Gõ cửa tương lai trong nỗi lo... Covid

Thứ năm, 07/04/2022 21:52 (GMT+7)

Có ước mơ làm đầu bếp nhưng Chánh Lộc (lớp 10 trường THPT Nguyễn Thị Định, Q.8) không khỏi âu lo khi chứng kiến nhiều hàng quán, nhà hàng phải đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19.

CHÙN BƯỚC VÌ COVID-19

Chánh Lộc cho biết, bạn cảm thấy lo sợ và có đôi chút chùn bước, dù vẫn còn nhiều thời gian để cân nhắc lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Tuy nhiên, với các bạn teen lớp 12, mọi thứ đã trở nên gấp gáp hơn khi thời hạn nộp hồ sơ đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học đang đến gần.

Một số bạn vì thế đã phải có lựa chọn khác như trường hợp của Nguyễn Lâm (lớp 12 trường THPT Trần Phú, Q. Tân Phú). Lâm chia sẻ, dù không thực sự thích nhưng bạn dự định theo học ngành công nghệ thông tin theo gợi ý của gia đình. Lí do được đưa ra là ngành này có nhiều cơ hội phát triển, ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh Covid-19.

Thực tế, theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 đã làm biến đổi cơ cấu ngành nghề của thế giới nói chung và ngay tại Việt Nam nói riêng. Và xu thế này cũng sẽ tiếp tục diễn ra khi mà dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Điều này phần nào tác động đến cách lựa chọn nghề nghiệp tương lai của teen.

TÌM CƠ HỘI TỪ KHÓ KHĂN

Có một tín hiệu lạc quan là bên cạnh những ngành nghề bị thu hẹp hoặc biến mất thì Covid-19 cũng “góp phần” thúc đẩy những ngành nghề mới phát triển, phù hợp hơn với thế hệ gen Z. Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, “nhờ” đại dịch diễn ra, tạo ra những khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp buộc họ phải thay đổi để thích nghi đồng thời tăng khả năng cạnh tranh và giúp các tài năng trẻ tỏa sáng.

Còn theo thầy Trương Quang Huy (giảng viên trường Đại học RMIT), Covid đã giúp chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ. Mọi ngành nghề hiện nay đều cần ứng dụng công nghệ. Các ngành gốc rễ của công nghệ như IT như cá gặp nước bởi nhu cầu nhân lực cao. Sản xuất, dịch vụ có lẽ là những lĩnh vực bị tác động nhiều nhất khi nhiều nhà máy, doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, người lao động thất nghiệp. Tuy nhiên đó cũng là cơ hội để họ phát triển nhiều công nghệ, kĩ thuật hơn để thay thế vai trò của lực lượng lao động.

Thầy Trương Quang Huy cũng cho rằng, dịch bệnh Covid sẽ sớm được kiểm soát hoặc trở thành bệnh thông thường nên những khó khăn trong hiện tại sẽ chỉ là bài học cho tương lai. Thay vì chùn bước với lựa chọn của mình, các bạn học sinh nên dành thời gian cải thiện các kĩ năng để thích ứng với chuyển đổi số như công nghệ thông tin, sử dụng tiện ích số…

Bạn Gia Hân (lớp 12 trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6) cũng có suy nghĩ như vậy khi đã định hướng sau này làm tư vấn pháp lí hoặc lĩnh vực PR. Tranh thủ thời gian nghỉ dịch, Hân tìm hiểu nhiều ngành nghề khác nhau, từ đó có cái nhìn đầy đủ hơn về các ngành nghề và củng cố niềm tin vào sự lựa chọn của bản thân.

Tương tự, bạn Nhật Tiến (lớp 12A1 trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, Sóc Trăng) cũng quyết tâm theo học ngành du lịch dù đã chứng kiến sự khó khăn của ngành này trong đại dịch. Nhật Tiến tin, “sau cơn mưa trời sẽ sáng, có khó khăn mới ngày càng phát triển”, cộng đồng sẽ sớm thích ứng với dịch bệnh. Chưa kể, sau thời gian dài ở nhà, nhu cầu du lịch sẽ tăng cao và đó là cơ hội cho những người làm trong lĩnh vực du lịch.

TÂM NHƯ - Ảnh: Tư liệu, Freepik

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: