Màu sắc cũng biết nói năng

Thứ năm, 29/11/2018 15:03 (GMT+7)

Màu sắc cũng phần nào phản ánh tình trạng sức khỏe của teen mình đó. Thử chẩn bệnh nào!

Màu trắng

Màu trắng gắn liền với sự sáng sủa, sạch sẽ. Với nhiều teen, sở hữu làn da trắng luôn là mong ước cháy bỏng. Có nhiều cách làm trắng da, nhưng nhanh nhất là dùng chất bào mòn (thủy ngân, hydroquinone, corticoid, acide salicylique, iode...), để bóc lớp biểu bì đen đúa bên ngoài, làm lộ lớp da non bên dưới. Tuy nhiên, lớp da non này rất dễ tổn thương bởi khói bụi, tia cực tím, vi khuẩn, chưa kể, da dễ bị teo, bị mụn do biến chứng corticoid...

Màu trắng còn liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm. Teen hẳn nghe nhiều về mấy vụ “hô biến” dừa tươi, măng tươi, bắp chuối, hủ tiếu… sậm màu thành trắng bằng cách ngâm hóa chất độc hại. Thế nên, giờ teen ăn cái gì trắng quá lại nghi ngờ, còn hơi ngả màu, thậm chí bẩn một chút lại có phần… yên bụng.

Với các bạn gái, huyết trắng là vấn đề khiến nhiều bạn đau đầu (tuy đa số “khí hư” ngả màu hơi vàng bẩn chứ không trắng hẳn). Bệnh máu trắng (ung thư bạch cầu) là căn bệnh ác tính có thể “ghé thăm” tuổi teen. Tuy nhiên, teen cũng đừng hoang mang quá bởi tuổi mắc càng nhỏ, bệnh có khả năng chữa khỏi cao.

Màu đỏ

Màu đỏ liên quan mật thiết đến máu. Kẻ thật sự đứng đằng sau màu đỏ của máu là sắt (Fe), thành phần chủ lực của hemoglobin tạo ra hồng cầu. Những teen mặt mày xanh lét, ngồi xuống đứng dậy xây xẩm do ăn uống kiêng khem, bị hành kinh nặng, bị nhiễm giun móc (dracula trong giới kí sinh trùng)… rất cần quan tâm đến việc bổ sung chất sắt này qua thức ăn, dược phẩm.

Đỏ mặt là biểu cảm rất “cute” của teen, nó có thể chỉ là sự ngẫu nhiên khác lạ của các vận hành thần kinh, mạch máu, nhưng đôi khi là cú nhắc nhở đáng ngại báo trước bệnh cao huyết áp, cường giao cảm…

Y học từng có nhiều cảnh báo về sự “nham hiểm” của thịt đỏ (thịt bò, lợn, cừu, dê…) so với thịt trắng (gia cầm, cá...) vì nguy cơ liên quan đến bệnh tim mạch, mất trí nhớ và cả ung thư... Nhiều teen hẳn coi đây là chuyện cả lo, thịt nào cũng là thịt, miễn chiên xào nướng hấp thơm ngon thì ngại gì “thị phi”. Tuy nhiên, cảnh giác với thịt đỏ chẳng thừa chút nào khi những hậu quả từ thịt đỏ có thể đến với teen trong tương lai gần.

Màu đen

Màu đen có một đại diện nổi như cồn đó là hắc sắc tố, trong đó có thể kể đến như tình trạng đen da, tàn nhang, mụn thâm, sẹo xấu, mắt quầng… Nhiều trường hợp đen da, quầng mắt, sẹo thâm… xuất phát từ sự mạnh bạo của các tế bào sắc tố, tiết ra hắc sắc tố nhiều hơn người khác. Sự “hơn người” này thường do gen quy định nên rất khó can thiệp. Đơn cử như những teen có cơ địa sẹo thâm, nếu lỡ bị mụn hay vết thương thì kiểu gì cũng bị sẹo thâm. Khi hiểu được điều này sẽ giúp teen không phải đổ quá nhiều tiền của, công sức vào những cái gọi là xóa thâm, tẩy sáng siêu tốc.
Có một nỗi khổ liên quan đến màu đen đó là khi mái tóc đen dần chuyển sang tóc... muối tiêu. Tóc bạc sớm thường bị đổ cho “máu xấu” nhưng thật ra đến nay y học vẫn chưa tìm ra nguyên do. Vài mẹo giúp teen trẻ hóa lại mái tóc như ăn đậu đen, mè đen... nhưng kết quả lại có phần vô chừng.

Màu xanh

Xanh lá cây là “linh hồn” của rau, quả, cỏ cây... Rau quả xưa nay danh tiếng là nguồn cung cấp vitamin, chất xơ, chất chống oxy hóa. Teen nào đang “giằng co” với béo phì thì tăng cường thực đơn màu xanh này là ổn.

Màu vàng

Đây là biểu tượng “không đụng hàng” của các bệnh gan, mật. Teen nào soi gương thấy vàng da, vàng mắt… nên kiểm tra bộ sậu gan, mật, trong đó nổi cộm là bệnh viêm gan B, C, gan nhiễm mỡ. Tiểu vàng như trà đậm, ngoài gan, còn do một thủ phạm cũng hay “viếng thăm” teen là nhiễm trùng tiết niệu, nhất là teen nữ. Vitamin A - giúp làm đẹp da, sáng mắt cũng khéo chọn màu vàng. Teen nào muốn tươi trẻ thì cứ nhắm mấy món màu vàng như đu đủ, cà rốt, bí ngô, khoai lang, ớt chuông… mà “măm măm” nhé!

Màu tím

Tím tái là từ mô tả trực quan về sự đáng sợ của những tai biến từ các căn bệnh về hô hấp, tim mạch nặng… Thường là đến mức tím tái thì nạn nhân đã khá “gần đất xa trời”. Những ngón tay, đôi môi ngả tím là chỉ báo yểu mệnh đáng buồn của các bệnh nhân tim bẩm sinh, bệnh hô hấp nặng...

Màu mè quá - thường bất tin

Tựu trung lại, màu mè gây hại đến sức khỏe của teen chủ yếu liên quan đến yếu tố màu nhuộm. Nhuộm màu được dùng cho cả đồ dùng và thực phẩm. Teen nên tập ngay thói quen đọc thành phần thực phẩm trên bao bì, trong đó đừng quên các chỉ dẫn màu. Những món ăn, thức uống nào nhập nhằng hay tảng lờ việc công bố này thường là đáng nghi. Còn những món hàng ở chợ hay không bao bì thì làm sao? Nên chọn món ít… màu mè nhất. Riêng màu trắng, như đã nói, có chút rắc rối về trắng đen nên cần phải động não để chọn lựa. Ngoài ăn uống, teen cũng có thể hạn chế màu mè trong ăn mặc đến vật dụng sinh hoạt. Công bằng mà nói, ở tuổi teen, việc phải hạn chế màu mè rất khó, tuy nhiên, nếu quan tâm đến sức khỏe thì việc hi sinh này cũng đáng mà, phải không?

Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN

BẠN CÓ NHỮNG THẮC MẮC KHÔNG BIẾT HỎI AI?
Bạn có những thắc mắc liên quan đến vấn đề tâm sinh lí, hãy mạnh dạn gửi câu hỏi của mình về địa chỉ: phongmachmuctim@gmail.com. Những thắc mắc của bạn sẽ được Mực Tím gửi đến các chuyên gia.
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: