"Giải mã" biểu hiện... cảm xúc

Thứ năm, 29/03/2018 11:00 (GMT+7)

Tụi mình thường nghe nhiều kiểu diễn đạt cảm xúc hay nhìn nhận thú vị liên quan đến sức khỏe, sinh lí. Tưởng chỉ là ví von cho vui, thật ra lại lấy “chất liệu” từ chính biểu hiện thật của cơ thể.

Nổ đom đóm mắt

Nổ đom đóm mắt là cảm giác choáng váng khi bị dính cú đấm trời giáng, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nguyên nhân của màn lập lòe đom đóm này là gì? Võng mạc nằm cuối nhãn cầu, có vai trò cực lớn trong việc xử lí
ánh sáng, đưa lên não, giúp ta nhìn thấy được. Một cú va chạm mạnh vào võng mạc khiến nó nhầm lẫn có ánh
sáng đi vào và thể hiện bằng một loạt chớp sáng giống như bầy đom đóm. Ngoài ra, việc hắt hơi mạnh cũng có thể khiến nhãn cầu “bé cái lầm” tương tự. Nếu đúng là do đánh nhau thì không sao, trường hợp “nổ đom đóm” thường xuyên, liên quan đến tư thế, ngồi xuống đứng lên thì nên cẩn thận có vấn đề về thị giác.

Mặt cắt không còn hột máu

Hỗn danh này còn cái tên “bà con gần” là mặt xanh như tàu lá, dùng để chỉ vẻ hết hồn khi gặp chuyện kinh sợ hay bị hù một phát mất hồn. Thỉnh thoảng, có teen sắp bước vào kì thi quan trọng cũng có thể gặp tình trạng này. Đây được xem là phản ứng tự vệ quá đà từ não bộ làm “đông cứng” cơ thể, trong đó có hiện tượng co thắt mạch máu dưới da. Những teen có cơ địa thần kinh yếu thường có kiểu “đứng hình” toàn tập này. Việc này có thể gây bất lợi cho teen, chẳng hạn cóng giò hết đường chạy trong đám cháy hay bị “biến thái” tấn công… Rèn luyện tinh thần vững vàng có thể giúp teen giảm dần tình trạng này.

Cười nôn ruột

Cười, nhất là cười sảng khoái gây ra loạt biến động từ cơ bắp, tuần hoàn đến nội tiết tố, trong đó có tình trạng thắt nghẹt “bộ đồ lòng”, từ đó mới có ví von “cười nôn ruột”. Thật ra, tràng cười nắc nẻ còn có thể gây ra tình trạng chuột rút, đau dạ dày, ngạt thở, són tiểu cho teen nữa. Những teen có vấn đề hô hấp, huyết áp, nếu đôi ba lần cười đến nôn cả ruột thì nên cẩn thận.

Sợ “teo bi”

Hiện tượng này là “đặc sản” của các chàng, mô tả tình trạng đôi tinh hoàn bị co rút lại khi cậu chủ đối mặt với sợ hãi, với một cú tung cước tiềm tàng của đối thủ vào vùng hạ bộ. Đây cũng là một phản ứng tự vệ của cơ thể nhằm bảo vệ cho đôi tinh hoàn bằng cách co rút thần tốc da bìu để thu nhỏ diện tích tinh hoàn, giảm tối đa khả năng bị quất trúng. Thực ra, kiểu bảo bọc “một điều nhịn chín điều lành” này còn xảy ra khi trời lạnh với mục đích giữ ấm cho tinh hoàn, bộ phận ngàn vàng quyết định khả năng sinh sản của cánh mày râu.

Nổi da gà

Hẳn teen nào cũng đôi lần gặp hiện tượng này khi đối mặt với chuyện gì đó kinh khiếp hay ngược lại gây
thích chí, sướng rơn, chẳng hạn nghe được một giai điệu tê tái lòng. Hình tượng này cũng được dùng trong đời sống để tả cảm xúc tột đỉnh nào đó. Không gì lạ, đây là hiện tượng co cơ dựng lông, nhằm bít lỗ chân lông lại để giữ nhiệt bên trong, giúp cơ thể chống lạnh. Vấn đề là thần kinh điều khiển đám cơ này lại chịu ảnh
hưởng lớn từ cảm xúc nên thi thoảng cái nọ xọ cái kia, tạo ra màn nổi da gà khi teen khoái trá việc gì đó.

Khen phổng mũi

Hình tượng này thường được dùng để tả thực vẻ hân hoan, hãnh diện khi chủ nhân được khen tặng hoặc tự sướng với thành tích lẫy lừng nào đó. Có thật khi hãnh diện, mũi của teen sẽ phồng to ra? Cơ bản thì cảm giác hểnh mũi này cũng cùng bản chất với cảm giác hạnh phúc, phấn chấn, tiết vào máu nhiều nội tiết tố hạnh phúc khiến tim đập nhanh hơn, tuần hoàn máu tăng nhanh hơn dẫn đến hai cánh mũi nở to, phập phồng để hít nhiều không khí hơn. Không chỉ lỗ mũi nở, nếu tinh ý, teen có thể nhận ra những triệu chứng khác tố cáo người được khen đang sướng rơn như cơ mặt phồng to, hai tai vểnh ra…

Nhìn phát ói

Khi chê bai, kinh tởm ai đó, việc gì đó có biểu hiện, hành động lời nói hợm hĩnh, khó coi, tự cao tự đại thái quá thì nhiều người thường bĩu môi, lắc đầu phán “nhìn/ nghe phát ói”. Không phải teen nào khi tởm ai đó đều buồn nôn, nhưng khả năng này là có lí về mặt sinh lí. Đây được xem là hậu quả của việc tâm lí tác động đến hệ thần kinh thực vật làm co thắt dạ dày sinh cảm giác buồn nôn “ảo”. Thực tế, ca này cùng một “rơ” với các kiểu muốn ói tâm lí khác của teen như ngửi thấy mùi khó chịu, nhìn thấy cảnh tượng gớm ghiếc, hay có khi nhác thấy món ăn bóng nhẫy dầu mỡ… Tuy là bệnh tưởng nhưng teen nào mắc nặng chứng này thì nên chữa trị để phòng hậu họa nha.

Tất nhiên teen còn có thể tìm thấy thêm vô số những kiểu mô tả, ví von tưởng chơi mà thật này như “buồn thúi ruột”, “mặt dày như cái thớt”, “thơm điếc mũi”, “nhức đầu bưng bưng”, “ngán tận cổ”…

Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN

BẠN CÓ NHỮNG THẮC MẮC KHÔNG BIẾT HỎI AI?

Bạn có những thắc mắc liên quan đến vấn đề tâm sinh lí, hãy mạnh dạn gửi câu hỏi của mình về địa chỉ: phongmachmuctim@gmail.com. Những thắc mắc của bạn sẽ được Mực Tím gửi đến các chuyên gia.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: