Làm ăn có thưa, ngày đưa ông bà vẫn phải tươm tất

Thứ năm, 27/01/2022 13:48 (GMT+7)

Sáng 25 tháng Chạp, nhiều gia đình tất bật sửa soạn nhà cửa, chuẩn bị mâm cỗ cúng đưa ông bà.

Cúng rước, đưa ông bà vào những ngày giáp Tết là nét đẹp văn hoá thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt.Theo phong tục, cứ 25 tháng Chạp hằng năm con cháu trong gia đình sẽ gác lại công việc trở về nhà để cùng tảo mộ và chuẩn bị mâm cơm dâng lên cúng đưa ông bà đi chơi Tết. Đến ngày 30 thì cúng rước ông bà về ngự tại bàn thờ để đón giao thừa, ăn Tết cùng con cháu.

Mới 8 giờ sáng, gia đình chị Đặng Hồng Nhân (xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đã bày trí xong mâm cỗ để dâng lên cúng ông bà tổ tiên. Mâm cúng đầy đủ các món đặc trưng của người miền Tây Nam Bộ như thịt kho hột vịt, canh khổ qua nhồi thịt, chả giò, lẩu ngọt, hủ tiếu xào…

Chị Hồng Nhân cho biết gia đình chị quan niệm đưa ông bà đi chơi Tết thì phải đưa từ sáng sớm, khi trời còn mát mẻ, nắng đẹp. Do vậy nên cả nhà chị đã dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị sẵn nguyên liệu cho mâm cúng từ mấy hôm trước, sáng nay chị thức từ sớm nấu nướng rồi dọn lên bàn thờ.

Chị Đặng Hồng Nhân bày biện mâm cỗ cúng đưa ông bà

Chồng chị Nhân là con trai út trong gia đình nên phụ trách việc trông coi hương hỏa, thờ phụng tổ tiên theo truyền thống của người miền Nam. Mỗi năm cứ đến 25 Tết nhà chị lại tụ họp đông đủ con cháu cùng nhau quét dọn mồ mả, cúng đưa ông bà. Riêng năm nay, nhiều thành viên vắng mặt do dịch bệnh vẫn còn phức tạp nhưng không vì vậy mà việc cúng kiếng của nhà chị đơn giản đi.

Mâm cỗ cúng thịnh soạn với đầy đủ các món đặc trưng của người miền Tây Nam Bộ

Chị Nhân chia sẻ: “Năm nay dịch dã làm ăn thưa thớt nên mọi thứ chuẩn bị cho ngày Tết đều giảm bớt chút ít, bánh mức cũng gọn nhẹ hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, đối với cỗ vật dâng lên ông bà thì vẫn phải đủ đầy, tươm tất chứ không thể xuề xòa, qua loa”.

Cũng từ sớm, mâm cỗ trên bàn thờ gia tiên nhà bà Tô Thị Ái (xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đã được bày biện một cách thịnh soạn, chỉn chu. Ngoài ra, bà Ái còn cẩn thận sắp xếp giấy tiền vàng, quần áo để sau khi cúng xong thì sẽ đốt cho ông bà. Bà Ái tâm sự. “Đợt dịch vừa qua, gia đình tôi cũng mắc bệnh phải cách li điều trị nhiều ngày. Có lẽ nhờ có ông bà luôn che chở, phù hộ nên mới vượt qua được. Vậy nên việc cúng kiếng cho ông bà phải được lo chu đáo như tỏ lòng biết ơn”.

Là dâu út trong gia đình năm nào chị Hồng Nhân cũng chu toàn trong việc cúng kiếng tổ tiên

Năm nay, ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến nhiều gia đình phải dè sẻn hơn trong việc chi tiêu cho ngày Tết. Nhiều người còn than thở Tết đến nhanh quá, còn chưa làm nên việc thì lấy gì sắm sửa. Dù vậy, năm mới đến vẫn mang theo nhiều hi vọng về một khởi đầu mới may mắn, bình an và tốt đẹp hơn. Tết đến là dịp gia đình đoàn viên, quây quần bên nhau, cùng nhau chuẩn bị lễ vật cúng kiếng tổ tiên cũng làm không khí ngày Tết thêm phần ấm áp, xôm tụ.

Bài và ảnh: NHƯ Ý

(Theo Mực Tím)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: