Mùa dịch, cẩn thận... cửa ngõ!

Thứ tư, 16/03/2022 21:52 (GMT+7)

Niêm mạc mũi, họng là cửa ngõ để virus gây bệnh xâm nhập. Do đó cần bảo vệ, tránh làm tổn thương khu vực này.

@ Vì sao mũi, họng quan trọng?

SARS-CoV-2 là virus hô hấp, phải quá cảnh mũi họng trước khi vào phổi. Thế nên, hạn chế được lượng virus tại mũi họng tức là giảm được lượng virus lọt vào phổi, bệnh sẽ nhẹ hơn, đồng thời giúp giảm khả năng lây nhiễm ra xung quanh.

@ Làm thế nào đuổi được virus khi chúng đã đổ bộ vào mũi?

Mũi họng được cắt đặt một phòng tuyến nhằm ngăn chặn những vị khách không mời. Phòng tuyến này là các bẫy dính do các chất nhầy nhớt đảm nhận. Việc giam chân các virus thì bẫy dính đã làm, việc của chúng ta là tống chúng ra ngoài, qua việc rửa mũi.

@ Virus vượt qua mũi đến họng thì đã muộn, vậy sao vẫn khuyên súc họng?

Họng là chặng cuối của hô hấp trên mà ta có thể can thiệp, trước khi bó tay để virus lọt vào phổi. Lọt sàng xuống nia, mũi có rửa mũi thì họng có súc họng, càng hiệu quả thêm thôi.

@ Trong công thức rửa mũi, súc miệng thường được khuyên dùng nước muối sinh lí?

Nước muối 0,9% rất được khuyên dùng để rửa mũi, bởi đó là nồng độ dễ chịu và an toàn nhất. Tuy nhiên, nước muối này chỉ để rửa, còn để diệt virus thì nồng độ này quá hiền. Do vậy, vừa rửa mũi vừa “khử” virus, bạn nên dùng nước muối 1,5%, loại mặn hơn một chút.

@ Có lời khuyên là không nên lạm dụng xịt rửa mũi, súc họng ?

Mục đích súc rửa mũi họng là thải loại khi đã có virus ghé vào. Bởi vậy, súc, rửa thường được chỉ định khi chúng ta đi dạo phố về, tiếp xúc đám đông hay đang là F0... Việc lạm dụng súc rửa mũi họng vừa vô ích, vừa tính già hóa non… Hở chút là rửa mũi, ở nhà một mình cũng súc họng liên tục sẽ làm tổn hại niêm mạc, hệ thống đề kháng của mũi họng.

@ Còn súc họng thì sao? Sao phải khò họng?

Khi súc họng nên súc sâu đừng nên chỉ súc miệng. Cách làm dễ hơn rửa mũi :

- Đầu hơi ngửa. Cho một lượng nước vào miệng, ngậm và súc nghe ục ục trong vài phút rồi nhổ bỏ.

- Nguyên liệu đề xuất vẫn là nước muối sinh lí pha sẵn hoặc tự pha đều được. Có thể dùng nước súc miệng khử khuẩn, nhưng hạn chế vì chúng mạnh “đô”, lạm dụng có thể gây bệnh viêm họng. Công thức nước muối 0,9% tự pha: 2 muỗng cà phê (khoảng 9 gram) muối với 1 lít nước sôi để nguội.

- Để nước muối thi triển tới họng cũng cần kĩ thuật: ngửa cổ + thè lưỡi ra trước + súc nghe kêu khò khò khò... Không đủ những kĩ thuật này thì coi như chỉ súc miệng.

- Nên súc họng ngay khi ra ngoài về, sau khi nói chuyện, tiếp xúc với người ngoài, sau khi đi bơi.

@ Chỉ cần “siêng” súc rửa mũi họng là có thể khỏi bệnh hoặc bệnh không nặng nếu là F0, có chính xác?

Cả việc phòng ngừa thì vai trò của súc rửa mũi họng chỉ tương đối, vẫn có một lượng virus lọt vào phổi. Cho nên, rửa mũi, súc miệng không có tác dụng chữa bệnh. Các F0 có thể rửa súc với mục đích làm thông thoáng, dễ chịu hô hấp, góp phần giảm lây nhiễm, bởi virus đã vào phổi thì cơ bản bó tay.

@ Ngoài rửa mũi họng, có nên xông mũi?

Xông tức gửi chất trị bệnh theo hơi nước, nhờ vậy chất trị bệnh sẽ đi sâu hơn vào đường hô hấp hơn so với rửa súc. Ngoài ra, xông còn lợi dụng nhiệt để “xử” virus. Tuy nhiên, xông cần nhiều khâu chuẩn bị hơn và tương đối thiếu an toàn. Ở tuổi chúng mình, nếu cần nên có người lớn giúp. Dù thế nào, cũng như việc rửa súc họng, không nên quá lạm dụng xông mũi bởi khả năng tổn thương, đề kháng hô hấp còn đáng lo hơn, chưa kể các sự cố bỏng, ngạt, mất nước, tim mạch. Thêm nữa, xông cũng chỉ có tác dụng ngừa chứ không chữa được Covid như các thông tin ngoài lề.

Nguyên liệu xông mũi không cần cầu kì, chỉ cần: sả, chanh, bạc hà, gừng, bưởi, tràm, kinh giới, tía tô..., có thể chọn một hoặc kết hợp vài loại là đủ. Liều xông (dược liệu, nước xông) cần gia giảm theo trọng lượng, cơ địa và cả diện tích phòng. Chú ý là chỉ xông mũi chứ không xông toàn thân.

Sau cùng, cần thiết phải nhắc lại: việc rửa - súc - xông mũi họng chỉ có vai trò hỗ trợ chứ không chữa được bệnh. Để virus xâm nhập vào rồi thì những biện pháp này chỉ có tác dụng tương đối. Với những bệnh hô hấp như Covid, tốt nhất là không cho virus đáp được vào mũi, tức là vẫn phải khoảng cách và khẩu trang, cộng tăng cường sức đề kháng bên trong bằng việc ăn uống, tập luyện khoa học.

@ RỬA MŨI CŨNG PHẢI ĐÚNG BÀI?
Nhỏ mũi cũng tốt nhưng để phát huy hiệu quả tối đa thì nên dùng chai xịt mũi (nasal spray) nước muối sinh lí. Xịt rất đơn giản nhưng cũng cần bài bản:
- Xịt một bên 2-3 lần, hướng đầu xịt xuống.
- Bịt mũi bên kia và hỉ mũi bên đã xịt.
- Chuyển sang mũi bên kia với thao tác tương tự, 2-3 lần mỗi bên.

BÁC SĨ ĐỖ MINH TUẤN

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: