Mùa hè xanh, nhớ nhất là…

Thứ ba, 23/07/2019 14:40 (GMT+7)

Tháng 7, những sinh viên từng đi chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh lại “rần rần” thay mới ảnh trên mạng xã hội của mình bằng những tấm hình kỉ niệm về “mùa xanh” năm nào. Đây như một lời nhắc nhớ cho “đồng đội” về một Mùa hè xanh đã đi qua và một mùa tình nguyện mới lại đến, với đại ý “Mùa hè xanh, nhớ nhất là…”.


Nhật Thịnh đang sơn vẽ cho thư viện trường tại Champasak (Lào) - Ảnh: NGỌC NHUNG

Từng tham gia Mùa hè xanh ở mặt trận xã Phú Hữu (An Giang), Nguyễn Hải Dương (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn, ĐH Quốc gia TP.HCM), bồi hồi kể: “Không ngắn như thời gian đi Xuân tình nguyện, Mùa hè xanh của mình kéo dài một tháng, có nhiều kỉ niệm và làm được nhiều việc hơn.”

Dù mặt trận Mùa hè xanh mỗi năm một khác nhưng Dương cùng người dân ở Phú Hữu vẫn giữ liên lạc thường xuyên. “Lâu lâu, cô chú lên Sài Gòn có việc đột xuất hay đi khám bệnh, thì cả đội hẹn nhau qua giúp đỡ cô chú. Người dưới quê lên Sài Gòn thì cũng khó khăn lắm” – Dương cho biết.

Cũng từng là chiến sĩ trong chiến dịch này, Huỳnh Nhi - cô sinh viên năm 3, đã có một mùa hè đầy ắp yêu thương tại đảo Thổ Chu (Kiên Giang) vào năm trước. Nhắc đến Thổ Chu là Nhi lại nhớ tới quãng đường ra đảo xa thật xa. Vì chưa từng trải qua chuyến đi nào dài như thế, nên Nhi còn nhớ rõ: “Quãng đường đi từ TP.HCM lên con tàu Thổ Châu 09 rồi tiến ra đảo trong khoảng gần 20 giờ. Đi từ 7 giờ tối mà gần 4 giờ chiều hôm sau thì tới nơi”.

Tình đồng đội là điều mà Nhi cảm giác rõ ràng nhất trong những ngày cùng hoạt động với đội trên đảo. Cả đội cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm công trình và cùng gieo con chữ cho các em trên vùng đất đầy nắng gió nơi đây. Dần thân nhau rồi mọi người thương nhau lúc nào không hay. Về đất liền, dù mỗi người một lịch học, một công việc nhưng vẫn luôn liên lạc, giúp đỡ nhau mỗi khi cần.

Trở lại đảo Thổ Chu cùng màu áo xanh tình nguyện năm nay, Hoàng Phúc (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) cảm thấy bản thân như đang được về nhà. Cái tình “đi dân nhớ, ở dân thương” lại càng rõ hơn khi Phúc thấy hình ảnh đám nhỏ ùa nhau ra cảng đón đoàn, cho đến những cái ôm, cái bắt tay đầy thân tình của người dân ở đảo. Nhiều cô chú ra đón Phúc tươi cười nói: “Phúc này thì quen quá rồi”.


Các chiến sĩ chỉ cách dùng thuốc cho cụ bà tại xã An Phú (An Giang) vào năm 2018 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Vừa từ mặt trận tình nguyện hè tại Lào 2019 trở về, Đỗ Nhật Thịnh (ĐH Mỹ thuật TP.HCM), cũng hồi tưởng lại: “Chiến dịch kéo dài suốt 13 ngày. Điều mình ấn tượng nhất là những dòng chữ Việt “tiên học lễ, hậu học văn” được viết trên bức tường của một phòng học trên đất Lào. Cái cảm giác nhìn thấy chữ Việt ở nước ngoài mới lạ làm sao”.

“Nhớ nhất, mình và cả đội đã cùng hoàn thành thư viện cho các em thiếu nhi trong vòng 3 ngày. Nhìn căn phòng mà ai cũng thấy tự hào ghê gớm. Mình vẽ những hình em bé, động vật ngộ nghĩnh để các em thiếu nhi thấy thích thú và giữ gìn hơn. Mình cũng vẽ hoa chămpa và hoa sen để thể hiện tình hữu nghị giữa Việt - Lào. Đi xa mình học được thế nào là tình hữu nghị” - Thịnh nói.

Mùa hè xanh trong ai cũng vậy, có chút nhớ nhung, nuối tiếc. Đối với các chiến sĩ thì nó là một phần của sự trưởng thành. Như Huỳnh Nhi có nói: “Nếu ai đó muốn thật sự lớn lên, hãy đi Mùa hè xanh. Ở một mặt trận nào đó, gắn bó với nhau trong thời gian đủ dài để nhận ra nhiều điều. Xem lại mình đã chín chắn hơn ở một mặt nào đó chưa.”

KIM PHƯỢNG

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: