“Kết bạn” với loài ong

Thứ sáu, 29/06/2018 11:47 (GMT+7)

Trịnh Thị Cúc Tiên, cô sinh viên trường International Pacific College, New Zealand đã có những trải nghiệm đáng nhớ với nghề nuôi ông truyền thống. Khi mới vào nghề đã bị ong đốt sưng mình, sốt cao đến mức phải nhập viện. Mỗi ngày, cô đều ghi lại số lần bị ong đốt, đến cuối năm cộng lại cũng hơn 200 nốt…

Nuôi ong, nghề của sự dũng cảm

Vốn mê khám phá và bị thu hút bởi cuốn sách Bí mật của loài ong (The secret life of bees – Sue Monk Kidd), Tiên xin việc tại một trang trại nuôi ong cho hộ gia đình. Vốn kiến thức và kinh nghiệm thực tế chỉ dừng ở con số 0, nên cô được nhận vào làm thực tập sinh không lương, bù lại Tiên được miễn tiền thuê nhà và hỗ trợ sinh hoạt phí.

Tiên phải mặc áo quần bảo hộ để làm công việc này

Trang trại, chỉ có vỏn vẹn ba người. Mới đầu, Tiên được phân làm ở xưởng sản xuất thùng chứa mật. Tiên phụ trách các công việc như cắt gỗ, đóng thùng, làm nắp, chà bóng... Sau khi lành nghề, Tiên được theo xe đi đến làm việc trực tiếp tại các hộ gia đình gồm kiểm tra tổ ong, dọn vệ sinh, xịt tinh dầu trừ sâu cho ong, lấy mật, đóng thùng và giao mật cho khách. Khách hàng là các hộ gia đình được tận mắt theo dõi quá trình lấy mật ong tươi trong tổ ngay tại khu vườn nhà mình.

Tổ ong tách đàn tự nhiên trong vườn của hộ dân trước khi được công ty thu lại đưa vào thùng nuôi

Ong là loài vô cùng nhạy cảm. Tiên nhớ hồi mới vào nghề, cô bạn bị ong đốt sưng mình, sốt cao đến mức phải nhập viện. Mỗi ngày Tiên đều ghi lại số lần bị ong đốt, đến cuối năm cộng lại cũng hơn 200 nốt. Nhờ bị ong đốt mà cô bạn hiểu loài ong và thuần nghề hơn, làm việc khéo léo, tỉ mẩn nên không còn sợ ong đốt.

Những chuyện lạ ở xứ sở kiwi

Công việc này, cho Tiên cơ hội được gặp gỡ nhiều hộ gia đình bản xứ. Có lần đến kiểm tra tổ ong cho một gia đình Hồi giáo gốc Phi, Tiên được gia đình này kể, luật đạo Hồi không cho phép họ uống các loại rượu bia lên men từ hoa quả, ngũ cốc. Vậy là gia đình này đã dùng mật ong cho lên men làm thành một loại bia nhẹ để thưởng thức. Nghe xong ai cũng cười phá lên.

Ông chủ của Tiên - ông Kerry, trước đây, nuôi ong công nghiệp, nghĩa là họ sẽ ký hợp đồng và bán mật cho các doanh nghiệp, để doanh nghiệp tự chế biến và đóng hộp đưa ra thị trường. Dưới áp lực phải đảm bảo số lượng cam kết trong hợp đồng, đôi khi người nuôi ong phải khai thác mạnh làm ong kiệt sức. Nên ông đã tách ra khỏi dây chuyền nuôi ong công nghiệp sang mở dịch vụ nuôi ong cho hộ gia đình. Với hình thức này, ong có thể được chăm sóc tốt nhất. Còn người dân thì được thưởng thức mật ong tươi ngon hơn, vì mật ong nguyên chất luôn có chất lượng hơn hẳn mật ong chế biến công nghiệp.

Ông Kerry Mc Curdy- ông chủ của Tiên

Tiên và những người bạn nhỏ sở xứ sở Kiwi

Kerry không những là người trực tiếp dạy nghề cho Tiên. Với kinh nghiệm lâu năm cùng tình yêu thiên nhiên mãnh liệt, Kerry đã được nhiều trường học mời giảng dạy cho học sinh tìm hiểu về ong trong các tiết học ngoại khóa. Không chỉ có Kerry, hầu hết người dân nơi đây đều có một tình yêu thiên nhiên như thế. Khi gặp động vật bị thương họ luôn cố gắng giúp đỡ bất kể là con gì, cũng như tuân thủ luật bảo vệ động vật hoang dã như các loài chim thú, thủy sản... Thậm chí, những con vật phá hoại mùa màng như chồn opossum hay chuột, họ chỉ đặt bẫy hoặc xịt thuốc để đuổi đi chứ không hề đối xử tàn ác với nó.

Dù nghề nuôi ong khá vất vả, có một chút nguy hiểm nữa, nhưng Tiên đã có những trải nghiệm, khám phá rất xứng đáng phải không nào.

TRANG LÊ (ghi)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: