Làm bài thi trắc nghiệm không thể "nhắm mắt lụi đại"

Thứ năm, 20/06/2019 16:27 (GMT+7)

Bạn không thể “nhắm mắt đánh đại” mà cần kết hợp hiệu quả giữa kiến thức có được sau quá trình ôn luyện cùng kĩ năng làm bài. Vài gợi ý sau có thể giúp bạn thi tốt hơn.

Đọc kĩ đề không bao giờ thừa

Theo thầy Nguyễn Lâm Quang Thoại (ảnh), Phó Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt (TP.HCM), bước đầu tiên khi làm bài thi trắc nghiệm là phải đọc thật kĩ đề. Có thể dùng bút chì gạch dưới những dữ kiện, từ khóa quan trọng và nhẩm nhanh những câu hỏi như dữ kiện này được sử dụng nhằm mục đích gì? Có liên quan đến dữ kiện nào khác không? Có thể đó chính là manh mối giúp bạn tìm được đáp án nhanh chóng.

Hãy tập trung vào câu hỏi

Xác định dữ kiện cần thiết bao nhiêu thì tập trung vào câu hỏi “chốt hạ” quan trọng bấy nhiêu. Hãy nắm chắc đề yêu cầu bạn làm gì, hỏi vấn đề nào. Nếu không, bạn sẽ dễ suy nghĩ lan man và mất nhiều thời gian cho từng câu hỏi.

Biết “phân phối” sức, thời gian

Đề thi 2 trong 1 vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển đại học nên chắc chắn sẽ có những mức độ dễ, khó khác nhau. Vì thế, hãy tranh thủ làm câu dễ, chắc chắn đúng trước, câu nào khó làm sau, tránh chuyện chuông vừa reng đã nhảy vào làm ngay câu khó để… lòe bạn cùng thi. Không nên vội vàng trong việc đáp án (dễ nhầm vào phương án nhiễu) nhưng cũng không nên dành thời gian quá lâu cho một câu hỏi nào đó. Hãy nhớ, trả lời đúng, kịp giờ mới có điểm, trả lời sai dẫu còn dư thời gian cũng chỉ… ngồi ngắm giám thị mà thôi!

Bình tĩnh!

Một số bạn vừa đọc đề đã tim đập, tay run, trống ngực “mix” như thể người ta chơi nhạc EDM vậy! Căng thẳng, lo lắng quá mức hay bỏ bút ngồi khóc sẽ chẳng thể giúp bạn cải thiện được kết quả. Thay vào đó, hãy bình tĩnh! Thử tìm xem có câu nào dễ mà bạn chưa làm không? Ngay cả quên bài, bạn cũng còn cách khác để tìm câu trả lời mà!

Coi chừng… lời đồn

Không ít bạn hay rỉ tai những bí quyết “lụi” trắc nghiệm chẳng hạn như cứ thấy đáp án dài nhất hay “tất cả các phương án trên” là chọn. Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Lâm Quang Thoại, không phải lúc nào điều đó cũng đúng. “Chỉ những câu hỏi nào liên quan đến khái niệm hoặc đòi hỏi giải thích thì đáp án mới có thể là câu dài nhất”, thầy Nguyễn Lâm Quang Thoại nhận định.

Biết cách loại đáp án sai

Cô Vũ Thị Bắc, giáo viên trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM, ảnh) cho rằng, trong một số trường hợp, có thể tìm được đáp án chính xác từ việc tìm và loại bỏ các phương án sai (phương pháp loại trừ) vốn rất dễ nhận ra trong đề thi trắc nghiệm. Còn thầy Nguyễn Lâm Quang Thoại gợi ý: “Với các môn Khoa học Tự nhiên, nếu trong đáp án có sự xuất hiện của các cụm từ như “luôn luôn là”, “chắc chắn là, phải là” thường là phương án sai. Vì khoa học thường không tuyệt đối.

Đừng quên “trợ thủ”

Với riêng môn Địa trong bài thi Khoa học Xã hội, cô Vũ Thị Bắc khuyên các bạn nên nhớ mang theo và tận dụng tối đa Atlat để làm bài thi trắc nghiệm tốt hơn.

Mẹo làm nhanh câu hỏi tình huống môn Giáo dục công dân

Không ít bạn cảm thấy rối với các câu hỏi tình huống vốn chiếm số lượng khá lớn trong đề thi môn Giáo dục công dân. Phần dẫn của câu hỏi dạng này thường dài, nhắc đến nhiều nhân vật khác nhau, có thể khiến bạn mất nhiều thời gian để làm bài. Mẹo nhỏ sau đây có thể giúp bạn giải quyết phần nào rắc rối đó.

Trước tiên, bạn cần xác định yêu cầu của câu hỏi (thường là câu cuối cùng trong lời dẫn, ví dụ: những ai dưới đây phải chịu trách nhiệm pháp lí?).

Tiếp theo, lần lượt xét các nhân vật căn cứ vào “manh mối” là tần số xuất hiện ở các lựa chọn gợi ý theo nguyên tắc: 4-3-2-1. Cụ thể:

• Nếu xuất hiện trong cả 4 lựa chọn: bỏ qua.

• Nếu xuất hiện trong 3 lựa chọn thì xét đến 2 khả năng:

+ Phù hợp với yêu cầu của câu hỏi -> loại lựa chọn không có nhân vật, xét các lựa chọn còn lại để tìm đáp án đúng.

+ Không phù hợp với yêu cầu của câu hỏi -> loại lựa chọn có nhân vật, xác định đáp án đúng từ các lựa chọn còn lại.

Nếu vẫn chưa tìm được đáp án thì xét tới trường hợp nhân vật xuất hiện trong 2 hoặc 1 lựa chọn với cách làm tương tự. Lưu ý, trong một số trường hợp, nguyên tắc 4-3-2-1 sẽ chuyển thành 4-2-1 nếu nhân vật chỉ xuất hiện trong 4, 2 hoặc 1 lần.

NAM TRÂN thực hiện (Với sự tư vấn của thầy Nguyễn Lâm Quang Thoại - Phó Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt, cô Vũ Thị Bắc, giáo viên trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM và cô Nguyễn Thị Thanh Trà, giáo viên trường THPT Phan Đăng Lưu)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: