Cô gái biến rác thải nhựa thành sản phẩm xanh, mở tiệm tạp hóa kết nối cộng đồng

Thứ ba, 21/12/2021 20:13 (GMT+7)

Quyết định nghỉ công việc có thu nhập gần 20 triệu đồng/ tháng, cô gái 9x mở tiệm “tạp hóa xanh” kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường và kết hợp hỗ trợ công việc cho người yếu thế.

Tình yêu sống xanh lớn dần…mãnh liệt

Sau khi tốt nghiệp tại Học viện Hàng không Việt Nam, chị Phạm Thị Kim Hằng (26 tuổi, Q.Tân Phú, TP.HCM) làm trợ lý Tổng Giám đốc một công ty chuyên về Logistics, dù công việc có thu nập cao nhưng Hằng vẫn quyết định nghỉ việc.

Phạm Thị Kim Hằng, 26 tuổi, Q.Tân Phú, TPHCM

Thích đi tìm các sản phẩm xanh, Hằng chia sẻ: “Một ngày làm ở văn phòng, mình tranh thủ thời gian nghỉ trưa chị chạy ra ngoài tìm mua sản phẩm xanh, thậm chí có bữa chạy lên Long An khi về trễ cả giờ làm”.

Tình yêu sống xanh trong Hằng ngày càng lớn lần và mãnh liệt không thể kham nỗi hai việc cùng lúc nên Hằng đã tạm dừng công việc trợ lý và mở tiệm “Tạp hóa xanh” tại Q. Tân Phú vào tháng 5/2019 chuyên thu gom và tái chế rác thải nhựa.

Dự án Tiệm tạp hóa xanh đầu tiên của 9x tháng 5/2019 tại chi nhánh Q.Tân Phú

Để lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ môi trường tiệm từ khi mở “Tạp hóa xanh” dự án luôn hoạt động thu gom, đổi rác thải ấy quà: ống hút (tre, gạo) hay các xà bông thiên nhiên… để tái chế thành các sản phẩm được mọi người ủng hộ rất nhiệt tình.

Thời gian đầu mở tiệm, có lần nhờ Hằng nhờ mẹ hỗ trợ bán chỉ được miếng xơ mướp hay cục xà bông vài chục ngàn đồng. Kim Hằng bộc bạch: “Mẹ khuyên mình nên quay lại công việc cũ, không ai tin mình có thể làm được".

Xơ mướp

Từ khi làm tạp hóa xanh, chị cho biết “Tâm trạng của mình giống như một đồ thị hình sin lên xuống thất thường, nhiều lúc nghe những lời tiêu cực ngồi trong phòng chạnh lòng và từng muốn bỏ cuộc”. Chẳng hạn, Hằng bị mỉa mai: “bán những thứ tào lao”, “ra ngoài chợ thuê cho mày cái sạp bán cho rồi”.

“Đỉnh điểm nhất là khi họ hàng gọi điện hỏi thăm về mình mà mẹ không dám nhắc tới, lúc đó mình cảm thấy nghẹn ở cổ, vì mình đã từng là niềm tự hào trong gia đình nhưng làm cho mọi người thất vọng, thậm chí áp lực đến nỗi mình ngủ luôn ở tiệm không dám trở về nhà” - chị Hằng bày tỏ

Không vì vậy mà Hằng nản chí, trong lúc cô đang thất vọng và soạn những túi rác mọi người mang đến đổi, có một túi bên trong được xếp gọn gàng kèm theo một lá thư tay viết: “Mình cảm kích dự án của Hằng hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp noi theo, Hằng đừng có nản chí”.

Vượt qua những khó khăn thử thách giờ đây dự án xanh của chị Hằng đã được nhiều người biết đến và ủng hộ

“Mình cảm thấy tích cực như được tiếp thêm động lực và cứ nhớ hoài bức thư ngày hôm đó, mình có niềm tin sẽ làm tốt và một ngày nào đó gia đình sẽ tự hào về mình”, chị Hằng hào hứng

Với những nỗ lực và cố gắng của Hằng, giờ đây “Tạp hóa xanh” đã có 4 chi nhánh với hơn 200 sản phẩm đa dạng thân thiện với môi trường như: tô chén, gáo dừa, sổ tay, bút tre, túi xách, quần áo…đặc biệt, các sản phẩm chăm sóc cơ thể như xà bông, nước hoa, kem dưỡng, tinh dầu từ 100% thành phần thiên nhiên được rất nhiều người yêu thích.

Kết nối cộng đồng hỗ trợ người yếu thế

Ngoài mở tiệm tạp hóa xanh kêu gọi mọi người sống xanh, Kim Hằng còn kết hợp hỗ trợ tạo việc làm cho người yếu thế thông qua các dự án cộng đồng.

Hằng cho biết, mình vào các trung tâm bảo trợ người khuyết tật dạy nghề cho họ, kết hợp với một bạn dược sĩ hỗ trợ về nghiên cứu công thức để làm sản phẩm, sau khi thành phẩm sẽ mang đến tiệm tạp hóa bán để tạo nguồn thu nhập cho mọi người.

Theo 9x, xà bông hay túi xách có rất nhiều người bán nhưng vì ý nghĩa giúp cho môi trường bớt rác thải nhựa, giúp tạo công việc cho người yếu thế sẽ được mọi người ủng hộ nhiều hơn thay vào đó khách mua vì lòng thương hại thì sẽ không bền vững.

“Ba mình là người khiếm thị, ngày xưa đi học mình hay bị bạn bè chọc ‘mày có người ba mù’ nhưng mình tự hào và nể phục ba lắm dù không thấy đường nhưng đi không bao giờ lạc đường, ba có thể tự lo mà không cần ai hỗ trợ. Cho nên, mình muốn thông qua dự án làm thay đổi cách nhìn về người khiếm thị và những người yếu thế”, chị Hằng tâm sự

Bên cạnh đó, tận dụng thời gian nghỉ dịch Hằng cùng các bạn kết hợp với một công ty phần mềm xây dựng ứng dụng tiêu dùng xanh, dự định chuẩn bị sẽ ra mắt trong thời gian sắp tới. Ứng dụng này có tên là Limgreen sẽ kết hợp với tiệm tạp hóa xanh, đồng thời người khiếm thị có thể bán hàng tại đây.

Ứng dụng tiêu dùng xanh kết hợp “Tạp hóa xanh” dự kiến sẽ chuẩn bị ra mắt trong thời gian tới.

Hằng tâm sự, cô từng trực tiếp trò chuyện với các bạn khiếm thị hiểu họ khó khăn trong việc bán hàng có người bị giật hoặc bán xong không trả tiền. Hằng bộc bạch: “Người khiếm thị rất thích bán hàng online nhưng họ gặp khó khăn trong việc chọn hình ảnh, ứng dụng ra đời sẽ có các bạn cộng tác hỗ trợ họ”.

Anh Ngô Quốc Dũng (dược sĩ, 34 tuổi, Q.11, TP.HCM) người bạn thân thiết hỗ trợ Hằng trong việc nghiên cứu, cải tiến, phát triển sản phẩm và công nghệ tạo ra các sản phẩm xanh chia sẻ: “Hằng là người mê công việc, kiên trì đến khi nào có kết quả mới thôi, có những vấn đề lớn xảy ra tưởng chừng sau lần đó Hằng sẽ bỏ cuộc nhưng không cô gái này đã mạnh mẽ vượt qua”.

Theo Dũng, anh chưa đánh giá được hiệu quả hoàn toàn của dự án nhưng tương lai đây là một dự án hứa hẹn, tiềm năng rất lớn trong vòng 3-5 năm khi mọi người nhận thức về biến đổi khí hậu và nhiều bên vào cuộc, ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường.

Những sản phẩm được tái chế và 100% làm từ tự nhiên

Thời gian tới, Hằng dự định mở rộng cộng tác với các doanh nghiệp xã hội với mục tiêu muốn mở rộng quy mô trên toàn thành phố mỗi quận huyện sẽ có một trạm thu gom rác thải, tương lai xa hơn sẽ có thêm chi nhánh ở TP.Đà Nẵng và Thủ đô Hà Nội.

Bài và ảnh: KIẾN VĂN

(theo Mực Tím)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: