Không phải nghỉ học

Thứ sáu, 23/11/2018 10:48 (GMT+7)

Ba năm trước, mình từng phải đứng trước sự lựa chọn có thi đại học hay không? Bởi lúc đó, nhà mình rơi vào cảnh túng quẫn. Ba mẹ đều lớn tuổi, không có đất đai canh tác, việc mưu sinh cũng chỉ đủ đắp đổi từng ngày.

Nhưng như một điều diệu kì! Vào thời điểm đó, mình may mắn được nhận học bổng Vì tương lai Việt Nam. Đó là động lực để mình không lựa chọn dừng lại việc học. Số tiền từ học bổng giúp mình trang trải chi phí ôn và thi THPT Quốc gia, làm thủ tục nhập học và đỡ phần nào sự vất vả cho ba mẹ. Giờ là cô sinh viên năm 3 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khi nghĩ về khoảng thời gian đó, mình vẫn xem học bổng như một “phép màu”, mang đến sự kì diệu, nhờ đó mà các bạn khác đã có cơ hội để viết tiếp hành trình đến với ước mơ và thành công.
Bạn Phạm Thu Hiền (Sinh viên Khoa Sinh trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Dọc đường học bổng

Lần đầu được đi… lên trời

Đó là cảm giác của chúng tôi khi tìm đến nhà của bạn Phàn Mẩy Hồng, cựu học sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Hà Giang ở thôn Sủng Quáng, xã Sủng Máng, huyện Mèo Vạc. Nhà Hồng nằm trên rẻo cao, muốn đến nơi phải đi qua đường dốc chồng lên dốc, men những dãy núi đá tai mèo, đôi khi chúng tôi không dám nhìn xung quanh vì thấy toàn… vực thẳm. Điều đó càng làm chúng tôi ngưỡng mộ nghị lực của Hồng. Dù đường sá cách trở nhưng Hồng vẫn cố gắng đến trường và học rất tốt. Thậm chí, để có thể theo đuổi con chữ, Hồng và mẹ đã phải cắt tóc bán.

Bữa cơm ấm áp

Năm 2009, tôi đến nhà em Thái Minh Khoa ở huyện Bình Chánh. Ngôi nhà tềnh toàng, giữa đồng không mông quạnh. Tôi ở nhà em từ chiều đến suốt đêm để làm một phóng sự ảnh. Hôm đó, Khoa “đãi” tôi bữa cơm với thức ăn chính là những con cá bạn và tôi vừa bắt được ở mấy con mương nhỏ quanh nhà. Đó là một trong những bữa ăn ngon nhất trong quá trình tác nghiệp của tôi.

“Làm gì thì làm, không được quay phim ngôi nhà”

Câu nói của ông chủ đất cho gia đình bạn H (ở Đầm Dơi, Cà Mau) ở đậu có lẽ là tình huống trớ trêu nhất PV Mực Tím gặp phải trong lúc quay phim gương mặt học bổng. Dù PV năn nỉ nhưng ông vẫn kiên quyết: cho chụp ảnh chứ không cho quay phim. “Chú ấy tốt mới cho tụi tui ở đậu. Không cho quay nhà chắc là “kị” gì đó thôi”, ba của H nói. Không còn cách nào khác, chúng tôi đành bỏ cảnh quay đó, bởi không muốn vì một cảnh quay đắt mà gia đình H rơi vào tình cảnh khó xử.

Chuyện chiếc áo cũ

Khi lễ trao học bổng Vì tương lai Việt Nam cho học sinh huyện Cam Lộ (Quảng Trị) sắp bắt đầu, có một người đàn ông đứng tần ngần bên ngoài hội trường. Nửa muốn bước vào trong để chứng kiến giây phút đứa con trai mình nhận học bổng, nửa lại ngại ngần vì đang mặc một chiếc áo cũ kĩ, không có nổi một chiếc nút để cài lại. Hỏi chuyện mới biết, đó là chiếc áo chú thường mặc khi đạp xe đi nhặt ve chai - nguồn sống duy nhất của hai cha con chú. Mỗi ngày, nếu may mắn được nhiều người cho thì kiếm được 15 - 20 ngàn. Nhưng cũng có khi chẳng nhặt được gì để bán. Cuộc sống của chú và con luôn chất chồng nỗi lo thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Hôm nay, cũng như mọi ngày, chú lại đạp xe đi nhặt ve chai. Đi ngang hội trường ủy ban huyện Cam Lộ, chợt nhớ con mình cũng được nhận học bổng, chú ghé qua nhưng chỉ dám đứng ngoài...

Biết chú ngại vì chiếc áo, tôi lục hành lí, lấy chiếc áo còn sạch duy nhất sau gần 2 tuần xa nhà, đưa chú mặc và mời vào hội trường.

Mọi người gần như không cầm được nước mắt khi nghe con trai chú - bạn Nguyễn Văn Kỳ, nói câu: “Con yêu bố nhiều lắm”.

Chú bảo, chưa bao giờ chú vui và xúc động như hôm nay.

THANH TRUYỀN thực hiện

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: