Giới trẻ cần phải biết nhiều hơn về xâm hại tình dục

Thứ ba, 14/03/2017 16:22 (GMT+7)

Xâm hại tình dục trẻ em thời gian gần đây đang trở thành vấn đề nhức nhối, khi mà các vụ ấu dâm, xâm hại tình dục liên tiếp diễn ra với hậu quả ngày càng nặng nề.

Để góp phần cung cấp những hiểu biết về vấn nạn này, chiều ngày 11-3-2017, Đoàn khoa Ngữ văn Anh thuộc trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG.HCM đã tổ chức buổi chia sẻ “It happened…” tại cơ sở Đinh Tiên Hoàng.

“Từ 6 tuổi có thể trở thành nạn nhân”

Nhà báo Hòa Bình khẳng định đó là lứa tuổi bị các đối tượng có sở thích tình dục lệch lạc hướng đến nhiều nhất. Theo một thống kê của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), độ tuổi trung bình của trẻ bị xâm hại là 9 tuổi và tỷ lệ trẻ bị người thân xâm hại là rất cao. Những đứa trẻ lang thang thang cơ nhỡ hay không được hưởng nền giáo dục tốt, không nhận được sự quan tâm đúng mức từ cha mẹ dễ trở thành nạn nhân của vấn nạn này. Lợi dụng những thiếu thốn trong cuộc sống của trẻ, những kẻ thủ ác thường tiếp cận làm quen, tặng quà,… Sau khi trở nên thân thiết hơn thì bắt đầu thực hiện những hành vị dâm ô với trẻ từ cấp độ nhẹ đến nặng. Nhà báo Hòa Bình cho biết, xâm hại tình dục xảy ra khi nạn nhân hoàn toàn không muốn nhưng vẫn bị đối tượng thực hiện những hành vi dâm ô, vì vậy mà trẻ em là đối tượng dễ bị xâm hại nhất do nhận thức chưa hoàn thiện. Biểu hiện của hành vi này rất đa dạng, như phô dâm, gạ gẫm, nhắn tin khiêu khích,… vì vậy cần phải giáo dục trẻ nhận thức toàn diện về vấn đề này.

Nhà báo Hòa Bình, chị Sandy Bích Ngọc tại buổi giao lưu

“Nếu không tha thứ được, xin đừng phán xét”

Đó là chia sẻ của chị Sandy Bích Ngọc, tác giả cuốn tự truyện Cát hay là ngọc, từng là nạn nhân của nạn xâm hại tình dục từ năm 8 tuổi và kéo dài trong suốt 10 năm. Sandy đã đem đến một câu chuyện truyền cảm hứng sống đối với các nạn nhân cùng số phận và một thông điệp đến những cái nhìn kì thị và khinh miệt đối với những nạn nhân ấy. Trong hành trình trở lại cuộc sống, không chỉ riêng Sandy mà tất cả những nạn nhân đã từng bị xâm hại đều gặp phải sự khinh khi và phán xét của một bộ phận trong xã hội. Hơn ai hết, Sandy hiểu rõ những nạn nhân rất cần đến sự giúp đỡ và tình thương để hòa nhập trở lại. Bởi lẽ hậu quả để lại mà những nạn nhân phải chịu đựng không chỉ về thể xác và còn là những tổn thương tinh thần nặng nề. Nạn nhân của xâm hại tình dục sẽ bị những sang chấn tâm lí, khiến tinh thần không ổn định và dần dần thu mình sợ tiếp xúc với cuộc sống. Do vậy, bên cạnh các biện pháp điều trị về tâm lý từ các chuyên gia, những nạn nhân này rất cần được vòng tay cộng đồng dang rộng giúp đỡ, động viên để họ từng bước đối diện với sự thật và tái hòa nhập cuộc sống. Sandy chia sẻ - “Đây là một sứ mạng mà cuộc đời đã giao cho Sandy, để Sandy có thể mang câu chuyện truyền cảm hứng của mình đến những người cùng số phận. Sứ mạng đó giúp Sandy có thể tiếp cận với những người gặp phải hoàn cảnh tương tự và giúp đỡ họ. Sandy không hề nghĩ cuộc đời mình u tối hay xui xẻo mà đơn giản vì đó là số mệnh mình phải trải qua”.

Đừng im lặng

“Nếu trong trường hợp của nạn nhân, trước tiên mình sẽ tham khảo ý người thân xem họ nghĩ gì về vấn đề này, họ sẽ làm gì khi đối mặt với những người bị xâm hại tình dục. Nếu thái độ tích cực thì mình sẽ nói ra, còn nếu họ không thể chấp nhận thì có lẽ mình sẽ liên hệ bác sĩ tâm lý” - bạn Lam, sinh viên khoa Ngữ văn Anh, trường ĐH KHXH&NV chia sẻ. Đó cũng chính là lời khuyên mà nhà báo Hòa Bình gửi đến các bạn trẻ tại buổi chia sẻ. Im lặng chỉ càng tiếp tay cho những kẻ thủ ác. Bởi chính việc chia sẻ sẽ giúp bạn tìm kiếm sự giúp đỡ.

HIẾU TIÊN

Nhà báo Hòa Bình, chị Sandy Bích Ngọc tại buổi giao lưu
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: