Mùi ơi từ đâu đến?

Thứ năm, 01/06/2017 10:22 (GMT+7)

Mỗi người chúng ta có một mùi riêng biệt giống như vân tay, không ai giống ai, kể cả giữa cha mẹ và con cái.

Mùi ơi từ đâu đến?

Kỳ 1: Hách từ trong nôi

Mỗi người chúng ta có một mùi riêng biệt giống như vân tay, không ai giống ai, kể cả giữa cha mẹ và con cái. Bạn thương người nào và đã từng hẹn hò, ngồi cạnh nhau, bạn không chỉ nhớ gương mặt, dáng đi, nụ cười, giọng nói… mà còn nhớ mùi “hương” thoang thoảng tiết ra từ cơ thể của người ấy. Bạn mà dùng nước hoa là tự mình làm mất mùi riêng, đối phương sẽ không biết bạn có mùi gì mà chỉ nhớ mùi… nước hoa mà thôi!

Trên cơ thể bạn có từ 3 triệu đến 5 triệu tuyến mồ hôi. Chúng được chia làm 2 loại: eccrine sweat glands rải khắp cơ thể bài tiết nước, muối và một số chất điện giải, còn các tuyến apocrine glands còn gọi là tuyến nội tiết “rụng đầu” nằm ở những vùng có lông, tóc. Các apocrine là nguồn gốc của mùi cơ thể bởi chúng bài tiết cholesterol, triglyceride (chất béo trung tính), acid béo, este cholesterol, squalene. Nó cũng chứa các nội tiết tố androgen, carbohydrate, amoniac và sắt III. Ngoài ra, các tuyến này còn sản xuất các hormone, đó là những tín hiệu hóa học (phenomone) kích động phản ứng hành vi (ví dụ như cuốn hút tình dục).

Trên da chúng ta có cả một “rừng rậm” vi khuẩn cỡ 100 nghìn tỉ thành viên. Trong đó có nhiều dòng họ vi khuẩn mà chủ yếu là propiobacterium, Corynebacterium, Staphylococcus, Micrococcus. Nách của bạn lúc nhỏ khô ráo, khi dậy thì bỗng nhiên chúng mọc chút lông và bài tiết chất dịch hơi nhầy. Đây là vựa lúa màu mỡ của các loại vi khuẩn. Chúng ăn các chất trong mồ hôi nách rồi thải ra acid isovaleic và acid propionic cùng với androstenol tạo ra “mùi không được thơm” làm bạn u sầu, rầu rĩ.

Độc đáo hơn có bạn còn bốc mùi cá ươn. Ngành y gọi đó là hội chứng trimethylaminuria hay hội chứng người có mùi cá bởi bạn ấy bị rối loạn chuyển hóa chất trimethylamine. Hội chứng mùi cá là một bệnh di truyền hiếm gặp, chỉ xảy ra ở những người thừa hưởng hai bản sao của gene khiếm khuyết, một gene đến từ cha và một gene đến từ mẹ của họ. Ước tính cứ 10.000 người lại có 1 người bị hội chứng này. Họ rất khổ sở vì cơ thể mình luôn bốc mùi giống như cá ươn. Mùi toát ra từ mồ hôi, nước tiểu và cả hơi thở của họ.

Bạn nhớ đón xem kỳ 2 câu chuyện “Mùi cơ thể” trên Mực Tím số tuần sau nhé!

Tiến sĩ - Bác sĩ LÊ THÚY TƯƠI

TÁO BÓN CŨNG LÀM BẠN NẶNG MÙI

Nghe lãng nhách vậy mà đúng đấy. Khi chất thải không theo quy luật đi ra “cửa sau” mà cứ nằm lì ở trong ruột già thì các độc tố trong nó chạy về gan để được “chuồn” theo mồ hôi. Vì thế, các bạn nhớ khẩu hiệu “lườm thịt, gắp rau” để tránh táo bón mới giữ được mùi đặc trưng của bạn.

6bb87ab0-16b9-40b2-98cb-1a83026df8a4

XÀ BÔNG KHÔNG LÀM BẠN THƠM THO

Nghe tên bọn vi khuẩn, teen nhà mình sẽ có bạn nảy ra sáng kiến dùng xà bông diệt khuẩn. Xin chớ nghĩ dại, bởi xà bông diệt khuẩn sẽ làm cho vùng da nơi đây khô hơn khiến các tuyến apocrine tăng cường sản xuất để bù đắp “lương thực” cho bọn vi khuẩn đang chầu chực sẵn, kết quả là mùi của bạn không hết mà còn “nặng” hơn.

b1a1c199-b77b-40c1-9807-a3666c1ad535

STRESS LÀM BẠN… HÔI HƠN

Khi bạn học thi hay gặp chuyện buồn về tình cảm với “người ấy” hoặc bị cha mẹ rầy la thì cơ thể bài tiết nhiều hormon của tuyến thượng thận có tên gọi là cortisol. Tên này vừa giúp cơ thể chống chọi với những căng thẳng nhưng lại làm tăng bài tiết mồ hôi rồi các chất béo trong mồ hôi vẫy gọi bọn vi khuẩn tới làm cho mùi của bạn “nặng” hơn.

Vài mẹo nhỏ để bạn bớt "hách..."

Nước muối pha loãng, bôi vào vùng nách; hoặc khi giặt quần áo, bạn cho ít muối vào để khử mùi mồ hôi trên quần áo; bạn cũng có thể may 2 chiếc vải nhỏ, cho muối vào rồi đặt vào giày để muối hút mùi hôi giày giúp bạn bớt hôi chân.

• Tinh dầu sả, chanh nhỏ vài giọt vào giấy hay vải, đặt vào giày cũng khử được mùi.

• Khi tắm, bạn vò lá trầu xoa vào vùng nách.

• Giã lấy nước lá khổ qua thoa vùng nách trước khi ngủ, sáng hôm sau rửa sạch lại.

• Phèn chua là cách dùng phổ biến theo dân gian, tắm xong, bạn nhúng nước cục phèn chua rồi xoa nhẹ lên vùng nách.

Còn nhiều mẹo khác nữa, nhưng chỉ giúp hạn chế hay tạm thời, chứ không làm cho bạn hết “hách trong nôi” vĩnh viễn.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: