Đi chơi hè làm sao để "vui vẻ không quạu"?

avatar BS ĐỖ MINH TUẤN

Thứ ba, 12/07/2022 15:15 (GMT+7)

Đang đi du lịch vui vẻ mà kì nguyệt san ập đến, bụng ấm ách khó chịu vì ngồi xe lâu, giấc ngủ chập chờn... khiến bạn không thể thoải mái tận hưởng kì nghỉ. Làm thế nào để “vui vẻ không quạu” với những chuyến lên rừng xuống biển?

Hỏi: Năm rồi mình đi biển cùng cả lớp, đang chơi vui ơi là vui thì kì kinh “đánh úp”, mình vừa đau bụng vừa “quạu”, không thể hết mình với những trò chơi vận động cùng chúng bạn, cũng không dám tắm biển, tắm hồ bơi... Có cách gì tạm hoãn kì nguyệt san không ạ?

Thu Thủy (TP.HCM)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Thật ra việc đình hoãn kì nguyệt san bằng hormone progesterone (thực chất là thuốc ngừa thai) không gì khó. Có điều cần hướng dẫn của bác sĩ, quan trọng là chọn đúng liều và dùng trước kì kinh ít nhất 7 ngày. Nếu chỉ cần kì kinh “nhẹ nhàng” thì bạn có thể dùng tạm nước chanh, giấm táo, mùi tây, rau răm..., tất nhiên hiệu quả không bì được với thuốc.

Hỏi: Hễ ngồi xe đi đây đi đó là mình bị táo bón, không đi ngoài được nên bụng ấm ách khó chịu. Có cách nào hóa giải chuyện khó nói này không?

Trương Khánh (Tiền Giang)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Căng thẳng, nhịn đi ngoài, lười uống nước (vì ngại WC) là thủ phạm của nạn khó đi ngoài, có khi “di hại” đến tận mấy ngày sau. Bạn có thể uống giấm táo, trà gừng, men tiêu hóa (uống trước khi đi), mang theo trái cây như lê, dâu tây, táo, chuối, hoặc dùng gói pha sẵn... để nhâm nhi trên xe. Tranh thủ massage bụng theo chiều kim đồng hồ, và tận dụng mọi cơ hội vận động.

Hỏi: Mình thuộc diện ăn nắng khủng khiếp, lần nào đi chơi biển cũng đen như than. Nghe nói có loại thuốc uống chống nắng, không biết hiệu quả có như kem chống nắng không ạ?

Thanh Thảo (TP.HCM)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Có thuốc uống chống nắng được làm từ một loại dương xỉ nhưng hiệu quả khá khiêm tốn, với mức SPF 3-5, trong khi kem chống nắng kém nhất cũng đã có SPF 15-30. Nhưng bạn nào lười, có thể “trong uống ngoài thoa”, kết hợp cả hai. Để chống nắng hiệu quả, bài cũ vẫn là: kem chống nắng, mũ nón, bóng râm... bạn nha.

Hỏi: Mỗi lần đi chơi xa bằng tàu xe, nhìn người ta ngủ thấy ham còn mình thì tỉnh như sáo. Và mình rất mệt khi đến nơi. Làm thế nào để “thần ngủ” đến với mình?

Anh Nguyên (TP.HCM)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Háo hức, ồn ào, giằng xóc là những thứ “chọc ngoáy” giấc ngủ trên xe. Khó ngủ còn làm khổ thêm những bạn mắc chứng say xe. Có nhiều cách dỗ ngủ trên xe, cần “hiệp đồng” từ việc chọn chỗ (gần cửa sổ, ghế ngả sau...), quần áo thoáng, gối chữ U, đến tai nghe (chống ồn + nhạc ngủ). Ngoài ra cần tránh cà phê, bia rượu và mọi thứ chộn rộn bụng dạ như đồ cay, thức uống có gas, thức ăn mặn...

Hỏi: Mình rất ngại dùng đồ của khách sạn nên mang đủ thứ vật dụng riêng, thành ra bị bạn bè bảo là cuồng sạch sẽ...

Thanh Hằng (Bình Dương)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Thật ra bạn lo xa không thừa bởi không phải khách sạn nào cũng chu đáo về vệ sinh. Khi nhận phòng nên kiểm tra ngay những thứ dễ bị bẩn, nhất là vải giường, khăn tắm, bàn chải đánh răng... Khi đi chơi, bạn nên mang riêng bộ đánh răng, chai sát khuẩn... để làm sạch tay nắm cửa, bộ remote TV... bởi dịch bệnh vẫn còn. Vì an toàn cho bản thân, chịu khó mang hành lí nặng một chút vẫn hơn.

Hỏi: Những lần đi chơi trước, mình bị “chơi khăm”, tính là trời lạnh nhưng đến nơi hóa ra nắng đổ lửa, khiến mình bị hớ vì chuẩn bị toàn áo ấm...

Thủy Tiên (TP.HCM)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: “Việt vị” trong việc chọn trang phục vừa khiến cuộc đi chơi lỡ làng, vừa có thể khiến chúng ta rước bệnh vào người (mặc phong phanh giữa trời lạnh dễ bị bệnh). Thời tiết không biết đâu mà lần, “chắc cú” thì nên trang bị quần áo bốn mùa, hoặc chọn kiểu đa năng một chút, chẳng hạn như áo phông + áo khoác = áo ấm. Chịu khó theo sát dự báo thời tiết, tham khảo trước người địa phương... nữa bạn nha.

Hỏi: Mỗi lần đi máy bay là mình lại phát ốm với chứng ù tai, phù chân. Năm nay lại bay, mình lo lại gặp “cố nhân”.

Phương Thủy (TP.HCM)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Nhiều hành khách “đi mây về gió” khổ sở với chứng ù tai. Những bạn có cấu trúc tai (eustache) nhỏ, cảm lạnh, viêm mũi dị ứng, viêm xoang rất dễ thành “khổ chủ”. Vô số chiêu hóa giải khó chịu này như ngáp, nuốt nước bọt, nhai kẹo cao su, nhỏ thuốc thông mũi, thủ thuật (bịt mũi/hớp không khí/ngậm miệng lại)... Phù chân cũng là nỗi bứt rứt khác, xử lí đơn giản hơn bằng cách mang tất áp lực y tế, hoặc tất thun thời trang size nhỏ cũng được.

Hỏi: Nghĩ tới lần tắm biển trước bị sứa cắn là mình lại phát sốt. Năm nay, cả nhà lại chọn biển, không biết có nếm mùi “thương đau” lần nữa không đây, hu hu?

Khánh Nhi (An Giang)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Bị sứa cắn nhẹ chỉ phản ứng ngoài da, nặng có khi tím tái, vã mồ hôi, đau đầu, tụt huyết áp, tử vong. Sơ cứu bằng cách rửa nước muối, nước biển (không dùng nước ngọt/nước đóng chai), hoặc giấm, cốt chanh, amoniac, cồn soda, thuốc dị ứng, kem corticoid..., tùy điều kiện mà chuẩn bị túi thuốc chống sứa. Tốt nhất đừng để sứa cắn bằng cách tránh xa vùng biển truyền thống có sứa, theo dõi mùa xuất hiện sứa, lên bờ ngay khi có người bị sứa “hỏi thăm”...

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: