"Giật mình" khi là... công dân 4.0

Chủ nhật, 19/11/2017 16:20 (GMT+7)

Vừa có dịp thực hiện một bài phỏng vấn về chủ đề công dân 4.0, tôi đã rất phấn khởi trước những điều mới mẻ mà thế hệ của chúng tôi được tiếp cận, nhưng đâu đó vẫn không khỏi giật mình.

Liệu trước những cơ hội đó mình có nắm bắt được không khi mà những điều kiện nó đòi hỏi vẫn chưa đáp ứng được. Từ bản thân nhìn ra đất nước, tôi tự hỏi vẫn còn bao nhiêu bạn trẻ Việt đang đắn đo trước kỷ nguyên hội nhập.

Trong bối cảnh Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN (AEC) thành lập, chúng ta không thể phủ nhận rằng cánh cửa hội nhập đang mở rộng hơn bao giờ hết. Hội nhập giờ đây không còn là một cụm từ xa vời đâu đó mà chỉ có cấp lãnh đạo, các nhà doanh nghiệp hay nhà ngoại giao mới cần để tâm thực hiện, giờ đây hội nhập là cụm từ toàn dân và mang ý nghĩa sống còn. Hội nhập hay là tụt hậu. Hội nhập mang đến nhiều cơ hội, đó là một cuộc chơi lớn thực sự cho những người muốn bứt khỏi giới hạn vẫn ràng chân họ bấy lâu nay.

Tuy nhiên, cuộc chơi càng lớn rủi ro càng cao và để đáp ứng nó cần có một trình độ xứng tầm. Vậy nên trước cuộc chơi này, tôi nhận thấy rằng chính bản thân mình và nhiều bạn trẻ xung quanh đang rụt rè và không mạnh dạn lao vào. Bởi lẽ rất dễ hiểu, là vẫn còn một phần thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay chưa tự tin vào khả năng ngoại ngữ của mình, trong khi đó ngôn ngữ chính là yếu tố tiên quyết của hội nhập. Thiếu tự tin trong giao tiếp với người bản ngữ, phương pháp học ngoại ngữ kém hiệu quả và sự ý thức chưa đầy đủ về vai trò của ngoại ngữ là một trong những yếu tố khiến ngoại ngữ của đa số bạn trẻ không đáp ứng nhu cầu giao tiếp. Chính vì không thể làm chủ chiếc chìa khóa của cánh cổng quan trọng nhất nên đoạn đường tiến đến những cánh cửa cơ hội bên trong dần xa hơn, và hội nhập trở thành một điều cao siêu mà số người trẻ Việt đạt được vẫn chưa nhiều. Tôi nhận thấy nếu giải quyết được vấn đề này, sự tự tin trước cộng đồng quốc tế của chúng ta sẽ tăng lên, và với tâm thế mới đó tôi tin rằng chúng ta có thể bộc lộ những điểm mạnh của mình. Người Thái từ rất sớm đã lo sợ tụt hậu, họ lo lắng mình không thể hòa nhập với cộng đồng chung khi sự mở cửa rộng rãi bắt đầu. Nên từ trước khi AEC thành lập, thanh niên Thái được khuyến khích học ngôn ngữ ASEAN. Bên cạnh tiếng Anh, họ học thêm ngôn ngữ của một nước bất kỳ trong cộng đồng vừa tăng khả năng giao tiếp vừa dễ dàng tìm hiểu văn hóa. Tôi cho rằng đây là một điểm rất hay ở nước bạn mà giới trẻ nước ta nên học hỏi, mặc dù đi sau một bước nhưng sẽ không muộn nếu chúng ta cố gắng.

Ảnh minh họa: Freepik

Hẳn ai cũng phải thừa nhận một điều rằng người Việt chúng ta khá e dè trong giao tiếp. Mặc dù đất nước đã mở cửa hội nhập từ lâu và du lịch cũng khá phát triển nhưng ở nhiều mặt, chúng ta vẫn ngại tiếp xúc và cởi mở với bạn bè thế giới. Một phần vì rào cản ngôn ngữ đã đề cập ở trên một phần còn do nếp sống nếp nghĩ xưa nay vẫn ngại giao tiếp của người Việt. Điều đó đã ảnh hưởng tới khả năng hội nhập và giao lưu văn hóa của chúng ta rất nhiều, nhất là đối với bạn trẻ - những người có nhiều cơ hội giao lưu văn hóa nhất. Không sinh ra và lớn lên ở thành thị, từ lúc vào đại học tôi mới thực sự biết đến môi trường có sự giao lưu văn hóa thông qua các hoạt động của trường và thành phố đang sống. Cũng chính nhờ cơ hội này mà tôi nhận ra sự rụt rè đã cản trở cuộc sống của mình đến thế nào. Kỹ năng giao tiếp hạn chế, khả năng hòa nhập kém chính là những thứ tôi cho rằng phải loại bỏ đầu tiên nếu muốn khác hơn và tốt hơn. Tôi rút ra được điều đó từ cuộc sống của chính mình, tôi nghĩ cuộc sống nhỏ của tôi cũng giống như đất nước ta và thành phố sôi động đầy cơ hội và thách thức này chính là thế giới đang mờ nhạt dần ranh giới bởi sự hội nhập. Vậy nên tôi cũng cho rằng tôi cần cởi mở và dạn dĩ hơn trong giao tiếp để bắt đầu hòa nhập thật sự vào môi trường khu vực và thế giới.

Thế giới đang chuyển động hằng giờ, các quốc gia đang cùng nhau làm nên những giá trị chung đồng thời hoàn thiện đất nước mình. Tôi hy vọng Việt Nam sẽ không nằm ngoài luồng phát triển đó, cùng bạn bè năm châu từng bước tiến lên. Tôi mong rằng tất cả bạn trẻ đều ý thức được vai trò của mình trong tiến trình hội nhập, để đất nước không thụt lùi vì hạn chế của thế hệ tiên phong. Bởi từng viên gạch làm nên bức tường, từng cá nhân làm nên tập thể nên yếu kém của từng người sẽ làm cả xã hội yếu kém.

HIẾU TIÊN

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra. Bạn sẽ phản ứng như thế nào khi có ai đó nói với bạn điều này? Có lẽ không ít người cho rằng, chuyện này "xa xôi" quá, có chăng chỉ ở nước ngoài. Chứ Việt Nam thì...

Thật ra, nếu để ý, bạn thấy nó chẳng hề "xa xôi". Như cách bạn gọi Uber hay Grab chẳng hạn. Chỉ cần vài thao tác là bạn có thể đi một chiếc xe xịn, vi vu với giá được cho là rẻ. Điều thú vị là dù đi xe Uber hay Grab thì bạn luôn biết rằng, chiếc xe ấy là của chị A, anh B nào đấy chứ không phải của Uber hay Grab. Cái mà bạn biết với họ chỉ là một ứng dụng, kết nối bạn dễ dàng với tài xế, những người có thể làm những công việc khác là chính chứ không phải chạy xe. Vậy là, từ một ứng dụng được viết trên máy tính, nó trở thành phương tiện kết nối giữa bạn với chủ xe, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng triệu người và giúp mọi người có cơ hội được di chuyển với giá hợp lí nhất.

Tất nhiên, sự xuất hiện của các loại hình vận chuyển mới như Grab hay Uber cũng gây ra nhiều tranh cãi. Rõ nhất là chuyện "mất cần câu cơm" của những xe ôm truyền thống mà chủ yếu là người lao động nghèo, khó tìm công việc khác. Đã không ít lần xảy ra xung đột giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ hay taxi truyền thống với Uber, Grab.

Uber hay Grab được xem là những ví dụ về thành tựu của cuộc cách mạng 4.0. Và sự xuất hiện của nó đã tạo ra những tác động tích cực lẫn những những thách thức chưa từng thấy trước đó. Vấn đề là sẽ đối diện với những biến đổi ấy như thế nào, chuẩn bị hành trang ra sao và còn điều gì cảm thấy hoang mang, lo lắng? Xin mời chia sẻ cùng diễn đàn "Bạn ở đâu trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0?" do Mực Tím tổ chức theo form bên dưới hoặc qua email:ctv@muctim.com.vn. Bài viết có thể đề cập về khát vọng, ước mơ của bạn; những trăn trở, suy nghĩ của bản thân của người trẻ trong thời đại số; những "đặt hàng" cho tương lai...

Những bài viết, chia sẻ của các bạn sẽ được Mực Tím giới thiệu trên Mực Tím Online cũng như tổng hợp chuyển đến Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP.HCM lần thứ X.

Những ý kiến hay được chọn đăng sẽ được hưởng nhuận bút theo quy định của tòa soạn.

Trân trọng đón chào bài viết của các bạn!

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: