Chuyện trực đêm của sinh viên ngành y

Thứ tư, 28/02/2018 14:36 (GMT+7)

Từ lâu, sinh viên các trường y đã phải làm quen và gắn bó với công việc trực trường, trực bệnh viện xuyên đêm. Những công việc này mang đến cho các bạn những trải nghiệm và bài học thú vị về chính ngành nghề mình đang theo học.

Làm quen với những tình huống cấp cứu

Theo bạn Nguyễn Nguyên Khải (ĐH Y Dược Cần Thơ), trực bệnh viện bạn không chỉ làm những công việc như khám bệnh, ghi bệnh án, phát thuốc… cho bệnh nhân, mà đó còn là khoảng thời gian bạn làm quen với những ca cấp cứu, hồi sức hay phụ mổ cùng bác sĩ.

Bạn Cẩm Nang (ĐH Y Dược Cần Thơ) chia sẻ rằng cô bạn đã từng trải qua những lần phụ cấp cứu khi trực bệnh viện. “Lần đó, mình trực khoa tiêu hóa, có một bệnh nhân tuổi đã cao bị suy gan và lên cơn hấp hối, tình trạng sức khỏe lúc đó rất yếu. Các bác sĩ thì cấp cứu còn sinh viên như tụi mình thì bóp bóng lấy dấu hiệu sinh tồn. Nhưng lần đó, bệnh nhân không qua khỏi dù mọi người đã cố gắng hết sức. Đó cũng là lần đầu mình chứng kiến bệnh nhân mất”. Sau lần đó, Nang nghĩ rằng, bản thân phải học tập thật tốt, cố gắng nhiều hơn để có đủ kiến thức và năng lực cứu bệnh nhân, nhất là trong những giờ phút sinh tử. “Nhìn bệnh nhân mất, không chỉ gia đình họ, mà các bác sĩ cũng rất buồn” – Nang chia sẻ thêm.

Đằng sau mỗi ca trực là một bài học

Nếu công việc trực trường đã rèn luyện cho các bạn sinh viên thói quen trực đêm vốn dĩ là truyền thống của sinh viên ngành y, thì công việc trực bệnh viện lại mang đến cho các bạn những bài học thực tế mà hiếm có sách vở nào ghi chép đầy đủ.

Bạn H. người từng “lăn lộn” trong bệnh viện từ những ngày còn là sinh viên năm hai, chia sẻ: “Hồi được vào phòng mổ, bọn mình cũng chỉ đứng nhìn từ xa, không được phụ giúp vì các bác sĩ, điều dưỡng sợ bọn mình vi phạm các nguyên tắc vô khuẩn trong lúc mổ. Còn lúc chưa có ca mổ thì bọn mình vào phòng hành chính để xem hồ sơ, mà các chị điều dưỡng cũng sợ tụi mình làm mất hay thất lạc chúng nên cũng ngại cho xem”.

Tuy nhiên, không vì vậy mà các bạn sinh viên y dược hay cá nhân H. cảm thấy ngại ngùng, mà qua những lần đó, các bạn lại càng muốn học hỏi nhiều hơn. H. cho biết vào thời điểm đó, anh bạn đúng kiểu “bơ đi mà sống”, dù bị la nhưng vẫn học, vì H. nghĩ: “Y dược phụ thuộc phần lớn vào thực hành, sau khi đi trực xong, anh bạn về nhà đọc sách lại, xem thực tế khác trong sách như thế nào rồi liên hệ tới các chủ đề khác để đọc tiếp. Xong thì đem những kiến thức đó vào bệnh viện ứng dụng, có thắc mắc thì hỏi và nếu bị… mắng thì nghe”. H. cũng bộc bạch: “Thời điểm đó, với những bạn chưa từng đi lâm sàng như mình thì những kiến thức được học, được chia sẻ trong bệnh viện là vô cùng quý giá”.

Một sinh viên đang kiểm tra dịch truyền cho bệnh nhân - (Ảnh mang tính minh họa, không phải nhân vật trong bài)

Phải biết chủ động

Chia sẻ thêm về ngành nghề mà mình đang theo đuổi, bạn H. khẳng định: “Nếu bạn càng muốn học nhiều thì bạn càng phải biết chủ động, chủ động học để có kiến thức, chủ động quan sát công việc của các bác sĩ. Đừng theo tư tưởng ngồi không thì sẽ có người đến hướng dẫn. Bác sĩ họ rất bận, nếu bạn không chủ động hỏi thì thiệt thòi sẽ thuộc về bạn”. H. cũng cho biết thêm về lí do khiến ngành y luôn là ngành được đòi hỏi cao hơn các ngành khác là vì khi học, khi làm, bạn làm việc trên thân thể người khác nên tất cả đều phải thật tỉ mỉ và chính xác, không được sai sót.

Bên cạnh đó, bạn Ngọc Linh (sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM) cũng cho rằng: “Dù hiện tại, chất lượng đào tạo các ngành y dược ở mỗi trường đều khác nhau. Nhưng những người bác sĩ luôn là những người được xã hội đòi hỏi cao về nhiều mặt, do đó nếu bạn thực sự muốn tiến bộ thì bạn phải biết phấn đấu, dù cho bạn có học trường nào đi chăng nữa”.

Qua chia sẻ của các bạn sinh viên, chúng ta có thể thấy dù các ngành y dược theo quan điểm của mọi người là khô khan, khó khăn nhưng bên cạnh đó cũng không kém phần thú vị. Đặc biệt, qua những công việc trực đêm, các bạn lại thêm hiểu và quyết tâm với ngành nghề mà mình theo đuổi.

HUỲNH NHI

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: