Học sinh lớp 8, chế tạo xăng sinh học từ tảo

Thứ ba, 09/05/2017 21:47 (GMT+7)

Đó là nghiên cứu của hai học sinh Nguyễn Ngọc Bảo Hân, Nguyễn Chánh Lộc, lớp 8A7 trường THCS - THPT Trần Đại Nghĩa TP.HCM. Sáng kiến đã giúp hai bạn trẻ giành tấm vé đi Hà Lan tranh tài với 3000 đề tài khoa học trên toàn thế giới và đạt giải bạc danh giá, tại cuộc thi INESPO (International Environment Sustainability Project Olympiad - Cuộc thi Olympic các dự án về tính bền vững của môi trường quốc tế).

Nhọc nhằn “thăm tảo”
Sau 6 tháng, nghiên cứu và nuôi trồng với sự hướng dẫn của giáo viên nước ngoài; nhóm đã tìm ra tỉ lệ thích hợp để vi tảo Picochlorum sinh trưởng và cho chất béo nhiều nhất.
Bảo Hân chia sẻ: “Sau khi nghe các anh chị chia sẻ về cách làm các đề tài khoa học dự giải quốc tế, mình nghe rất ham và luôn ấp ủ trong mình ước mơ nghiên cứu khoa học. Mình rủ các bạn đồng hành nhưng không ai đồng ý vì sợ không có thời gian học, chỉ có duy nhất Chánh Lộc, cậu bạn học cùng lớp gật đầu vì cùng chung sở thích”.

Chánh Lộc và Bảo Hân tại phòng thí nghiệm

Sau khi học xong chương tảo và biết được công dụng của chúng có thể làm chất sản xuất nhiên liệu xăng sinh học trong tương lai. Các bạn ấy mày mò trên các trang khoa học nước ngoài để tìm kiếm tư liệu và phát hiện vi tảo Picochlorum có lượng lớn chất béo dùng để sản xuất nguyên liệu sinh học giá rẻ nhưng vấn đề đặt ra cho nhóm là làm thế nào để tìm ra được tỉ lệ nuôi trồng vi tảo để cho ra lượng chất béo tối ưu nhất.
Các bạn đã “cầu cứu” thầy cô để xin hướng dẫn và cả nhóm tá hỏa khi được giới thiệu thầy hướng dẫn người nước ngoài có kinh nghiệm về lĩnh vực vi tảo. Rất may là cả hai có chút vốn tiếng Anh nên có thể giao tiếp và hiểu những gì thầy chia sẻ.
Để có được vi tảo cho nghiên cứu, đôi bạn nhọc nhằn liên hệ nhiều công ty nhưng đều bị từ chối vì họ chỉ cung cấp tảo với số lượng lớn. Cuối cùng, hai bạn phải nhờ thầy cô xin tảo từ một phòng thí nghiệm tại Cần Thơ. Sau khi liên hệ thực nghiệm tại trường ĐH Quốc tế, đều đặn mỗi tuần ít nhất 3 lần, các bạn đều đón xe buýt từ trường THCS Trần Đại Nghĩa đến Thủ Đức “thăm tảo” đến tận 9 giờ đêm. “Để một lứa tảo sinh trưởng mất khoảng 15 ngày nhưng vi tảo liên tục chết không rõ nguyên nhân. Tụi mình định bỏ cuộc nhưng quyết tâm thử lần cuối và tìm được ra nguyên nhân là do ánh sáng không phù hợp. Sau khi điều chỉnh thông số ánh sáng, tảo đã sinh trưởng khá tốt” Bảo Hân chia sẻ.
“Nhà khoa học” nhí nhất cuộc thi
Tranh tài với trên 3000 đề tài đến từ các quốc gia trên thế giới, hai bạn là thí sinh nhỏ tuổi nhất cuộc thi đấy nhé! Chánh Lộc chia sẻ: “Ngày biết kết quả được vào vòng chung kết và đi Hà Lan cả hai đã ôm nhau nhảy dưới sân trường. Thế rồi tụi mình bắt tay viết đề tài nghiên cứu khoa học bằng tiếng Anh với những từ chuyên ngành “siêu khó”. Xong bài luận, mình lại tất bật thiết kế, thật may nhóm được ban giám khảo khen phần thiết kế sáng tạo với những hình minh họa ngộ nghĩnh dễ thương. Nó khác hẳn một bài báo cáo khoa học hàm lâm, khô khan”.

Bảo Hân (bìa trái) Chánh Lộc (bìa phải) tự hào khoe quốc kì Việt Nam tại cuộc thi

Đến với cuộc thi đôi bạn đã để lại kỉ niệm khó quên: vì quá ham vui nên cả hai quên mất buổi thuyết trình, khi ban giám khảo đến không thấy thí sinh đâu. Ban tổ chức phải “lùng sục” khắp nơi để tìm các bạn ấy.
Hai “nhà khoa học nhí” dự định sẽ có những đề tài nghiên cứu khoa học quốc tế khác để được trải nghiệm, chu du và giao lưu cùng bạn bè quốc tế nữa đấy!


CẨM VIÊN

Vi tảo Picochlorum sau khi về phòng thí nghiệm sẽ được nuôi cấy trong bình chóp với môi trường nước lấy từ Long Hải loại bỏ cát và lọc tạp chất. Dùng ánh sáng khoảng 50PPF tức 3500 lux trong 50 ngày với nồng độ mol dưới 1M. Tảo được nuôi trong 4 môi trường khác nhau với thành phần khác nhau để tìm ra thông số, môi trường phù hợp để tảo sinh trưởng và sinh ra chất béo nhiều nhất cho việc sử dụng nguyên liệu này làm xăng sinh học.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: