Có nỗi buồn mang tên... vảy nến

Thứ ba, 04/07/2017 21:03 (GMT+7)

Bệnh vảy nến tưởng xa lạ nhưng lại đang âm thầm tấn công teen trong mùa nóng. Cùng bỏ túi ngay những mẹo để tránh xa căn bệnh “thấy ghét” này nhé!

Biểu hiện bệnh:

- Xuất hiện các vùng da bị khô và ngứa, có vảy đỏ, trắng xếp chồng lên nhau như sáp nến, dễ bong tróc.

- Bệnh tuy không quá nghiêm trọng và không lây nhưng lại là nguyên nhân làm những người xung quanh bạn hoang mang và “xa lánh”.

1. Đi gặp ngay bác sĩ da liễu để biết được chính xác đang vảy nến ở mức độ nặng, nhẹ thế nào. Một khi đã điều trị, hãy tin tưởng và tuân thủ lời bác sĩ để mau lành bệnh.

2. Tự tìm hiểu về căn bệnh vảy nến để “tự tin xuống phố”, đi học cùng bạn bè vì bệnh này không lây nhiễm qua việc ăn chung, ngồi chung, đụng chạm nhau.

3. Lựa chọn quần áo bằng vải cotton mềm mại và thoải mái, đặc biệt là trong những tháng hè. Tránh các sản phẩm làm từ len, vải xô, bố thô ráp có thể gây kích ứng da.

4. Luôn giữ làn da đủ ẩm: Đây là một trong những cách dễ dàng và hiệu quả giúp làm giảm khô, ngứa, đỏ, đau nhức, các mảng vảy ít bị lan rộng hơn. Hãy chọn loại dưỡng ẩm càng ít mùi thơm càng tốt.

Sau khi tắm, khi da vừa khô (còn hơi ẩm), nhẹ nhàng vỗ kem dưỡng ẩm cho thấm vào da. Nên sử dụng nhiều hơn vào những ngày lạnh hoặc khô. Một cách khác để giữ ẩm da là sử dụng máy làm ẩm trong nhà, đặc biệt là khi môi trường sinh sống có thời tiết nóng và khô.

5. Làm dịu da với việc ngâm mình trong bồn nước ấm 15 phút mỗi ngày, kèm với sữa tắm dịu nhẹ. Không chà xát da bằng khăn khô thô ráp khiến da bị trầy xước, và sau đó là hiện tượng Koebner (vảy nến sẽ xuất hiện tại vị trí trầy xước). Nếu quá mệt mỏi và không có thời gian tắm, bạn vẫn có thể đặt một chiếc khăn ướt (ấm) lên vùng da đóng vảy dày, nhưng tránh tắm vòi sen vì các tia nước xịt vào da có thể khiến bạn khó chịu sau đó.

6. Làm bạn với ánh sáng mặt trời: Liều lượng nhỏ của ánh sáng tia cực tím (UV) trong ánh nắng mặt trời có thể hạn chế vảy nến, do đó phơi nắng vào buổi sáng 3 - 4 lần/tuần là một cách tốt để cải thiện bệnh vảy nến (đừng quên thoa kem chống nắng trên vùng da lành của bạn nhé).

7. “Mặc kệ người ta nói”: Căng thẳng có thể làm cho bệnh và tình trạng ngứa trở nên nặng hơn. Thay vào đó, hãy cởi mở với gia đình và bạn thân, tập thở sâu, đi dạo thư giãn…

8. Chọn sản phẩm dưỡng da: Dù có vẻ bề ngoài xù xì nhưng thực chất làn da vảy nến rất yếu và nhạy cảm. Tránh các sản phẩm khắc nghiệt như kem dưỡng da có cồn, xà bông diệt khuẩn, axit (glycolic, salicylic, và axit lactic).

9. Không gãi vào da: Với người bị vảy nến, vết xước nhỏ khi cào, gãi có thể làm rách da chảy máu, kéo theo việc nhiễm trùng và bùng phát vảy khắp cơ thể. Hãy cắt ngắn móng tay, dưỡng ẩm và uống thuốc kháng histamine nếu bạn bị ngứa.

10. Chế độ ăn uống: Theo các chuyên gia, không có mối liên hệ rõ ràng giữa những gì bạn ăn và mức độ nghiêm trọng của bệnh vảy nến. Tuy nhiên, một chế độ ăn uống lành mạnh giúp bảo vệ sức khỏe lẫn làn da. Hạn chế các loại thực phẩm có chứa gluten và đường tinh luyện, nhiều chất béo, thịt đỏ, bơ sữa, phó mát, trứng.

Bác sĩ ANH THƯ (Chuyên khoa Da liễu)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: