Giải mã... "sâu ngủ"

Thứ năm, 10/05/2018 16:21 (GMT+7)

Vì sao ta buồn ngủ? Vì thiếu ngủ! Điều này ai cũng trả lời được. Quả thật, hầu hết cơn buồn ngủ là do thiếu ngủ, nhưng giải thích thế nào với những teen ăn no ngủ kĩ mà đến lớp mắt lúc nào cũng lim dim, ngáp ngắn ngáp dài?

VÌ SAO BẠN LÀ “SÂU NGỦ” NGÀY?

+ Bạn có thiếu máu? Máu cung cấp dưỡng chất và oxy cho toàn cơ thể, đặc biệt là não bộ, nên thiếu máu rất
dễ sinh mệt mỏi, buồn ngủ… Sắt là nguồn nguyên liệu chủ lực tạo nên hemoglobin - những chuyến xe chuyên chở oxy không mệt mỏi của hồng cầu. Bổ sung sắt rất cấp thiết với các “sâu ngủ ngày” do thiếu máu, thiếu dinh dưỡng. Bạn gái vào những kì kinh hay buồn ngủ càng phải chú tâm đến việc bù lỗ sắt.

+ Ngưng thở lúc ngủ: Cái này nếu xảy ra thì teen chẳng biết mô tê gì, vẫn ngáy đều, nhưng sáng hôm sau là gà gật thấy rõ. Những cú “đoản mạch” hô hấp này ngắn nhưng xảy ra nhiều lần nên nguồn cung oxy cho não bộ bị ngắt ngang đáng kể. Những teen có tật “ngáy như sấm” thường hay mắc chứng này.

+ Rối loạn đường huyết, tiểu đường, suy tuyến giáp, bệnh khớp tự miễn, rối loạn tuần hoàn não… - những chứng bệnh toàn thân có thể là nguồn cơn của những cơn buồn ngủ bất trị. Với teen, chúng thường kín tiếng, có khi chỉ “nhá sơ” nhân dạng qua cơn buồn ngủ. Nhiều teen chỉ tình cờ phát hiện bệnh nặng nhờ than phiền với bác sĩ về những cơn ngáp ngắn ngáp dài, sa sút học tập không lí do.

+ Cơn buồn ngủ khát nước: Bất ngờ là những cơn buồn ngủ triền miên của teen có khi xuất phát từ thói quen
lười uống nước. Nước tham gia vào hầu hết hoạt động sống của cơ thể nên thiếu nước tất sinh lờ đờ, buồn
ngủ… Nếu là “con sâu ngủ” chữa hoài không khỏi, teen có thể thử uống đủ nước, cả khi không khát, có khi đem lại kết quả bất ngờ.

+ Stress, trầm cảm: Căng thẳng thường gây mất ngủ, nhưng cũng có những loại stress, trầm cảm làm teen ngủ li bì. Nhiều teen sắp đến ngày vượt vũ môn, ráng ngủ đủ để bảo trì chất xám nhưng vẫn bị cơn buồn ngủ viếng thăm là do stress gây ra. Căng thẳng còn buộc cơ thể chi dùng nhiều năng lượng hơn nên cũng dễ sinh mệt mỏi, ngáp lên ngáp xuống.

+ Thuốc men: Rất nhiều loại thuốc có tác dụng phụ gây ngủ gật, nhất hạng là thuốc chống dị ứng, an thần, thuốc bổ… Không phải ai, nhất là teen, cũng biết tác dụng làm díp mắt của loại thuốc mình đang dùng, nên có khi chữa đông chữa tây không khỏi. Hãy hỏi bác sĩ ra toa nếu nghi ngờ mình là “sâu ngủ” do thuốc.

+ Dao động hormon: Thi thoảng những xào xáo nội bộ liên quan đến nội tiết tố cũng gây ra những cơn buồn ngủ khó cưỡng của teen. Teen đang trong giai đoạn lộn xộn tuổi dậy thì, các bạn gái vào kì kinh, đang uống thuốc điều hòa nên “biết người biết ta” với những cơn buồn ngủ loại này.

“SÂU NGỦ” NÊN HẠN CHẾ ĂN GÌ?

Một số thực phẩm được cho là rất dễ “ru em vào mộng”, đặc biệt, cơm trắng, bánh mì trắng là những cái tên đầu tiên. Lí do bộ não lấy carbohydrate từ chúng tạo ra nhiều serotonin làm cơ thể dễ chịu, mơ màng rồi lim dim. Những teen ăn sáng với nhiều chất bột, đường mà thiếu đạm, béo thường dễ ngủ gật... Đồ ngọt là nhân vật kế tiếp bởi ăn đồ ngọt buộc cơ thể tiết ra insulin, thúc đẩy giải phóng tryptophan trong não sinh buồn ngủ. Khoai lang, cá hồi (giàu Omega-3), trứng, sữa, hạt điều, hạt óc chó… là những cái tên đứng sau. Có một trớ trêu là nhiều teen chống mất ngủ bằng cách dùng nhiều thực phẩm chức năng quá tay thành ra “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” chuyển sang thành… “sâu ngủ”.

MẸO THẮNG CƠN BUỒN NGỦ

Chống “sâu ngủ” cần căn cơ, tiên quyết là ngủ đủ, ngủ ngon và giải quyết những vấn đề sức khỏe ăn theo. Với những cơn buồn ngủ bất chợt thì teen có thể áp dụng một số mẹo để “chữa cháy”:

+ Đứng dậy và đi bộ vài vòng: việc vận động thúc đẩy máu huyết lưu thông, tăng vận chuyển oxy tới não là một cách đánh thức cơn buồn ngủ đúng sách vở. Teen ăn vặt thì có thể tìm gì đó để nhắm nháp, vừa cung cấp năng lượng vừa bắt cơ thể bừng tỉnh nhóp nhép.

+ Bắt mắt làm việc quá cỡ cũng là thủ phạm gây buồn ngủ. Những teen “tri kỉ” với màn hình xanh nên rời mắt đi đâu đó, nhìn trời đất hay “tám” chuyện với người bên cạnh. Trò chuyện cũng là một cách để hạn chế cơn
buồn ngủ, bởi nói là hoạt động phức tạp của não bộ.

+ Hít thở không khí trong lành: Khí trời không chỉ kích hoạt tỉnh táo, khơi động giác quan, mà ánh sáng còn tác động trực tiếp đến đồng hồ sinh học, qua đó kéo teen bừng thức.

+ Thể dục thể thao không chỉ “chữa cháy” cơn buồn ngủ vãng lai mà còn là kế lâu dài tạo đà cho giấc ngủ ngon đêm hôm đó. Hãy tập cho mình thói quen “thập toàn đại bổ” này mỗi ngày dù không buồn ngủ. Lưu ý nếu tập hay chơi thể thao nặng, cần tổ chức nghỉ ngơi, bồi dưỡng hợp lí sau đó để bù đắp thất hao, kẻo lại tính già hóa non, mệt mỏi quá thì mắt lại mở hổng lên.

Như đã nói, cốt lõi chống “sâu ngủ” là giấc ngủ ngon. Teen nên chịu khó tham khảo những bí kíp “ru em vào mộng”, từ chuẩn bị giường, mền, chiếu, gối, ánh sáng, nhiệt độ đến những mẹo hay như tránh ăn no sau 6 giờ tối, tắm, ngâm chân nước nóng trước khi ngủ. Chỉ cần khoảng 30 phút ngủ trưa là đủ.

Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN

BẠN CÓ NHỮNG THẮC MẮC KHÔNG BIẾT HỎI AI?

Bạn có những thắc mắc liên quan đến vấn đề tâm sinh lí, hãy mạnh dạn gửi câu hỏi của mình về địa chỉ: phongmachmuctim@gmail.com. Những thắc mắc của bạn sẽ được Mực Tím gửi đến các chuyên gia.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: