Đôi giày xanh lá quách

Thứ sáu, 08/03/2019 10:51 (GMT+7)

Nhìn đôi giày xanh như những chiếc lá quách đang mỗi lúc một gần cô.

1. Buổi học phụ đạo Ngữ văn kết thúc, Phương mang ba lô, một tay cầm ô, một tay cầm cốc cà phê còn nóng, đi trên con phố thân thuộc.

Đột ngột, cốc cà phê rơi xuống, chiếc ô cũng bị thả rơi.

Phương quỵ xuống, một tay chống lên vỉa hè, một tay đặt lên ngực. Lồng ngực cô quặn thắt. Cơ thể cô nặng nề như đang mang đá tảng. Sức lực của cô như bị ai lấy mất, cô không làm gì được, không cử động được, không nói được, ngay cả thở, cô cũng không làm được. Việc mà cô có thể làm đơn giản là ở yên đấy, và nhìn. Nhìn mưa rơi. Nhìn phố phường tĩnh lặng. Nhìn đôi giày xanh như những chiếc lá quách đang mỗi lúc một gần cô. Và rồi, cô ngất, trên một vũng nước mưa lạnh lẽo, vẩn đục.

2. Đêm. Những hạt mưa nặng trĩu đập vào mái tôn, vang lên âm thanh, rõ ràng, đều đặn. Gió lao xao, lay những cành cây mỏng manh, hất những cành hoa yếu ớt. Dế rỉ rả lúc gần, lúc xa. Mặc dù Phương đang trong trạng thái nửa tỉnh, nửa mơ, nhưng cô vẫn nghe được những âm thanh ấy. Thế rồi, cô mở mắt. Cô thấy căn phòng nhỏ với những thứ không thể thân thuộc hơn: chiếc bàn học cũ được phủ một tấm vải xanh như bầu trời buổi sớm, chiếc tủ quần áo hơi nghiêng về phía sau, tấm rèm có màu của những áng mây lúc chiều muộn... Phương ngạc nhiên. Rõ ràng là cô đã lên cơn đau tim và ngất trên đường kia mà? Cô đã về nhà bằng cách nào? Ai đã đưa cô về? Phương đã hỏi bản thân như thế. Khẽ khàng ngồi dậy, Phương cố gắng nhớ lại những gì đã xảy ra, nhưng không được.

“Phương, dậy, ra ngoài ăn chút cơm rồi uống thuốc nè con”. Mẹ Phương mở cửa phòng, nhẹ nhàng nói với cô.

“Mẹ... Sao con về nhà được vậy mẹ?”- Phương hỏi. Giọng cô nhẹ như cánh hoa chạm vào mặt nước.

Cô vẫn còn rất yếu.

“Bạn con. Nó nói vậy. Nó đưa con tới nhà rồi về luôn. Mẹ không kịp hỏi tên của nó”. Bà cười, rồi đóng cửa phòng, để lại Phương ngồi trên giường, ngơ ngác, ngây ngốc.

Có khi nào là người đi giày xanh kia không?

3. “Con bị bệnh tim bẩm sinh. Bây giờ bố mẹ đi vay thì không ai cho vay hết, mà làm lụng thì đến khi nào mới có đủ tiền mổ tim cho con... Số phận đã định vậy, con ráng chịu, nghen con”.

Bố Phương đã nói vậy với Phương, vào năm Phương chín tuổi. Phương đã ngỡ ngàng. Đã lo lắng. Đã sợ sệt. Và đã bật khóc. Phương không làm được gì cả.

Ngay cả bây giờ, cô cũng không làm được gì.

Phương đã thử viết mấy chữ “sức khỏe” lên giấy màu, gấp thành một con thuyền, thả trôi sông. Phương mong rằng mình sẽ sớm mạnh khỏe. Nhưng điều ấy mãi là mơ ước của riêng cô.

4. Phương mang ba lô, để hai tay trong túi áo khoác, chậm rãi bước vào phòng học. Như, bạn của Phương, đứng ở hành lang, thấy Phương có vẻ mệt mỏi, hỏi ngay: “Mày sao vậy?”. Nhưng Phương không trả lời. Chính xác là cô không còn tâm trí để mà trả lời Như. Nhẹ nhàng để cặp lên bàn, cô ngồi xuống ghế, thở hắt. Căn bệnh của cô vẫn còn đấy. Nỗi lo vẫn còn đấy. Những tờ tiền thấm ướt đẫm mồ hôi của bố mẹ cô cũng được thả vào đấy. Phương không làm được gì cả.

“Mày lạ quá”. Như ngồi vào chiếc ghế còn trống bên cạnh Phương, đẩy vai Phương, để cô nhìn nhỏ. Nhỏ có vẻ lo lắng: “Nói tao nghe đi”.

“Mày không hiểu được đâu”. - Phương nhún vai rồi đứng lên, bước ra hành lang, nhìn vào một điểm không xác định trong không trung. Cô để mặc Như ngồi đấy, nhìn theo cô, ngơ ngác. Như vẫn chưa biết Phương bị bệnh tim. Mà tốt nhất, Như không nên biết. Phương không muốn người khác biết đến nỗi buồn của cô. Không muốn người ta chạm vào nó. Không muốn người ta cắt nó thành hai phần, một phần nhỏ, một phần lớn, rồi người ta lấy phần lớn. Phương muốn giữ lấy những nỗi buồn ấy. Cất nó vào chiếc tủ tâm hồn.

Rồi khóa chặt, không cho ai chạm vào nữa. Kể cả bố mẹ cô, nhưng thật tiếc, bố mẹ cô đã biết, đã chạm, và đã bị nhiễm nỗi buồn ấy rồi.

5. Thầy giáo chỉ vào sơ đồ mô tả con đường chuyển hóa giả định đã được gắn trên bảng bằng nam châm, giảng về vai trò của enzyme trong quá trình chuyển hóa vật chất. Cả lớp đều tập trung nghe. Trừ Phương. Cô mơ màng nhìn lên bảng, thở dốc, cơ thể run nhè nhẹ. Khang, cậu bạn ngồi cạnh cô, nhìn sang, vỗ vai cô, hỏi rằng cô đang mệt à. Cô gật đầu. Thế là Khang đứng lên, xin thầy giáo cho Phương nghỉ một tiết, rồi đưa Phương vào phòng y tế.

Gió thổi nhè nhẹ. Phương đi trên hành lang mà hai chân run rẩy, nặng nề, tưởng chừng không thể đi nổi. Khang đi bên cạnh, hai tay giữ chặt hai bờ vai của Phương, có vẻ chật vật.

“Lẽ ra cậu phải nói với giáo viên là mình không khỏe chứ. Cậu không biết quan tâm đến mình gì cả”. Khang đã nói như thế, lúc Phương đang ngồi trên giường, đợi cô nhân viên y tế lấy thuốc. Rồi cậu ấy rời khỏi phòng y tế, không để Phương kịp nói bất cứ điều gì.

6. Mẹ Phương trở về nhà, để nồi bánh canh lên chiếc bàn gỗ giữa sân, rồi ngồi xuống chiếc ghế đã được để sẵn ở đấy. Phương đứng trong nhà, thấy mẹ có vẻ bực, biết là mẹ bán bánh canh không được, nên không hỏi gì. Rót một cốc nước đầy, cô bước đến, lặng lẽ để cốc trên bàn, rồi rời đi.

“Bữa nay mẹ không có mua gạo”. Mẹ Phương nói chậm, không nhìn Phương: “Có đói thì ăn bánh canh”.

“Dạ”. Phương đáp. Rồi tự dưng, cô khóc.

7. Bệnh của Phương đã nặng. Cơ thể Phương đã yếu. Và Phương đã nghỉ học, ở nhà, gần như là nằm liệt giường. Đấy là điều không thể tránh khỏi, bởi lẽ, điều gì đến thì sẽ đến, điều gì đi thì sẽ đi.

Giáo viên chủ nhiệm và bạn bè của Phương đã đến thăm Phương, nhưng chỉ trong một buổi, rồi không đến nữa. Phương đã nghĩ rằng mình cô đơn. Cho đến một ngày nọ, Khang đến. Cậu ấy tặng Phương một túi bánh mì ngọt và một quả xoài đã chín, hát vu vơ cho Phương nghe, kể vài chuyện vớ va vớ vẩn làm Phương cười. Khang không kể chuyện ở lớp, vì sợ Phương nhớ lớp, rồi buồn. Cậu cũng chẳng hỏi han gì đến sức khỏe của Phương cả, vì không muốn nhắc đến những chuyện không vui.

Khang và Phương bên chiếc bàn gỗ được đặt giữa sân, gần chiếc xe đạp của Khang, dưới tán bàng xanh lục, nói chuyện nhẹ nhàng. “Cậu thật kì quặc. Cậu luôn tỏ ra bình thản, nhưng mà những nỗi lo của cậu đã hiện hết trên mặt cậu rồi”. Khang nhìn những chiếc lá bàng đang đong đưa, nói với Phương: “Cậu đang cố gắng che giấu cảm xúc, để người khác không quan tâm đến cậu, tớ biết. Nhưng mà việc ấy không tốt như cậu nghĩ đâu. Cậu sẽ phải chịu thiệt thòi. Nên là cậu cứ nói thẳng...”.

“Cậu không hiểu đâu”. Phương cắt ngang lời Khang.

“Tớ không hiểu, nhưng mà tớ có thể giúp cậu cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Cậu đừng gồng lên nữa”. Khang nói vội.

Ừ, cậu nói đúng, tớ đã gồng lên, gắng gượng chịu đựng suốt nhiều năm qua, Phương nói. Nhưng lại là nói với bản thân, không phải là nói với Khang.

“Với tớ, cậu còn hơn cả một người bạn”.

Khang nhìn Phương: “Cậu có còn nhớ lần mà tụi mình lau cà phê trong thư viện không?”.

Lần ấy, Phương và Khang đang học lớp Chín. Phương đứng trước tủ sách, tìm cuốn Sự im lặng của bầy cừu. Khang ngồi bên bàn, đọc một cuốn tạp chí về Toán học. Thấy mỏi vai, cậu vươn vai. Thế là vô tình, cậu hất cốc cà phê của cô thủ thư. Cà phê đổ ra sàn. Khang lóng nga lóng ngóng, không lau sạch cà phê, nên Phương phải đến giúp. May mắn cho Khang là trong thư viện chỉ có hai người. Vì nếu không, Khang chắc chắn sẽ bị mắng. Khang đã cảm ơn Phương ba lần vì điều đó.

Phương đã nhớ ra rồi.

“Thế nhé. Tớ phải đi tập đá bóng rồi”. Khang mỉm cười. Cậu đứng lên, vào trong nhà, chào bố mẹ Phương.

Bấy giờ, Phương mới để ý, trong giỏ xe của Khang có một đôi giày.

Một đôi giày xanh lá quách.

TRẦN VẠN NINH

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: