Hội thi sáng tác văn học thiếu nhi “Ước Mơ Hồng” - lan tỏa niềm yêu thích văn học

Thứ bảy, 05/08/2017 01:59 (GMT+7)

Từ ngày 30/7 đến ngày 1/8/2017, tại khách sạn Điện Lực (TP. Vũng Tàu), các em thiếu nhi có năng khiếu văn chương của TP.HCM và tỉnh Đồng Nai đã tham gia Trại sang tác văn học thiếu nhi “Ước mơ hồng” năm 2017.

Đây là lần đầu tiên, Nhà thiếu nhi TP. HCM và Nhà thiếu nhi tỉnh Đồng Nai phối hợp tổ chức Trại sáng tác văn học thiếu nhi “Ước mơ hồng”năm 2017.

Từ một Hội thi sáng tác văn học được nhận giải thưởng Hồ Hảo Hớn của Nhà Thiếu nhi Quận 5. 

Trại sáng tác văn học thiếu nhi “Ước mơ hồng”  được Nhà Thiếu nhi Quận 5 khởi xướng từ năm 2011. Liên tục nhiều năm liền, Nhà Thiếu nhi Q.5 phối hợp cùng Hội đồng Đội và Phòng Giáo dục quận triển khai Hội thi sáng tác truyện ngắn “Ước mơ hồng” dành cho các em học sinh từ 9-15 tuổi trên địa bàn quận. Hội thi được sự hưởng ứng nhiệt tình của học sinh và giáo viên, đặc biệt là phụ huynh. Từ nhiều hoạt động phong phú, Hội thi trở thành một sân chơi bổ ích, góp phần giúp cho các em thêm yêu tiếng Việt, yêu văn hóa đọc và tạo điều kiện cho các em có năng khiếu sáng tác văn học có thêm niềm đam mê văn chương và kỹ năng sáng tác. Qua 2 năm tổ chức 2011 và 2012, Hội thi đã được nhân rộng toàn thành.

Năm 2013, Nhà Thiếu nhi Q.5 đăng cai tổ chức cấp thành phố, quy tụ các cây bút thiếu nhi khắp các quận, huyện của Thành phố.

Dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, 26 tháng 3 năm 2014, Hội thi sáng tác truyện ngắn “Ước mơ hồng” - mô hình hoạt động mang lại hiệu quả, được Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh trao Giải thưởng Hồ Hảo Hớn, một giải thưởng vinh danh những đơn vị có mô hình, giải pháp sáng tạo, đóng góp xuất sắc cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh.

 

Ban tổ chức và Ban giám khảo Trại sáng tác văn học thiếu nhi "Ước mơ hồng"

Đến việc nhân rộng mô hình Trại sáng tác văn học thiếu nhi “Ước mơ hồng”

Sau khi nhận giải thưởng Hồ Hảo Hớn, Hội thi sáng tác truyện ngắn “Ước mơ hồng” của Nhà Thiếu nhi Quận 5 chính thức  “trao” về Nhà Thiếu nhi Thành phố.  Ngay ở lần Hội thi sáng tác truyện ngắn “Ước mơ hồng” lần đầu ở cấp Thành phố, đã thu hút được có 350 truyện ngắn dự thi của thiếu nhi từ khắp các quận, huyện. Ban giám khảo là các nhà văn đã chọn được 70 tác phẩm xuất sắc nhất vào vòng chung kết. Tác phẩm vào vòng chung kết đã được thành sách,  tập truyện ngắn “Ước mơ hồng” và được phát hành rộng rãi. Đây là ấn phẩm văn học đầu tiên từ các sáng tác của những cây bút thiếu nhi được Nhà Thiếu nhi Quận 5 hết lòng chăm bồi.

Lần thứ hai Trại sáng tác văn học thiếu nhi “Ước mơ hồng” của các Nhà thiếu nhi toàn thành do Nhà Thiếu nhi Quận Thủ Đức đăng cai, được tổ chức tại Nhà bảo tàng Áo dài, quận 9, cũng thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh, thầy cô giáo và các em thiếu nhi khắp nơi trên địa bàn Thành phố. 

Lần thứ ba này, năm nay, Trại sáng tác văn học thiếu nhi “Ước mơ hồng" của Nhà thiếu nhi toàn thành có sự phối hợp với Nhà thiếu nhi Đồng Nai cùng tổ chức, tại thành phố Vũng Tàu. Và đơn vị được phân công đăng cai cho sự kiện này, cũng là Nhà Thiếu nhi  Quận 5.

Kế thừa hiệu quả hoạt động tích cực của nhiều năm qua và phát huy kinh nghiêm có được, các anh chị trong Ban giám đốc và các phòng ban của Nhà Thiếu nhi Quận 5, phối hợp với các anh chị phụ trách Nhà thiếu nhi toàn thành, một lần nữa,  hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần tạo cho Trại sáng tác văn học thiếu nhi “Ước mơ hồng” xứng đáng là một sân chơi đáng mơ ước của tuổi thiếu nhi, không chỉ trong phạm vi thành phố mà còn lan rộng ra tình, thành khác. 

Trong ba ngày, 86 thành viên của Trại sáng tác văn học thiếu nhi “Ước mơ hồng” (55 em của Thành phố, 31 em của Đồng Nai) cùng nhiều anh chị trong Ban chỉ đạo, Ban tổ chức và nhiều nhà văn trong Ban giám khảo của Trại sáng tác, ngoài hoạt động chính của Trại là thi viết truyện và giao lưu với các anh chị ở các Nhà thiếu Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Vũng Tàu và trò chuyện với các nhà văn… đã thực hiện nhiều hoạt động giàu ý nghĩa và hết sức thiết thực: Hành trình về nguồn - tiến hành lễ dâng hương tưởng nhớ những người hy sinh vì Tổ quốc tại Đài tưởng niệm khu căn cứ Cách mạng núi Minh Đạm, Đồng Nai; đến tham quan, giao lưu, xem phim tài liệu và tặng quà cho Lữ đoàn hải quân 171 tại thành phố Vũng Tàu - đơn vị là bảo vệ vùng biển phía nam của Tổ quốc; thăm và tặng quà ba bà mẹ Việt Nam anh hùng tại xã đảo Long Sơn, đốt lửa trại, văn nghệ; tham quan Bạch Dinh và Nhà lớn Long Sơn, thuộc xã đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu…

 

Các bạn thiêu nhi chụp ảnh với các nhà văn

Và lan tỏa niềm yêu thích văn học

Lữ đoàn hải quân 171, đại tá Nguyễn Trọng Ái, chính ủy lữ đoàn trong buổi gặp gỡ với Trại sáng tác, đã nhắn gởi đối với các cây bút thiếu nhi: “Đất nước ta sở hữu hơn  1, 3 triệu km 2 biển và  3.260km bờ biển và hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ. Từ lâu Việt Nam đã xác định biển đảo có tầm quan trọng chiến lượng đặc biệt đối với sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Và thế kỷ 21 là thế kỷ chinh phục biển, làm chủ biển. Vì vậy, yêu biển, các cháu phải học thật giỏi, sau này phải là những người có tri thức làm chủ được khoa học, làm chủ được những con tàu hiện đại. Văn học sẽ giúp các cháu trở nên những con người giàu cảm xúc. Cảm xúc khi trở thành văn chương sẽ làm đẹp con người, làm đẹp biển”.

Trong lời phát biểu tại đêm khai mạc Trại sáng tác, anh Phạm Ngọc Quyên, Phó giám đốc Nhà Thiếu nhi Thành phố, Trưởng Trại Trại sáng tác văn học thiếu nhi “Ước mơ hồng”năm 2017, đã nhấn mạnh ý nghĩa của việc tìm kiếm và phát hiện những cây bút thiếu nhi, vừa là góp phần làm cho các em yêu thích tiếng Việt, vừa kích thích khả năng sáng tạo văn chương và niềm đam mê văn học, đồng thời cũng góp phần tìm lại vị thế cho tiếng Việt, cho văn hóa đọc, không chỉ cho thiếu nhi mà còn cho cả phụ huynh, thầy cô giáo, cho cả những người làm công tác Đoàn Đội…

Cũng tại buổi khai mạc, cả hội trường như lặng đi khi một bạn từng là thành viên của Trại sáng tác văn thơ tuổi học trò tỉnh Đồng Nai, một trại sáng tác lên tuổi thứ tám (hiện bạn là sinh viên của khoa ngữ văn Đại học quốc gia TP.HCM) lên sân khấu, rưng rưng nói lời tri ơn đối với các thầy cô Nhà Thiếu nhi Đồng Nai, đối với nhà văn Nguyễn Thái Hải (Khôi Vũ) đã tận tâm tận lực tạo mọi điều kiện để các em biết quý trọng tiếng Việt hơn, yêu thích văn chương hơn và sống có trách nhiệm hơn.

Trong phần giao lưu giữa 86 cây bút thiếu nhi với các nhà văn nhà thơ là khách mời. Nhiều cánh tay đưa lên, nhiều câu hỏi của nhiều cây bút thiếu nhi vừa thể hiện được niềm đam mê văn chương vừa khơi gợi nhiều điều mới mẻ, lý thú đối với những nhà văn trên đầu đã hai thứ tóc.

 

Nhà văn Trần Quốc Toàn (bìa phải) và nhà văn Nguyễn Thái Hải trò chuyện với các bạn thiếu nhi

 

Trong buổi sáng thi viết, các trại viên được tự do chọn chỗ ngồi bất kỳ mà mình thấy thích trong khách sạn nơi diễn ra các hoạt động của Trại viết. Nhà văn Trần Quốc Toàn, một người (cũng như nhà văn Nguyễn Thái Hải đối với Trại sáng tác thơ văn tuổi học trò Đồng Nai) luôn theo sát bên các cây bút thiếu nhi, ngay từ trại viết đầu tiên của Nhà thiếu nhi Quận 5, truyền hết cho các em các “bí quyết” đọc văn, học văn, viết văn;  sau khi đi một vòng xem các nhà văn nhí múa bút, ông thốt lên: “Ồ, nấc thang văn chương!” khi nhìn nhiều em cắm cúi bên trang giấy trên những bậc cầu thang tràn nắng.

 

Bậc thang văn chương

 

Nấc thang văn chương! Một hình ảnh đẹp cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Mỗi nấc thang mà các em bước lên được xây đắp bằng biết bao tấm lòng, biết bao yêu thương của cha mẹ, ông bà, thầy cô, của các cô chú, anh chị làm công tác giáo dục, công tác Đoàn, Đội và là sự nhiệt tâm của các cô chú anh chị làm công tác “vun trồng”mầm non văn chương ở các Nhà Thiếu nhi toàn thành,  Nhà Thiếu nhi Đồng Nai, mà đặc biệt là Nhà Thiếu nhi Quận 5, ngôi nhà mà từ đây, “Giấc mơ hồng” lan tỏa…

 

                                                                                                                           BÍCH NGÂN 

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: