Cửa hiệu "mắm" thú vị của teen Trần Đại Nghĩa

Thứ tư, 08/08/2018 18:25 (GMT+7)

Vừa qua, câu lạc bộ Văn hóa Việt Nam của trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã giới thiệu văn hóa thông qua một cửa hiệu đặc biệt – cửa hiệu về Mắm.

“Bán” những câu chuyện về mắm

Sau nhiều chương trình khá thành công và nhận được sự chú ý của nhiều bạn trẻ trong và ngoài Trần Chuyên. Để khởi động các chương trình trong năm học mới, các bạn đã thành lập một chuỗi các sự kiện, bài viết online để giới thiệu về mắm – một đặc trưng văn hóa trong ẩm thực Việt Nam. Sở dĩ Mắm được chọn làm chủ đề vì đây là một ý tưởng độc đáo về văn hóa. Đặc biệt, trong ban chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) còn có một thành viên có gia đình truyền thống làm mắm lâu đời, điều này đã giúp ích rất nhiều trong việc tìm hiểu và triển khai các bài viết.

Dù là chương trình online nhưng các thành viên CLB đã đầu tư rất kĩ lưỡng về mặt hình ảnh lẫn chất lượng các bài viết được cập nhật liên tục trên fanpage trong vòng 2 tuần, trước khi năm học mới bắt đầu. Bảo Anh (trưởng ban truyền thông) chia sẻ: “Tụi mình thực hiện dưới hình thức một cửa hàng bán mắm giả tưởng với bạn đọc là các vị khách quí của hiệu. Những thông tin được viết khá ngắn gọn, xúc tích và không gây nhàm chán. Ngoài ra, tụi mình còn thực hiện một video liên quan đến chủ đề. Mắm là một phần không thể thiếu trong các bữa ăn gia đình Việt, và mỗi vùng miền có những loại mắm đặc trưng mà qua đó ta thấy được sự đặc sắc và nét riêng của nền ẩm thực Việt Nam. Chính vì muốn mọi người có thêm vốn hiểu biết về món đặc sản này mà tụi mình đã khởi động chương trình qua hình thức online.”

Chuyện “đi buôn” cũng khó như làm mắm

Bạn Bảo Anh chia sẻ: “Do chúng mình còn khá mới với kiểu giới thiệu như thế này nên lúc mới viết thì hướng viết bài còn chưa rõ ràng cũng như còn hơi sơ sài. Và vấn đề lớn nhất của tụi mình đó chính là phần chỉnh sửa video. Chúng mình không chuyên về phần này nên vẫn còn bỡ ngỡ nhiều. Dần dần, những bài đăng của tụi mình được cải thiện chất lượng về mặt hình ảnh cũng như bài viết do các thành viên “lên tay” khá nhiều. Chúng mình còn nhận được sự ủng hộ của nhiều bạn trong và ngoài trường nữa. Khi chúng mình phỏng vấn các bạn học sinh về chủ đề này thì các bạn rất hứng thú với món ăn truyền thống này. Điều đó cũng khiến chúng mình rất vui và có nhiều động lực hơn”.

“Bên cạnh đó, các thành viên trong CLB Văn hóa Việt Nam muốn cho mọi người biết rằng mắm Việt Nam rất thú vị, có hương vị đặc biệt. Tụi mình muốn lan tỏa tình yêu văn hóa Việt Nam tới tất cả mọi người. Văn hóa ẩm thực nằm trong những điều bình dị như vậy đó. Khi vào năm học, CLB sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình văn hóa để giới thiệu với các bạn học sinh bằng hình thức đa dạng và phong phú hơn”- chủ nhiệm CLB chia sẻ.

Box: Một bài viết thú vị về chuyện làm mắm của “cửa hiệu”

Nguồn nguyên liệu của hiệu được tuyển chọn ra sao?

Làm mắm chắc chắn không thể thiếu cá. Cá làm mắm muốn được ngon thì phải được đánh vào mùa nước lũ vừa rút vào khoảng tháng 2- tháng 4 âm lịch. Chỉ khi đó thì cá mới vừa tươi vừa nhiều để ướp làm mắm.

Cá của hiệu thường là các loại cá tươi được tuyển kĩ càng và phải thông qua những thủ tục được quy định chặt chẽ bởi cấp trên. Ngoài ra, để chất lượng được đảm bảo, hiệu luôn kiểm tra mắm 6 tháng một lần để đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm không chỉ đẹp mắt mà còn ngon vị nữa.

Cá sau khi thu về, ta rửa cá thật kĩ với nước sạch. Sau khi cá được làm sạch thì đến giai đoạn muối cá. Cho cá tươi vào chum, ta bắt đầu muối cá theo tỉ lệ vàng 4:1 (4 cá - 1 muối) rồi để đó trong vòng nửa tháng thì cá bắt đầu phân hủy để ta thưởng thức. Nếu muốn cá "hô biến" hoàn toàn thì ta để đó trong vòng 1 năm và đảo cá đều mỗi 6 tháng.

Đặc biệt, muối của hiệu được nhập chuẩn từ các tỉnh ven biển Đông Nam Bộ nên rất ngon và đậm đà vị biển nữa.

KIM NHUNG

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: