Khi người trẻ "ngại nói" cám ơn

Thứ tư, 24/07/2019 17:45 (GMT+7)

Những ngày gần đây, clip ghi lại cuộc nói chuyện giữa nữ sinh Bình Dương và đội hiệp sĩ lấy lại chiếc xe bị trộm cho cô đang gây xôn xao trên khắp các mạng xã hội Việt Nam bởi thái độ gây tranh cãi, không một lời cảm ơn của chính cô gái.

Vào trưa ngày 23/7, nữ sinh này cùng gia đình đã tìm đến xin lỗi và cảm ơn sự giúp đỡ của Đội hiệp sĩ tỉnh Bình Dương, đồng thời anh Nguyễn Thanh Hải (thành viên của đội hiệp sĩ) đã kêu gọi mọi người ngừng chỉ trích và thông cảm.

Không riêng gì nữ sinh ở sự việc trên, nhiều tình huống trong cuộc sống còn cho thấy được sự “vô tư” quá đà của một bộ phận giới trẻ ngày nay. Hai chữ “cảm ơn” từ bao giờ trở nên khó khăn với các bạn trẻ như vậy?

Mặc định được giúp đỡ là điều hiển nhiên

Bạn L.N.H (sinh viên trường ĐH Công nghiệp TPHCM) – đã từng làm phục vụ trong các quán trà sữa, H chia sẻ bạn thi thoảng mới gặp vài bạn trẻ nào nói cảm ơn khi H bưng nước hay giúp họ điều gì. “Đa phần người ta mặc định đó là điều hiển nhiên. Mình đã quen với tình huống như thế nên hôm nào có ai cười tươi hay cảm ơn một chút mình cảm thấy cũng vui vui.”

H kể khi bạn làm nhân viên bán hàng trong siêu thị, có lần, một cô gái trẻ làm rơi đồ trong quầy trưng bày và được H nhặt giúp lên. Ấy vậy mà sau đấy cô gái kia mặt vẫn lạnh tanh, quay đi không một nụ cười. “Mình không nói nên lời luôn ấy dù biết rằng đó là bổn phận của mình” – H bày tỏ.

Không riêng gì trong giao tiếp ngoài xã hội, nhiều bạn trẻ thi thoảng mới nói câu cảm ơn với những người thân yêu trong gia đình mình vì ...ngại. “Mình sẽ gián tiếp thể hiện sự biết ơn bằng cách khác như phụ giúp, đỡ đần cho ba mẹ. Vì từ bé đến giờ chẳng mấy khi bày tỏ tình cảm trực tiếp nên đâm ra quen.” – bạn N.T.V (19 tuổi) chia sẻ.

Lời cảm ơn thể hiện sự văn minh, tử tế

N.P.T.T (sinh năm 1998) – một tài xế xe ôm công nghệ cho hay: “Mình thường chủ động bắt chuyện với khách và nói lời cảm ơn khi họ xuống xe để đáp ứng dịch vụ tốt nhất có thể. Vậy nên đa phần họ sẽ cảm ơn mình lại như một phép lịch sự dù có lúc vội vã. Điều đó làm mình cảm thấy sức lao động của bản thân được xã hội tôn trọng”.

Cô bạn T.M (quê Vĩnh Long) kể hằng ngày ra đường đều cảm ơn rất nhiều người, từ những cô chú bán hàng rong vỉa hè cho đến đồng nghiệp bấm giúp thang máy. “Mình thấy lời cảm ơn là biểu hiện của sự văn minh, là phép lịch sự tối thiểu giữa người với người, nhiều khi đơn giản để níu mọi người lại gần nhau hơn, thể hiện sự tử tế ở đời nữa. Và hơn hết, mình yêu nụ cười hồn hậu, niềm nở trên gương mặt của mọi người khi trao đi lời cảm ơn.”

Là một tài xế xe bus lâu năm của TPHCM, bác T.H.L (50 tuổi) thường xuyên phụ trách các tuyến xe đông học sinh, sinh viên. “Bữa có con bé vừa bước lên xe thì cười nói vui vẻ, bước xuống còn không quên quay lại nói cảm ơn tôi một cái. Sinh viên bây giờ như thế mới thật dễ thương, có cảm tình làm sao.”

“Cám ơn là câu cửa miệng của người nước ngoài, nhưng người mình thì ngày càng hiếm hoi. Chữ cám ơn một cách thật lòng, xuất phát từ lòng biết ơn chân thành, là một tiêu chí để đánh giá con nhà có giáo dục tốt từ cha từ mẹ. Người ta cho mình cái gì, dù nhỏ xíu xìu xiu, cũng phải biết ơn.” (Trích Tony Buổi Sáng)

PHƯƠNG MAI

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: