Du lịch hè - sao cho "khỏe re"?

avatar BS ĐỖ MINH TUẤN

Thứ năm, 30/06/2022 15:32 (GMT+7)

Những chuyến du lịch sẽ đưa ta đến những vùng đất mới, hứa hẹn nhiều thú vị nhưng cũng nhiều thử thách cho sức khỏe. Những “thử thách” này đến từ việc di chuyển, thay đổi môi trường, thực phẩm, nguồn nước lạ, bệnh truyền nhiễm địa phương...

Cùng điểm qua từng thử thách, kèm theo là cách xử lí trong tầm tay:

Chống say xe, lệch múi giờ

Ngay từ vòng lên xe, nhiều bạn đã bị “phủ đầu” với chứng say tàu xe, khi vừa bước xuống xe lại đối mặt với chứng lệch múi giờ, sốc thay đổi thời tiết.

Mẹo cho bạn:

+ Chống say xe với thuốc chống nôn, nên uống trước khi khởi hành 10 - 15 phút. Ngoài ra, không nên ăn quá no, mở cửa sổ xe, tranh thủ ngủ để quên đi cảm giác khó chịu.

+ Chống lệch múi giờ với thuốc gây ngủ nhẹ (melatonin), tắm nắng sớm, ăn nhiều đạm, tránh chất kích thích như trà, cà phê...

@ HỘI CHỨNG TIÊU CHẢY

Ẩm thực là thú vui “đinh” của mọi cuộc du lịch, tuy nhiên cũng vì chúng mà các vụ trúng thực luôn là nỗi ám ảnh của du khách. Những người có hệ đường ruột khỏe vẫn có thể dính đòn tiêu chảy bởi hệ tiêu hóa “trở tay không kịp” với món ngon vật lạ, nguồn nước.

Mẹo cho bạn:

+ Phòng tránh căn bản vẫn là ăn chín, uống sôi. Nói không với thức ăn sống hoặc nấu đi nấu lại. Cẩn trọng với tiệc buffet bởi lúc này bạn rất khó cầm lòng các món ngon.

+ Dùng bữa ở các quán ăn, nhà hàng uy tín, tránh lê la quán cóc vỉa hè. Mẹo là nên tham khảo người địa phương, bạn bè.

+ Cố gắng kiềm chế với các món đặc sản độc lạ, nhất là đồ biển bởi nguy cơ trúng thực và trúng độc cao hơn.

+ Dùng hoa quả tươi, tự mình gọt vỏ.

+ Đặc biệt cảnh giác với rau xanh bởi là đối tượng dễ phơi nhiễm nguồn nước lạ, ổ vi khuẩn, kí sinh trùng lạ lẫm ở địa phương.

+ Nên dùng nước đóng chai mang theo, hạn chế dùng nước ở địa phương, nhất là nước chưa đun sôi, nước đá...

+ Nếu chẳng may dính tiêu chảy, xử lí với oresol, thuốc tiêu chảy (loperamide, peptobismol, codein...). Nếu không phải tiêu chảy nhiễm trùng thì nên uống thuốc cầm tiêu chảy để tiếp tục hành trình thăm thú.

Tủ thuốc "dã chiến"

Một túi thuốc dã chiến là không thể thiếu trong balo du lịch của mọi du khách. Túi thuốc du lịch không thể thiếu gồm: thuốc say tàu xe (dimenhydrinate, nautamine...), thuốc tiêu chảy (loperamide, peptobismol, diarsed...), thuốc dị ứng (brompheniramine, clorpheniramin...), thuốc hạ sốt, ho, cảm mạo (paracetamol, bromhexin hydroclorid...), thuốc sát trùng (povidine, betadine) băng gạc, kem chống côn trùng (diethyltolumide...).


Đối mặt với "tụi" côn trùng

Ngoài lạ nước lạ cái, du khách còn đối mặt với đám “thổ địa” côn trùng, ve, bọ, nhất là muỗi, không thiếu các “đầu gấu” sinh sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não Nhật Bản B.

Mẹo cho bạn:

+ Chống côn trùng cắn với kem thảo dược hoặc Deet, thuốc kháng histamine. Mặc quần áo dài, vớ chân, ngủ mùng, ngủ lều.

Ngáo ộp "rừng thiêng nước độc"

Sốt rét là mối lo canh cánh của khách du lịch, nhất là du lịch hoang dã, trèo đèo lội suối, mạo hiểm... Ngoài phòng muỗi đốt nên thủ thuốc phòng sốt rét (mefloquin, chloroquine...) và nên có thêm hướng dẫn của bác sĩ.

Tiêm ngừa trước khi lên đường

Tiêm ngừa trước cần tính đến khi nơi đến là “quê hương” của một bệnh truyền nhiễm, hoặc đang xảy ra trận dịch, như Covid-19 là ví dụ. Các vắc xin “hợp rơ” mùa du lịch là vắc xin cúm, viêm não Nhật Bản B, thương hàn, viêm phổi phế cầu, viêm gan A/B, tiêu chảy rotavirus, Covid-19...

Biết mình biết ta

Ngoài ứng phó chung, thì những bạn có sẵn các bệnh về hen suyễn, tim mạch, dạ dày, viêm khớp, khí phế thủng... cần thu xếp kĩ hơn, mang theo thuốc dự phòng. Ngoài ra, cũng cần nói thêm yếu tố độ cao mùa du lịch. Những bạn sợ độ cao, có vấn đề về hô hấp tốt nhất nên suy nghĩ thật kĩ trước khi quyết định tham gia tour leo núi, đến vùng cao hoặc chơi những trò chơi cảm giác mạnh...


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: