Làm gì với "những cơn ho ngang qua"?

Thứ năm, 08/04/2021 09:47 (GMT+7)

Những cơn ho, dù dài hay ngắn, cũng ít nhiều khiến tụi mình khó chịu. Làm sao để không bị chúng làm phiền?

@ Ho không phải là bệnh

Bởi ho là một phản xạ giúp làm sạch đường hô hấp hoặc tống dị vật ra ngoài. Ho không phải bệnh, chúng là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau.

Tùy theo bệnh mà có các triệu chứng kèm theo như sốt, ớn lạnh, viêm họng, sổ mũi, buồn nôn... Hầu hết ho và “bạn đồng hành” của chúng sẽ khỏi hoặc bớt nhanh trong vòng 2 tuần. Trường hợp ho kéo dài hoặc có dấu hiệu nặng như sốt cao kéo dài, đau ngực, ho ra máu... thì cần phải gặp bác sĩ ngay.

Có hai loại ho: ho có đàm và không có đàm. Ho có đàm còn có “nickname” là ho ướt, rất phổ biến trong các bệnh nhiễm trùng hô hấp, kể cả cảm lạnh, cúm, dị ứng thời tiết... Ho không có đàm, gọi là ho khan, rất hay gặp trong hen suyễn, trào ngược dịch vị, bệnh tim... Ho khan đáng lo hơn ho ướt, vì thường ho kéo dài khó trị.

@ Ho là có lí do

Thủ phạm gây ho “đông như quân Nguyên”: do vị vật hoặc tác nhân kích ứng (thuốc lá, bụi mịn), nhiễm trùng hô hấp (virus hoặc vi khuẩn), hút thuốc (chủ động lẫn thụ động), hen suyễn, tác dụng phụ của thuốc… Ngoài ra, một số bạn sẽ ho do hò hét quá nhiều, hoặc “vạ lây” từ nơi khác như viêm xoang chảy dịch xuống họng, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, suy tim... Ngoài ra, thời tiết nóng quá hay lạnh quá cũng có thể gây ho...

@ Bị ho “hành” thì phải chữa lành

Ho là phản xạ có lợi, nên về lí, trừ một số trường hợp nặng, còn lại phải tạo điều kiện cho cơn ho “thể hiện”. Ho do nhiễm virus thường tự khỏi, đa phần không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu bị ho “hành” đến mức khó chịu, mệt người, mất ngủ, thậm chí gây stress thì phải dùng một số thuốc ức chế ho như extromethorphan, menthol, kháng histamin..., nhưng nên có toa bác sĩ. Nếu ho có đàm, có thể cần dùng thuốc loãng đàm, phụ lực cho cơn ho làm việc. Nếu nhiễm trùng do vi khuẩn phải dùng kháng sinh, nhưng nhớ hỏi ý kiến bác sĩ nha.

@ Trị ho mà không dùng thuốc

Trường hợp ho nhẹ, chỉ cần điều trị tại nhà. May mắn là có vô số cách “cây nhà lá vườn” giúp giảm cơn ho đáng kể:

+ Uống thật nhiều nước, nước ép trái cây.

+ Si rô ho mật ong: Khắc tinh số một của ho là mật ong, người ta ví mật ong là “si rô ho tại nhà”. Công thức đơn giản là 1 muỗng cà phê mật ong pha nước ấm uống. Bạn cũng có thể pha 1 muỗng cà phê mật ong với nước cốt chanh để uống, giảm ho nhanh lắm.

+ Dùng lá rau tần dày, giã lấy nước uống.

+ Dùng lá hẹ nấu nước uống.

+ Tắm vòi sen, hoặc xông hơi nước nóng: hơi nước vừa có thể tháo nghẽn tắc đường hô hấp, giảm nghẹt mũi vừa đỡ đau rát hầu họng do ho nhiều.

+ Ngậm chanh tẩm muối.

+ Trà thảo mộc (gừng, cam thảo, hoa cúc, menthol...) cũng là cách trị ho khá hiệu quả, đặc biệt là gừng. Công thức trà gừng: cắt khoảng 12 lát gừng tươi cho vào nồi với ba li nước, đun trong 20 phút là dùng được.

+ Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lí, kết hợp súc miệng bằng nước muối.

+ Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ, thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, súp, sữa.

+ Làm ẩm không khí bằng việc đặt thau nước, máy phun sương... Tránh ăn dằm nằm dề trong phòng máy lạnh hay bật quạt điện thốc thẳng mặt.

Ho ơi, tránh xa!

- Tránh xa những người đang hút thuốc lá và người đang ho.

- Ăn nhiều hoa quả và uống đủ nước.

- Giữ ấm vùng cổ, ngực.

- Vệ sinh răng miệng tốt.

- Rửa tay thường xuyên, hạn chế dùng chung đồ với người khác.

- Ngủ đủ giấc để tăng cường miễn dịch.

+ Dọn dẹp phòng ốc, vệ sinh thảm, rèm treo, chăn ga, gối đệm.

Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: