ngỡ ngày đầu

Tuy thổ cẩm không phải là mặt hàng xa lạ đối với chúng ta ngày nay nhưng được dệt từ máy là chủ yếu. Trong khi Vân lại muốn dùng thổ cẩm được dệt tay để thực hiện dự án của mình. The May đã vấp phải khó khăn đầu tiên trong việc tìm nguyên liệu. “Những ngày đầu mình vô cùng bối rối khi không tìm được thổ cẩm được dệt bằng tay. Mặc dù quê gốc mình ở Gia Lai, tiếp xúc với người dân tộc rất nhiều nhưng mình vẫn không tìm được nguồn thổ cẩm ưng ý” – Vân tâm sự.

Đến khi tìm được thổ cẩm dệt tay của người Ê-đê, Bana, The May lại không hiểu được những câu chuyện mà người dân tộc muốn truyền tải qua hoa văn của họ nên không thể sử dụng. Do đó, Thanh Vân tiếp tục tìm đến người Chăm ở Ninh Thuận. Cô bạn cho biết: “Mục tiêu của mình không chỉ làm sản phẩm từ thổ cẩm mà còn muốn truyền tải những điều bên trong của hoa văn thổ cẩm. Đến Ninh Thuận, mình biết thêm được những câu chuyện ẩn mình trong thổ cẩm của người Chăm. Ví dụ hoa văn mắt gà, chân chó là thể hiện sự quan trọng của 2 loài vật này trong cuộc sống của người Chăm. Mình còn được nghe kể thêm về công chúa Huyền Trân. Chỉ khi hiểu được hoa văn của họ, câu chuyện của họ, chúng mình mới bắt đầu thiết kế các sản phẩm”.

Khách hàng đến tham quan The May

Sản phẩm tuy quen mà lạ

The May được biết đến với các sản phẩm trang sức rất độc đáo. Tuy sử dụng thổ cẩm là nguyên liệu chính, The May vẫn phối hợp thêm các loại đá thiên nhiên, chỉ, pha lê để các sản phẩm giữ lại nét trẻ trung, năng động của thời đại. Từng chiếc hoa tai của The May đều được thiết kế riêng từ nhiều nguồn cảm hứng khác nhau. Thanh Vân bật mí: “Để có được một bộ sản phẩm, mình và các bạn trong nhóm sẽ trực tiếp đến các làng dân tộc để tìm hiểu. Chúng mình sẽ bắt đầu ở những cảm hứng đến từ câu chuyện văn hóa của dân tộc đó. Ví dụ như bộ sưu tập Ariyana đầu năm nay của bọn mình được thực hiện dựa trên hình ảnh người con gái Chăm pa duyên dáng có đôi mắt sâu, buồn nhưng không kém phần mạnh mẽ”.

Sản phẩm trong bộ sưu tập Ariyana

Hiện nay The May đã sở hữu 3 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM. Vân kể: “Hiện nay mình chưa mở cửa hàng ở nước ngoài nhưng khách nước ngoài vẫn tìm và mua sản phẩm. Đó chính là động lực để mình và team cố gắng hơn mỗi ngày. Nhiều lúc khách nhắn tin cho The May không phải để mua hàng, cũng không phải để nhờ tư vấn, chỉ đơn giản nhắn rằng “dự án của các bạn thật ý nghĩa, mong rằng các bạn sẽ phát triển nhiều hơn nữa”. Thú thật chỉ bấy nhiêu thôi mình cũng cảm thấy sung sướng rồi”.

Sản phẩm trong bộ sưu tập Ariya Bilan

THU THẢO

Ảnh: NVCC

(Theo Mực Tím)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: