"Dậy sóng" cộng đồng mạng với clip giảng viên Mỹ chỉnh tiếng Anh cho người Việt

Chủ nhật, 20/08/2017 23:09 (GMT+7)

Tính đến thời điểm hiện tại, đoạn clip Khi người Mỹ nghe tiếng Anh của người Việt do giảng viên Dan Hauer thực hiện đã đạt hơn 1,5 triệu lượt người xem, kèm theo đó là hàng trăm ngàn bình luận gây "dậy sóng" cộng đồng mạng.

Đoạn clip gây tranh cãi

Trong đoạn video, thầy Dan đã lấy những đoạn hội thoại do thầy cô người Việt đến từ nhiều trung tâm tiếng Anh khác nhau làm ví dụ minh họa, thử xem bố mẹ mình - người Mỹ bản xứ có hiểu được nội dung không. Kết quả khá bất ngờ khi bố mẹ của thầy Dan đều không hiểu được phần lớn những câu tiếng Anh trong clip, vì người Việt đã mắc lỗi phát âm cơ bản như quên âm cuối, phát âm sai, nhấn sai trọng âm...

Ngay lập tức, cư dân mạng đã bùng nổ tranh cãi theo hai hướng: Một là ủng hộ thầy Dan và quay sang nghi ngờ kiến thức tiếng Anh, nhất là kĩ năng giao tiếp hiện đang được các thầy cô người Việt dạy tại các trung tâm ngoại ngữ. Hai là lên tiếng phản đối vì thầy Dan đã dùng cách thức cạnh tranh không lành mạnh, "dìm" thầy cô người Việt xuống để thu hút học sinh đến lớp mình học nhiều hơn. Việc này không chỉ kích động teen buông những lời lẽ không hay mà còn gây hoang mang cho những bạn học tiếng Anh ở các trung tâm khi sự việc chưa thực sự rõ ràng.

Sau đó, thầy Dan cũng đã có đoạn clip phản biện việc bị nghi ngờ là cạnh tranh không lành mạnh, phía trung tâm Anh ngữ E. (đối tượng ví dụ xuất hiện trong clip của thầy Dan) cũng có clip xin lỗi các học viên. Hai đoạn clip này lại tiếp tục "gây bão" trong cộng đồng mạng lần 2.


Ý kiến của teen

Bạn Huỳnh Nhi (Q.12): "Thầy ấy chỉ ra cái sai là đúng, để người Việt mình thay đổi nhận ra lỗi sai chứ không vì mục đích bóc mẽ. Thay vì tranh cãi thì cứ nhìn học tập để sửa đổi sẽ tốt hơn".

Bạn Thùy Linh (Q.Tân Bình): "Nhận xét riêng về clip trung tâm Anh ngữ E. xin lỗi học viên: Đương nhiên là không ai hoàn hảo cả. Tuy nhiên, khi đã quyết định phổ biến một điều gì đó, đặc biệt là về giáo dục có ảnh hưởng lớn thì cần phải kiểm duyệt kỹ càng. Trung tâm có giáo viên bản xứ, tại sao không demo cho họ nghe trước, nhận phản hồi rồi hãy làm?"

Bạn Gia Huy (Q.5): "Theo mình, thầy Dan kia muốn chỉ ra lỗi sai cho người học chứ không phải muốn hạ bệ ai. Tuy nhiên, việc phát âm tiếng Anh chưa chuẩn là tình trạng của số đông người Việt hiện nay khi giao tiếp nên mình nghĩ sẽ tốt hơn nếu thầy ấy chọn đối tượng khác hoặc che mặt nhân vật lại để làm ví dụ, thay vì đưa dẫn chứng cụ thể là giảng viên của trung tâm anh ngữ E. thì sẽ không gây hiểu lầm, dẫn đến chuyện "đụng độ" không hay xảy ra như mấy ngày qua".

Góp ý cũng cần tế nhị

Ông bà xưa có câu "thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng" và thầy Dan đã áp dụng đúng trong trường hợp này, là đưa ra ví dụ cụ thể để chỉ rõ cái chưa chuẩn của người Việt khi học tiếng Anh. Tuy nhiên, đôi khi thuốc đắng quá, chưa kịp thấm để phát huy tác dụng trị bệnh thì lại khiến người uống phải nhăn mặt khó chịu. Chỉ cần góp ý một cách tế nhị hơn, có thể là che mặt nhân vật ví dụ trong clip như gợi ý của bạn Gia Huy, thì ắt hẳn đoạn clip của thầy Dan sẽ nhận được sự ủng hộ đông đảo của teen rồi phải không?

Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ biết cách đón nhận những lời góp ý của ai đó về những điểm chưa hay ở bản thân theo hướng tích cực, từ đó cố gắng khắc phục và hoàn thiện mình hơn (chẳng hạn như phát âm tiếng Anh chuẩn hơn). Đồng thời bỏ túi thêm một kinh nghiệm trong việc nhận xét một cách tế nhị, khéo léo về người khác để không làm mất lòng họ nhé!

Có thể bạn chưa biết?

Việc đọc tiếng Anh chưa chuẩn so với người bản xứ không chỉ xảy ra với người Việt mà với nhiều đất nước khác cũng vậy. Chẳng hạn ở Thái Lan, từ cartoon sẽ được đọc thành "cạc-tun" chứ không giống cách đọc của người Anh hay Mỹ bản xứ. Ở Singapore cũng có cách phát âm tiếng Anh, sử dụng cấu trúc... theo kiểu của dân địa phương nên mới có ngôn ngữ Singlish (nói tôi đi ăn trưa theo đúng kiểu người Singapore là "I go eat lunch", lạ quá hén)... Với lại, đặc thù của tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập còn tiếng Anh là ngôn ngữ hòa kết nên cách phát âm về cơ học cũng đã khác nhau rất nhiều. Chính vì thế chuyện phát âm chưa chuẩn cũng là điều bình thường nên để phát âm được như người Anh - Mỹ bản xứ thì cần rất nhiều sự cố gắng của người học trong thời gian dài. Bí kíp là bạn nên xếp lịch học xen kẽ giữa thầy cô người Việt và giảng viên nước ngoài. Vì thầy cô người Việt cũng từng trải qua việc học ngoại ngữ nên có thể giúp bạn nhận thức rõ những khó khăn thường gặp trong quá trình học và giảng viên nước ngoài sẽ hỗ trợ bạn khắc phục điểm yếu đó.

DIỄM THƯ



Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: