Cô giáo đi bụi và hành trình bảo vệ 5 triệu năm lịch sử

Thứ ba, 25/12/2018 14:02 (GMT+7)

Vốn yêu môi trường hoang dã, câu chuyện bảo tồn thiên nhiên của chị Lê Nguyễn Thiên Hương – người sáng lập dự án #save Sơn Đoòng luôn là nguồn cảm hứng sống xanh, sống hạnh phúc và mang những câu chuyện con con đến các bạn trẻ.

Đang có một cuộc sống và công việc ổn định, chị lại sẵn sàng “rẽ ngang” để thực hiện các dự án bảo vệ hang Sơn Đoòng?

Lần đặt chân vào hang Sơn Đoòng, mình có gặp tiến sĩ Howard Limbert (cùng với chú Hồ Khanh là 2 người đầu tiên đặt chân vào lòng trái đất thông qua hang Sơn Đoòng) người đã từ bỏ gia đình, đất nước để về Việt Nam bảo tồn hang động. Chú đã nói với mình rằng: “Dù tôi có là chuyên gia hang động nhưng tôi vẫn là nước ngoài, tôi không thể bảo vệ Sơn Đoòng như chính các bạn người Việt Nam”. Trong 6 người vào hang lần đó mình là người Việt Nam duy nhất. Chính câu nói ấy đã tạo động lực để mình bắt đầu bảo vệ thiên nhiên qua dự án #save Sơn Đoòng.

Chị Lê Nguyễn Thiên Hương cùng các bạn trẻ tham gia dự án bảo vệ hang Sơn Đoòng.

Vậy chặng đường vào hang sẽ như thế nào để giảm thiểu mức ảnh hưởng đến quần thể sinh vật tự nhiên?

Để vào hang, chúng ta có thể đi từng nhóm người nhỏ, tầm 8 – 10 người là hợp lí. Lúc ấy, các bạn sẽ dễ dàng quản lí bước chân của nhau vì người sau sẽ phải đặt chân lên chính bước chân của người đi trước để giảm thiếu tối đa lực tác động xuống nền hang. Bạn sẽ được người dẫn đường nhắc nhở rằng không nên chạm vào nước hay thành hang khi tay đang ra mồ hôi vì những hành động tuy nhỏ ấy cũng góp phần làm thay đổi hệ sinh thái. Nên dùng dầu gội đầu, sữa tắm và các vật dụng cá nhân có thành phần phù hợp với tự nhiên.

Từ trải nghiệm bản thân, kỉ niệm khó khăn nhất trong quá trình trekking Sơn Đoòng là gì?

Đoạn đường khám phá hang không chỉ đơn giản bằng đường thẳng, leo lên những vách đá cao mà có những đoạn bắt buộc mình phải đu dây để đi vào. Khi đó toàn bộ sức nặng cơ thể sẽ đặt lên hết cánh tay và vuông góc với bức tường trong hang. Khoảng cách từ đỉnh để đi vào lòng hang tương đương với một tòa nhà cao đến 20 tầng. Do tay mình quá yếu nên không thể giữ lực khiến cơ thể va chạm đập vào vách đá khiến thân thể bầm tím hết. Thế nên, để khám phá Sơn Đoòng cũng như các hang động khác phải rèn luyện cơ thể cực kì tốt.

Ở đoạn sâu nhất trong lòng hang, chú Howard Limbert đã nhắc mình tắt đèn đi. Khi đó, bên trong động phủ một màu đen, giơ tay ra trước mắt cũng không thấy làm mình choáng ngợp. Và đó cũng là lần đầu tiên mình cảm nhận được ý nghĩa của bóng tối tuyệt đối là gì, đồng thời cảm giác đó khiến mình thấy con người thật nhỏ bé so với thiên nhiên và bóng tối của thiên nhiên có thể sẽ nuốt chửng mình bất cứ lúc nào.

Đã từng đặt chân đến nhiều quốc gia khác nhau. Vậy chị thấy việc bảo vệ di sản văn hóa nước bạn như thế nào, từ đó áp dụng được với ở quần thể hang Sơn Đoòng?

Quan trọng nhất vẫn là việc cân bằng giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế địa phương. Cần chia theo các khu vực cho phép nhiều người vào còn những khu vực trong lòng sâu, khó đến, vùng có những sinh vật phải cần được bảo tồn. Các hệ sinh thái cũng như cơ thể con người cần được thời gian để tự tái tạo. Chỉ nên khám phá vào những thời gian nhất định. Các sinh cảnh, quần thể ngày nào cũng hoạt động sẽ tạo ra hiện tượng rêu hóa làm thạch nhũ bị mất màu, không lớn được nữa. Và đây cũng chính là điều mà #save Sơn Đoòng đang kêu gọi.

Chị nghĩ như thế nào về suy nghĩ chinh phục thiên nhiên của các bạn trẻ hiện nay?

Thiên nhiên tồn tạo trước khi con người xuất hiện. Nhiều bạn trẻ đi du lịch vẫn đi với tư tưởng chinh phục thiên nhiên thật ra không đúng, bởi vì mình chỉ đang chinh phục được những nỗi sợ, mặt hạn chế của bản thân và về tinh thần. Còn thiên vẫn mãi mãi ở đó, vẫn ngạo nghễ hơn con người rất nhiều.

Điều chị cảm thấy hạnh phúc nhất sau khi thực hiện dự án #save Sơn Đoòng là gì?

Sau 1 năm hoạt động bảo vệ môi trường tự nhiên đã giúp Hương gặp gỡ được nhiều bạn bè có tâm huyết, tài giỏi. Mình không nhớ đã ôm bao nhiêu bạn, thấy bao nhiêu giọt nước mắt, lắng nghe những câu chuyện về việc bảo tồn thiên nhiên của các bạn trẻ. Những con người tuy xa xạ, chưa gặp bao giờ nhưng lại có cùng mục tiêu và quyết tâm thực hiện ước mơ ấy.

***

CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT

  • Với thể tích 38.5m3 Sơn Đoòng lớn gần gấp đôi hang động đang xếp thứ nhì thế giới.
  • Bên trong hang Sơn Đoòng có khí hậu, nhiệt độ riêng. Có mây và mưa, 2 dòng sông, 2 khu rừng, 1 ngọn thác và nhiều đồi núi.
  • 5 triệu năm Sơn Đoòng không hề có bước chân của con người. Sự nguyên sơ hiếm nơi nào có được.
  • Hệ sinh thái thời kì chưa có con người được bảo vệ kín bên trong lòng hang, hoàn toàn tách biệt với bên ngoài. Các nhà khoa học gọi đó là hệ sinh thái mù bởi qua nhiều thế hệ, mắt của những sinh vật hoàn toàn tiêu biến buộc chúng phải phát triển những giác quan khác để di chuyển trong lòng hang. Đó là những sinh vật bạch tạng hoàn toàn trong suốt, rất đặc biệt.
  • Hang Sơn Đoòng đang sở hữu một thế giới hóa thạch có niên đại 300 triệu năm tuổi, có giá trị khảo cổ vô cùng lớn. Ngọc động trong hang là những giọt nước trên trần rơi xuống đáy hang bắn lên những hạt cát canxi. Qua thời gian, những viên đá này vo tròn thành những viên ngọc, và khi đặt sát bên nhau thì chúng phát sáng. Đặc biệt ngọc động ở Sơn Đoòng to bằng quả bóng chày. Điều đó chứng tỏ khoảng cách từ trần hang xuống đáy hang rất lớn và niên đại của hang rất lâu năm.
  • Hiện tại, Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới. Điều đó, giúp Việt Nam được lọt vào top 52 những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.

Cám ơn chị Lê Nguyễn Thiên Hương!

THANH TÂM

(Theo Mực Tím)

Ảnh: Save Sơn Đoòng

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: