Đấu tranh sinh học - biện pháp “trừng trị” các sinh vật gây hại

Thứ tư, 07/09/2022 22:15 (GMT+7)

Vỏ quít dày thì có móng tay nhọn. Động vật này “quậy phá” thì có động vật khác “trị” liền. Trong thế giới động vật, có các loài mang vai trò là “lực lượng bảo vệ”. Lực lượng này có khả năng tiêu diệt hoặc áp chế các động vật gây hại khác.

Các bạn có nhớ đến cụm từ “Đấu tranh sinh học” không? Đây là những biện pháp sử dụng các Thiên địch (sinh vật tiêu diệt sinh vật có hại), gây bệnh truyền nhiễm và gây vô sinh ở động vật gây hại nhằm hạn chế tác động gây hại của sinh vật gây hại. Trong đó bao gồm những biện pháp như sử dụng sinh vật tiêu diệt sinh vật có hại, sử dụng vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm cho sinh vật gây hại, và gây vô sinh ở động vật có hại.

Trong nông nghiệp, “lực lượng bảo vệ” này được chia thành 3 nhóm: Nhóm bắt mồi ăn thịt, Nhóm kí sinh và Nhóm vi sinh vật gây hại cho côn trùng, sâu. Với các đặc điểm cụ thể, các nhóm được phân công rõ ràng. Hễ thành phần nào gây hại là "tới công chuyện” với “lực lượng” này liền. Giống như trường hợp Bọ trĩ vàng hay làm trung gian chuyên chở virus để gây hại cho một số loại cây. Nhưng Bọ hải tặc tí hon đã xuất hiện, nó có khả năng ăn “nuốt chửng” Bọ trĩ vàng nên đã giúp đỡ nhiều cho việc hạn chế truyền nhiễm virus.

Ở mảng y học, hiện nay cũng đã có những dự án áp dụng biện pháp đấu tranh sinh học. Không ở đâu xa, ngay tại Việt Nam, các chuyên gia đang thực hiện dự án nuôi muỗi Wolbachia để góp phần giảm thiểu bệnh sốt xuất huyết. Điều này được thực hiện bằng cách lai tạo giữa Muỗi chứa vi khuẩn Wolbachia và Muỗi địa phương, từ đó tạo ra Muỗi địa phương chứa vi khuẩn Wolbachia. Sau đó, chúng sẽ được nuôi để thu thập trứng, rồi được đóng gói thành các hộp muỗi để thả và quan sát trong thời gian ngắn.

Hiện tại, thành phố Thủ Dầu Một và Mỹ Tho là hai địa điểm đã được thả các viên nang chứa trứng muỗi Wolbachia đó. Thế các bạn có thắc mắc vì sao lại có sự xuất hiện của vi khuẩn Wolbachia không? Vì chúng có khả năng ức chế virus Dengue, chính là nguyên nhân gây ra sốt xuất huyết đó. Nhờ có”sức mạnh” này, số lượng muỗi chứa Wolbachia đã được nhân lên, góp phần ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết cho cộng đồng.

“Lực lượng bảo vệ” ở động vật quả thực rất hùng hậu đúng không nào? Bên cạnh đó, bệnh sốt xuất huyết đang dần lan rộng kèm theo nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của mọi lứa tuổi. Các bạn hãy lưu ý chăm sóc sức khoẻ để bảo vệ chính bản thân và những người xung quanh nhé. Đừng quên comment những ví dụ về Đấu tranh sinh học mà các bạn biết nữa nha!

Biên soạn: Th.S Lê Thanh Quang, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ

Biên tập: Bảo Vy – Science Stan

(Nguồn Dự án Công tắc khoa học)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: