Hai ngày làm bác sĩ nha khoa của nữ sinh Phổ thông Năng khiếu

Thứ ba, 04/04/2017 16:38 (GMT+7)

Đó là công việc mà cô bạn Trần Thị Thanh Xuân (lớp 11 Sinh, trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG-HCM) có được sau hai ngày kiến tập tại bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM.

Với ước muốn được trở thành một bác sĩ nha khoa, Thanh Xuân đã xuất sắc bước vào vòng Chung kết cuộc thi Thực hiện ước mơ lần 5 và có được những trải nghiệm thú vị về nghề nghiệp tại bệnh viện.

Phụ tá của các bác sĩ

Trong suốt hai ngày kiến tập tại bệnh viện, Thanh Xuân được tiếp xúc, làm việc với nhiều bác sĩ và bệnh nhân tại bệnh viện Răng Hàm Mặt. Công việc của cô bạn này là quan sát quá trình mà các bác sĩ khám, tư vấn và chữa răng cho bệnh nhân.

Thanh Xuân chăm chú xem hình chụp X-quang răng của bệnh nhân - Phạm Phúc

Thanh Xuân được hướng dẫn về cách gọi tên, cũng như sử dụng các dụng cụ nha khoa. Không chỉ vậy, cô bạn này còn được các bác sĩ tận tình chia sẻ về kiến thức về chuyên môn của mình. Nhờ vậy mà Thanh Xuân biết cách gọi số răng, đánh giá chất lượng cũng như cách ký hiệu các tổn thương, bệnh ở răng khi quan sát trên phim chụp X-quang.

Khi được trải nghiệm công việc thực thụ tại bệnh viện, Thanh Xuân thích thú: “Trước giờ, quá trình chữa răng mình chỉ được xem qua video. Hôm nay, mình được tận mắt chứng kiến và còn được các bác sĩ hướng dẫn cho từng trường hợp cụ thể. Tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân và làm việc với các bác sĩ giúp mình có được nhiều kiến thức mà trước đây chưa từng có. Mình như một người trợ lý thực sự vậy”.

Thanh Xuân được bác sĩ hướng dẫn xem hình chụp X-quang về hàm răng của bệnh nhân - Phạm Phúc

Suốt hai ngày kiến tập, Thanh Xuân được luân phiên đến các khoa khác nhau của bệnh viện như nhi khoa, lão khoa,... Tại mỗi phòng khám, cô bạn nha sĩ tương lai này được tiếp xúc với các đối tượng bệnh nhân khác nhau. Nhờ vậy mà Thanh Xuân biết được các bác sĩ nha khoa cũng phải rất “tâm lý” để hiểu bệnh nhân của mình.

Thanh Xuân chia sẻ: “Mình thích nhất là theo dõi, học hỏi quá trình các bác sĩ khám và chữa răng cho bệnh nhân. Bao giờ bác sĩ cũng tư vấn về tình trạng răng. Những bệnh nhân khoa lão đều là những người lớn tuổi nên rất khó khăn để thuyết phục. Và các bác sĩ cũng đã chỉ “mẹo” cho mình luôn”.

Chưa thấy ai như Xuân!

Các bác sĩ tại bệnh viện Răng Hàm Mặt giúp đỡ Xuân rất nhiều. Có mặt tại phòng khám nào, Thanh Xuân cũng nhận được sự hướng dẫn tận tình từ các bác sĩ và y tá. Không chỉ là kiến thức chuyên môn, các bác sĩ còn giúp Xuân hiểu thêm về bệnh nhân thông qua hồ sơ bệnh án và tư vấn luôn cả nghề nghiệp cho cô bác sĩ tương lai này.

Thanh Xuân luôn bên cạnh các bác sĩ Răng Hàm Mặt trong phòng khám - Phạm Phúc

Đáp lại những tận tình của các bác sĩ là sự ham học hỏi của Thanh Xuân. Trong bất kỳ tình huống nào, Thanh Xuân cũng ở bên cạnh và chăm chú theo dõi quá trình khám, chữa răng của các bác sĩ. Sau đó, Thanh Xuân đã hỏi lại các bác sĩ về những điều mình chưa rõ về tình trạng bệnh và hí hoáy ghi chú vào sổ cá nhân. Những khi bác sĩ bận, Thanh Xuân chủ động trò chuyện với bệnh nhân, tạo cho họ tâm lý thoải mái.

Có lẽ chính vì vậy mà chỉ với hai ngày kiến tập ngắn ngủi, nhưng Thanh Xuân đã có được tình cảm của bác sĩ tại bệnh viện. Không chỉ có mặt ở phòng khám, Xuân còn được tham gia sinh hoạt với các bác sĩ như trò chuyện, ăn trưa, nghỉ trưa,…

Dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, Thanh Xuân luôn ghi chú những kiến thức vào sổ - Phạm Phúc

Bác sĩ Đồng Quỳnh Như, một trong những bác sĩ hướng dẫn Thanh Xuân tại phòng khám hài hước: “Thấy bất cứ điều gì cần tìm hiểu là Thanh Xuân hỏi và ghi chép lại ngay lập tức. Trong phòng khám nhưng Xuân không bị động mà chủ động trò chuyện với bác sĩ, bệnh nhân, quan sát quá trình khám. Ham học hỏi lắm. Chưa thấy ai như Xuân. Cô bé này có tiềm năng lắm! Nếu tiếp tục giữ đam mê, Xuân sẽ làm được”.

PHẠM PHÚC

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: