Hành trình Về biên giới Tây Nam

Thứ năm, 03/01/2019 12:53 (GMT+7)

Ngày 3/1/2019, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức đoàn hành trình về nguồn nhân kỉ niệm 40 năm chiến thắng cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam (07/01/1979 - 07/01/2019).

Tại nghĩa trang Tân Biên (huyện Tân Biên, Tây Ninh), Đoàn hành trình Về biên giới Tây Nam gồm cán bộ Tuyên giáo, báo chí xuất bản và văn nghệ sĩ Thành phố do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức đã làm lễ tưởng niệm hơn 14000 liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam đang an nghỉ tại nghĩa trang.

Đồng chí Thân Thị Thư dâng hương tại Lễ tưởng niệm

Thay mặt Đoàn hành trình, đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, đã bày tỏ sự tri ân của thế hệ hôm nay dành cho những người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng chiến đấu trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Nam thiêng liêng.

Thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và thực hiện nghĩa vụ quốc tế là một trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc ta. Đây là một cuộc chiến đấu cho lương tri, phẩm giá con người và mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Đây không chỉ là dịp để chúng ta tưởng nhớ lại một chặng đường lịch sử hào hùng, mà còn giúp những thế hệ mai sau soi rọi, phát huy truyền thống yêu nước, giữ nước của dân tộc.

Đồng chí Thân Thị Thư.

Thành viên đoàn hành trình thắp nhang tại Lễ tưởng niệm anh hùng liệt sĩ hi sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam.

Theo đồng chí Thân Thị Thư, cách đây 40 năm khi đất nước vừa trải qua hai cuộc kháng chiến trường chinh, khi hòa bình chưa đến được bao lâu, các anh, các chị lại vội vã lên đường, vội vã ra biên cương để giữ gìn sự bình yên cho tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả.

"Dân tộc ta, một dân tộc yêu chuộng hòa bình, một dân tộc khao khát hòa bình và luôn sẵn sàng chấp nhận mọi sự hi sinh gian khổ để có được hòa bình. Dân tộc ta hiểu được giá trị của hòa bình và luôn trân trọng nó, thế nhưng, chúng ta không sợ chiến tranh, dân tộc ta luôn sẵn sàng hi sinh để bảo vệ nền hòa bình của mình", đồng chí Thân Thị Thư phát biểu.

Chị Vương Thanh Liễu, Phó Bí thư Thành Đoàn, thắp nhang tại phần mộ liệt sĩ.

Cũng theo đồng chí Thân Thị Thư, dù chiến tranh đã lùi xa, vết thương đã phần nào lành lặn nhưng vẫn còn đó những nỗi đau, vết thương không gì bù đắp nỗi. Ngay tại nghĩa trang quốc gia Tân Biên, vẫn còn hơn 5000 mộ liệt sĩ chưa biết thông tin; biết bao chiến sĩ tình nguyện hi sinh trên đất bạn chưa được tìm về, những ám ảnh kinh hoàng về các vụ tàn sát, khủng bố của quân diệt chủng Pôn Pốt - Khmer Đỏ đối với chiến sĩ và đồng bào ta vẫn in hằn trong kí ức.

"Hành trình Về nguồn của chúng ta đã đặt chân lên mảnh đất Tân Biên sau 40 năm ngày mất mát, để lần tìm về những địa danh ghi dấu ấn oai hùng, ai trong chúng ta cũng mong được thêm một lần đến với chiến trường xưa để hiểu hơn về sự hi sinh của các thế hệ đi trước để giữ từng tấc đất, từng cột mốc biên cương", đồng chí Thân Thị Thư bày tỏ.

Các thành viên đoàn hành trình cùng hòa chung tiếng hát trước khu mộ các liệt sĩ chưa biết tên.

Đoàn hành trình Về Biên giới Tây Nam do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức.

Sau đó, đoàn di chuyển đến dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm thanh niên xung phong TP.HCM hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam.

MC - Diễn viên Bình Minh phát biểu tri ân các anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong

Nghe kể chuyện về thanh niên xung phong tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam

T.TRUYỀN

ẢNH: T.TRUYỀN

(Theo Mực Tím)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: