Làm gì để giới trẻ càng thêm "Tự hào Sử Việt"'?

Thứ năm, 15/09/2022 20:26 (GMT+7)

Với chủ đề "Tự hào Sử Việt", Thành đoàn TPHCM tổ chức tọa đàm "Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh tự hào sử Việt" nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống và lan tỏa tình yêu sử Việt cho các bạn trẻ thành phố.

Buổi tọa đàm thu hút nhiều chuyên gia, cán bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên tham gia

Cần hội nhập 4.0 để tránh tính "khô khan"

Theo chia sẻ của chú Hoàng Đôn Nhật Tân (Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Thành đoàn) thì tổ chức Đoàn cần hiểu thế hệ 4.0 để có giải pháp giáo dục thích hợp như là "Đoàn hãy lắng nghe người trẻ, hiểu cách họ cảm nhận về lịch sử thế nào? Dùng người trẻ để truyền cảm hứng cho chính thế hệ của họ bằng ngôn ngữ của họ. Đồng thời, nâng cao hiệu quả giáo dục "Tự hào sử Việt" bằng sử liệu sống động.

Để minh chứng điều đó, chú Tân nêu ra những mô hình giáo dục về truyền thống cách mạng đã có kết hợp với địa điểm lịch sử: hành trình đến các địa chỉ đỏ, hành trình đến các Bảo tàng, hành trình vượt Trường Sơn về thăm quê Bác…Ngoài ra, chú Tân cũng cho rằng Đoàn cần phải hội nhập 4.0 và nâng cao tư duy lý luận.

Chú Hoàng Đôn Nhật Tân (Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Thành đoàn) phát biểu tham luận

"Không có cách nào khác, tổ chức Đoàn trước hết là cán bộ Đoàn cần phải hội nhập với thời đại 4.0, nâng cao năng lực truyền đạt, nâng lực viết trên mạng và trên báo giấy, tổ chức sự kiện công chúng đa dạng. Luôn nắm bắt các nhu cầu và thói quen thông tin mạng của thanh niên tuổi Z và sau Z để nắm bắt các khuynh hướng, thị hiếu, ngôn ngữ mới của giới trẻ…Chúng ta phải nhận lãnh sứ mệnh bồi dưỡng cho tuổi trẻ niềm tự hào lịch sử dân tộc và truyền thống cách mạng để tuổi trẻ luôn tràn đầy năng lượng, khát vọng cống hiến, hừng hực lửa nhiệt huyết bước vào cuộc hành trình vinh quang kiến tạo đất nước phồn vinh và cường thịnh", chú Hoàng Đôn Nhựt Tân khẳng định.

Theo TS. Quách Thu Nguyệt (Nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Trẻ, Nguyên Phó Giám đốc Đường sách TPHCM) để giới trẻ thêm yêu thích lịch sử tổ chức Đoàn cần phát huy tích cực cuộc thi "Tự hào Sử Việt" , đồng thời cần xây dựng chuyên mục cố định trang web và fanpage của Thành đoàn TP HCM, đặc biệt là quan tâm chỉ đạo định hướng nội dung, kế hoạch hoạt động năm, phát huy các cơ quan báo chí, xuất bản, phim ảnh của Đoàn như báo Tuổi Trẻ, Báo Khăn Quàng Đỏ, Nhà Xuất Bản Trẻ, tổ chức bình chọn và trao danh hiệu "Nhà sử học tương lai" dành cho đoàn viên thanh niên các cơ sở Đoàn.

Còn theo TS. Nguyễn Tiến Vinh (Tổ trưởng bộ môn Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) cần kết hợp tương tác để tạo nên tác phẩm đa phương tiện hấp dẫn, mới mẻ về hình thức lẫn nội dung như video, bài hát, thông tin đồ họa, tin theo dòng sự kiện, kể chuyện… "Chúng ta có thể xây dựng các phim ngắn nói về các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, trang Fanpage truyền thông, xây dựng cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, bảo tồn di sản, tổ chức các buổi gặp gỡ nhân chứng lịch sử, văn hóa…", TS Vinh nói thêm.

Đa dạng phương thức tuyên truyền, hình thức thể hiện

Với quan niệm tình yêu lịch sử khác với điểm số học ở trường, chia sẻ tại tọa đàm bạn Ngô Lê Duy (đại diện nhóm Việt phục Hoa Niên) mong rằng "Hãy để người trẻ bắt tay làm, cố gắng truyền tình yêu, mở lòng phát kiến mới, điều mới thời đại, không chỉ qua con số mà còn qua trang phục, câu chuyện văn hóa lịch sử".

Nhiều bạn trẻ tham gia góp ý kiến tại Tọa đàm

Đối với môi trường giáo dục TS. Nguyễn Tiến Vinh (Tổ trưởng bộ môn lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) chỉ ra rằng giáo viên nhà trường THPT cần đổi mới hình thức đánh giá bằng hình thức cho đề mở, kết hợp giảng dạy nội dung chương trình học với tham gia bảo tàng…Còn học sinh nên đọc sách nhiều, làm việc theo nhóm, liên kết sự kiện có chọn lọc theo chiều dọc kiến thức, lập CLB về Sử học các trường THPT.

Tuyên truyền về hình thức dàn dựng tiết mục phù hợp bối cảnh lịch sử cụ thể là cách mà bạn Phạm Thanh Bình (CLB Xung kích trường ĐH Sài Gòn) mong muốn thực hiện. "Với góc nhìn của mình, cũng như nhiều lần được tiếp xúc văn hóa thế giới, nhưng mình đặc biệt yêu thích ca khúc cách mạng Việt Nam, âm nhạc truyền thống. Âm nhạc là phương tiện truyền thông hiệu quả nhất tinh thần của bài hát mà nó ra đời. Mình mong muốn các cơ sở Đoàn hội các cấp tạo nhiều sân chơi, môi trường hơn tiếp xúc với âm nhạc, ca khúc cách mạng trên cơ sở thêm yêu sử Việt", Phạm Thanh Bình chia sẻ.

Tại buổi tọa đàm, bạn Nguyễn Khánh Băng, đại diện CLB Sử học (trường ĐH Sư phạm TPHCM) cho biết tại CLB Sử học, Đoàn khoa trong trường thường tổ chức tọa đàm, báo cáo viên thầy cô là giảng viên trong Khoa Lịch sử hiểu thêm giá trị lịch sử tốt đẹp hào hùng dân tộc, tổ chức các chuyến đi thực tế về nguồn các bạn trực tiếp đến cảm nhận công lao cha ông ngã xuống là rất lớn, từ đó khơi gợi lòng tự hào truyền thống trong giới trẻ. Trình bày các bài tuyên truyền bằng infographic đa dạng màu sắc, sân chơi lành mạnh bổ ích như trò chơi ô chữ, đố vui về lịch sử…Trong thời gian tới, CLB Sử học nhà trường đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa, giải mật thư địa chỉ đỏ, rung chuông vàng kiến thức Lịch sử.

Bạn Võ Khánh An (Đoàn trường Đại học Công nghệ Thông tin, ĐHQG TP HCM) trình bày cần xây dựng các ứng dụng giáo dục cá nhân hóa, xây dựng công cụ trợ lý học tập ảo, xây dựng ứng dụng học tập thông minh trong trường học… Minh họa bằng các sản phẩm Game, theo đó nhóm Ngũ hành Game đã có sản phẩm ở mọi miền tổ quốc tại chuỗi các nhà sách quốc gia cũng như có các đối tác nước ngoài trong việc phân phối boardgame (trò chơi dùng bàn, trò chơi cờ).

"Ngũ hành đã và đang hợp tác với nhiều đơn vị khác nhau từ trong nước đến quốc tế nhằm lan tỏa hình ảnh văn hóa Việt thông qua board game cũng như cách ứng dụng văn hóa vào sản phẩm đại chúng", đại diện Ngũ Hành Games chia sẻ.

Nguyễn Võ Ngọc Giàu (THCS Hà Huy Tập, Q. Bình Thạnh) mong có thêm những buổi học có nội dung hấp dẫn ngoài kiến thức trong sách, giúp các bạn tự học, tìm tòi học hỏi, có thể phản biện đóng góp ý kiến…Việc trải nghiệm có ký ức về lịch sử nhiều nên mong được tham quan hành trình địa chỉ đỏ để có thêm nhiều kiến thức thực tế.

Thay mặt Ban thường vụ Thành đoàn, chị Phan Thị Thanh Phương (Bí thư Thành đoàn) ghi nhận những ý kiến đóng góp, kiến nghị của các chuyên gia, cá nhân, tập thể đơn vị và các bạn đoàn viên, thanh niên.

Theo chị Phan Thị Thanh Phương, buổi tọa đàm là dịp để hun đúc, phát huy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, tinh thần bất khuất chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, xây dựng lý tưởng cách mạng cho tuổi trẻ, đồng thời là dữ liệu quan trọng hướng đến Đại hội đại hội Đại biểu Đoàn TNCS HCM Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2022 - 2027.

KIM NGÂN

(Theo Mực Tím)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: