Đến chùa Lá học kĩ năng cùng sinh viên

Thứ tư, 30/05/2018 23:01 (GMT+7)

Các lớp ngoại ngữ miễn phí tại chùa Lá (Gò Vấp, TP.HCM) trở nên nhộn nhịp hơn vào cuối tuần với sự xuất hiện của một lớp học mới – Lá Lá Land (vùng đất của lá).

Đây là lớp kỹ năng do sinh viên CLB Tình nguyện IR4C (Khoa Quan hệ Quốc tế, ĐH KHXH&NV) tổ chức dành cho các em đang theo học tại chùa Lá trong thời gian từ 14/4 – 20/5. Cái tên Lá Lá Land được lấy cảm hứng từ chính tên chùa Lá lồng ghép với thông điệp hướng về môi trường.

Dạy những gì các em thích

Tại Lá Lá Land, hay thường được gọi là lớp Lá, tiếng Anh là trọng điểm bên cạnh đó còn có các môn khoa học – tái chế, thủ công và nấu ăn.

Bạn Đức Anh (trưởng Ban Tổ chức) chia sẻ: “Trước khi chính thức chạy chúng mình đã khảo sát xem các em thích học gì, một số em thích khoa học thí nghiệm, một số lại thích cắt xé thủ công… Ngoài ra, chúng mình cũng dựa trên kinh nghiệm từ các lớp học đã tổ chức trước đó”.

Giờ học thủ công đầy sắc màu

Đối với môn tiếng Anh lớp tập trung vào kĩ năng nói và giao tiếp. “Quan sát các lớp ngoại ngữ của chùa chúng mình thấy các em khá về từ vựng và ngữ pháp nhưng rất rụt rè khi thực hành” – Đức Anh thông tin thêm.

Tại lớp tái chế của Lá Lá Land, các em được hướng dẫn làm sổ tay từ những vật phẩm đã qua sử dụng. Thành quả các em nhận được sau một giờ kiên nhẫn là cuốn sổ tay cho riêng mình đã được các tình nguyện viên (TNV) lồng sẵn những trang “to do list” và quản lý thời gian. Món quà nhỏ sau giờ học cũng đủ làm vui lòng các cô cậu học trò. “Em thích lớp tái chế nhất vì học xong em được nguyên cuốn sổ!” – bé Tấn Lộc bộc bạch.

Các em học sinh tại chùa Lá tỏ ra thích thú với những môn học khác biệt

Bé Bảo Hân kể: “Lớp khoa học chúng em được làm thí nghiệm thổi bong bóng không dùng miệng, núi lửa phun trào và máy lọc nước”. Đức Anh cho hay: “Nhiều em nói ở trường không được làm thí nghiệm vì thế chúng mình quyết định đưa vào nhiều nhất có thể các hiệu ứng khoa học vui. Riêng ở thí nghiệm lọc nước, chúng mình lấy nước từ chính con kênh trước chùa Lá để lọc vừa để hiểu quá trình vừa giúp các em nhận thức sự ô nhiễm”.

Giờ nấu ăn, món cơm cuộn được lựa chọn như một phương pháp rèn sự tỉ mẩn. Học sinh sẽ làm cùng nhóm sau đó đem thành phẩm đi thi và thuyết trình về ý nghĩa món ăn. Tương tự, thủ công cũng là môn học khiến các em “ngồi yên” vì phải tập trung cao độ thao tác với giấy màu để tạo nên những con vật đẹp hơn nhóm khác.

“Thầy” và “trò” cùng học

Chia sẻ về mục đích của dự án, Đức Anh cho biết chương trình nhắm tới hai đối tượng: các em ở chùa Lá và TNV. Chính vì vậy, Lá Lá Land không chỉ là lớp học cho các em mà còn cho cả các “giáo viên tay ngang” không có gì nhiều hơn lòng nhiệt tâm truyền tải tri thức.

Xuất phát từ quan điểm “lá lành đùm lá rách”, bạn Nguyễn Thành Ý (sinh viên năm nhất ĐH Sư Phạm TP.HCM) quyết định tham gia nhưng chính bản thân Thành Ý cũng không ngờ Lá Lá Land lại tác động đến mình rất sâu sắc, tại lớp Lá lần đầu tiên một thầy giáo tương lai được chính thức đứng lớp.

Các môn học thiên về tính thực hành giúp các em có cơ hội trải nghiệm

“Trong các em có những trường hợp khá cá biệt và để xử lý thành công những đối tượng này thì mình cũng học được sự kiên nhẫn luôn. Chương trình rất phù hợp với ngành mình học là được trực tiếp giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho nhiều độ tuổi khác nhau từ bé tí đến U13” – Thành Ý đã rất đắn đo để chọn ra những điều tiêu biểu nhất trong số rất nhiều điều đã học được.

Để tiến hành được một thí nghiệm trên lớp, Ban Chủ nhiệm và TNV phải tìm hiểu rất nhiều, tham khảo trên các kênh nước ngoài và làm thử trong buổi họp, “cái nào không ổn là bỏ ngay tìm cái mới cho kịp”.

Những nội dung về môi trường được đưa vào bằng hình thức phù hợp

Sớm nhận ra lớp có khá nhiều vấn đề nên sau hai buổi học đầu đã có sự phân loại tính cách và chia đều các em thành năm nhóm. Mỗi em có sổ liên lạc để ghi lại cảm nhận của mình sau tiết học, cuối sổ là trang lá may mắn ghi nhận cố gắng của các em.

“Làm bạn với trẻ con thích lắm, nhưng cũng dở khóc dở cười”

Thành Ý khoe “đã học được cách trò chuyện cùng mấy nhóc” với vẻ tự hào hệt khi nói về một thành tích rất lớn lao.

Vì các em ở độ tuổi khác nhau và cũng còn khá nhỏ nên với những TNV trẻ còn non yếu trong việc quản lý con người thì nhiều tình huống dở khóc dở cười đã xảy ra.

Từ những ngày đầu gặp rắc rối với bé Mai Anh hay viện cớ "nhìn anh tóc dài em không thích nên em không học”, Thành Ý đã học được sự kiên nhẫn chờ tới khi Mai Anh đi học đều đặn và không còn ghét “anh tóc dài” nữa.

Thành Ý cũng không quên nhắc tới nhân vật thường xuyên “quẩy tung nóc” lớp Lá – bé Thành – “người thì ốc tiêu nhưng âm lượng như loa cỡ lớn”.

Lá Lá Land chú trọng đối thoại, phát huy tiếng nói và tính sáng tạo của học sinh

Có trường hợp em Đức Hải, những hôm đầu không tham gia học tiếng Anh vì lý do “không thích”, chỉ ngồi một góc. Nhưng đến vòng loại cuộc thi nói của lớp, em đã tham gia thi và hoàn thành bài nói khá mượt mà, khiến mọi người đều bất ngờ.

“Nhiều em tính hay nhõng nhẽo, chỉ muốn được quan tâm đặc biệt nên chỉ với anh chị thôi thì bình thường nhưng khi mấy bạn khác đến là nó ngồi im re không nói năng gì” – Đức Anh vừa cười vừa kể chuyện “học trò” mình.

Dù chỉ kéo dài trong một tháng, nhưng Lá Lá Land đã để lại nhiều ấn tượng trong người học và cả người dạy. Tổng kết lớp học là vòng chung kết cuộc thi nói tiếng Anh ngoài ra các em sẽ được tham quan công viên vào thứ bảy cuối cùng của lớp.

HIẾU TIÊN

Nguồn ảnh: CLB tình nguyện IR4C

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: