Lớp học ve chai trong khu biệt thự

Thứ hai, 27/06/2022 05:14 (GMT+7)

Tại P.Thảo Điền (TP.Thủ Đức) có một khu nhà trọ đa phần các bạn nhỏ ở đây không được đến trường. Các anh chị áo xanh đã "phẩy đũa thần" để hô biến một không gian tri thức nhỏ xinh bằng ve chai, vật liệu tái chế… bên trong khu trọ để các bạn học chữ, vui chơi.

“NHỜ ANH CHỊ ÁO XANH, TỤI MÌNH ĐƯỢC BIẾT CHỮ”

Phường Thảo Điền được mệnh danh là khu phố Tây ở TP.Thủ Đức, là nơi tập trung nhiều doanh nhân người châu Âu, châu Mỹ đến làm việc và định cư lâu dài tại Việt Nam. Xung quanh toàn những quán cà phê, siêu thị, nhà hàng đẹp đẽ. Thế nhưng, ẩn sâu trong đó lại có một khu giải tỏa, không được xây dựng, không được cấp sổ KT3, tạm trú… Khu trọ dựng tạm bợ đa phần là lao động tự do, bán vé số, thợ hồ, dân trí thấp. Có gia đình 3 thế hệ không biết chữ. Các bạn nhỏ không có giấy tờ tùy thân, không được đi học, phải cùng gia đình mưu sinh.

Bích Nhẫn (12 tuổi) thỏ thẻ, nhà bạn có 5 anh em nhưng không ai được đi học. Hàng ngày, Nhẫn ở nhà giữ em, chơi lò cò với các bạn quanh xóm. Bạn nói: “Ở đây có nhiều bạn cũng giống mình. Không gian này ngày trước nhiều rác nhưng tụi mình sống quen rồi”.

Sau giờ học ở trường, Quỳnh Như còn giúp các bạn học chữ

May mắn hơn các bạn, Thảo Ngọc (12 tuổi) cho biết bạn từng học lớp 4 ở quê nên biết đọc, biết viết. Tuy nhiên, lên TP.HCM không có giấy tờ nên Ngọc không được đến trường nữa. Trong khu này chỉ có mỗi bạn Quỳnh Như (là con chủ nhà, học lớp 5 trường Huỳnh Văn Ngỡi gần đó) là được đi học.

Không gian vui chơi của các bạn trước đây rất hỗn độn

Các anh chị mỗi người một tay giúp các bạn sớm có chỗ học tập

Hỏi về ước mơ, các bạn đều cho rằng đó là điều xa vời, chưa bao giờ nghĩ tới. Đám trẻ chỉ nghĩ cách làm sao có không gian vui chơi, làm thế nào để bán được hết vé số.

Bà Nguyễn Kim Anh (Chủ khu trọ) tâm tình, khu này đã quy hoạch được 20 năm, có nhiều mảnh đời khó khăn. Có gia đình ông bà đi làm rác nuôi 5 cháu. Có bạn phụ cha mẹ làm hồ, bạn đi bán vé số… vì không đủ tiền ăn, không có điều kiện đến trường. “Giá thuê nhà rất rẻ nhưng nhà ai cũng thiếu. Có nhà thiếu 4, 5 tháng nhưng cô vẫn cho. Chỉ thương tụi nhỏ tù túng, tội nghiệp…”, bà nói.

Thương hoàn cảnh của các bạn, chị Trà Hồng Lê (Ủy viên BCH Đoàn Cơ quan Thành Đoàn, Bí thư Chi Đoàn Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân thành phố) đã thực hiện chương trình Gia sư áo xanh hỗ trợ học tập. Hàng tuần, các anh chị sinh viên dạy trực tiếp tại khu trọ cho các bạn. Nhờ các anh chị hướng dẫn dạy tiếng Việt, tiếng Anh, các bạn dần dần biết chữ. Thậm chí có bạn còn sử dụng luôn tiếng Anh giao tiếp để mời khách Tây mua vé số rất chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, ở tạm trú tại nơi đang phong tỏa nên không gian tạm bợ, các bạn không có không gian học tập dành riêng cho mình. Phụ huynh đa phần là lao động tự do, thường xuyên tổ chức nhậu nhẹt hát karaoke, ảnh hưởng đến việc học nên chị Lê có ý tưởng và ước mơ xây dựng riêng cho các bạn không gian tốt hơn để học tập.

XIN CHÀO KHÔNG GIAN TRI THỨC TRONG KHU TRỌ!

Nghĩ là làm, chị Lê vận động các Chi Đoàn bạn cùng tham gia như Đoàn phường Thảo Điền, Chi Đoàn Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên, Chi Đoàn Trường Đoàn Lý Tự Trọng, Chi Đoàn Báo Khăn Quàng Đỏ, Liên Chi đoàn Báo Tuổi Trẻ, Liên Chi đoàn Ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà Nước thuộc Đoàn Học viện Cán bộ Thành phố.

Không gian tri thức khu trọ được trang bị sách vở, dụng cụ học tập. Các anh chị áo xanh còn làm bàn ghế học tập, xích đu bằng vỏ xe để các bạn giải trí… Tương lai đây còn là địa điểm để các anh chị xuống giao lưu, dạy tiếng Việt, tiếng Anh, thực hành xã hội, khám sức khỏe, hỗ trợ an sinh cho các bạn.

Các bạn nhỏ tại khu trọ đọc báo Khăn Quàng Đỏ

“Là khu vực nằm trong dự án giải tỏa nên chị phải tính toán phương án xây dựng lưu động chứ không làm cố định để dễ dàng di dời. Các anh chị Đoàn viên đã cùng nhau dọn dẹp, trộn hồ, tráng nền xi măng, làm bàn ghế tái chế… để nhanh chóng hoàn thành không gian học tập cho các bạn”, chị chia sẻ.

Khi chưa huy động được nguồn kinh phí và nguồn lực thực hiện, anh chị áo xanh nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ cô chủ trọ. Họ tận dụng lại tối đa các vật dụng sẵn có như: thiết, sắt, gỗ… nên kinh phí được giảm bớt.

Nhìn công trình dần dần hoàn thiện, Trọng Nhân (14 tuổi) cười toe: “Đây sẽ là lớp học trong mơ của mình”. Còn Quỳnh Hương (12 tuổi) chia sẻ: “Mấy bữa trước, lớp tiếng Anh của mình học online. Mình hi vọng sẽ được học trực tiếp cùng thầy cô ngay trong lớp này”.

Chị Lê cho biết, sau khi không gian tri thức được xây dựng, các bạn rất vui, ngày nào cũng ra chơi mà không lo lắng giẫm phải “vật thể lạ” như lúc trước.

Chị nhắn nhủ: “Câu được in trên bảng gỗ tại tủ sách có viết: Không có gì là không thể nếu một người luôn biết cố gắng. Các em không may mắn như các bạn khác được đến trường nhưng các em đã có kĩ năng tự lập ngay còn nhỏ. Dù ở hoàn cảnh nào chỉ cần các em cố gắng thì nhất định sẽ thành công, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Câu “Chào cô Lê” của các bạn chính là động lực, niềm trăn trở của chị phải có trách nhiệm, phải làm sao để giúp nhiều hơn nữa, để tương lai các bạn tươi sáng hơn”.

Khi ghé thăm không gian, anh chị áo xanh còn hứa giúp các bạn khám sức khỏe, hỗ trợ giấy tờ để tới trường và tặng thêm sách báo. Hi vọng đây sẽ là chốt cửa để mở ra tương lai cho các bạn.

Bài, ảnh: PHƯƠNG VY

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: