Chuyện ghi ở "xóm chổi" duy nhất giữa Sài Gòn

Thứ ba, 23/07/2019 08:02 (GMT+7)

Men theo con đường Phạm Văn Chí dẫn vào khu Bình Tiên, quận 6, tôi tìm kiếm một xóm chổi đã tồn tại rất lâu đời.

Gọi là xóm chổi cho “sang” chứ thật ra cả khu chợ Bình Tiên, tôi đếm cả thảy chưa đến mươi nhà làm chổi. Một nơi vốn rất nổi tiếng nghề làm chổi ở Sài Gòn nay đã mai một dần đi giữa sự phồn hoa của thành phố hiện đại bậc nhất Việt Nam này.

“Nghề làm chổi này là nghề truyền thống ông bà để lại…”

Đã hơn 10 giờ sáng, nắng bắt đầu gắt, khu chợ Bình Tiên cũng đông đúc kẻ qua người lại. Vài cô bán hàng bên cạnh một cái thúng nhỏ với rau, trái cây, và một số mặt hàng bình dân khác miệng nói luyên thuyên không ngớt với khách. Khác với cái nhộn nhịp của khu chợ, ở phía gần cuối con hẻm 180 Phạm Phú Thứ, một người đàn ông đứng tuổi tay cầm chiếc búa gỗ đập mạnh xuống những chiếc chổi. Đôi bàn tay gân guốc vướng đầy bụi chổi cứ đều đặn đập xuống một cách chắc nịch. Chú tên Nguyễn Thanh Trinh, 40 tuổi, làm nghề chổi được gần 7 năm. Cái nghề của ông bà truyền lại được vợ chồng chú duy trì trong một căn nhà nhỏ tầm 20 mét vuông.

Chú Nguyễn Thanh Trinh buộc những bó chổi lên xe để đi giao cho khách hàng. Ảnh: Kim Uyên

Chú kể: “Nghề này là nghề mà ông bà lúc trước để lại. Cứ đời này truyền cho đời sau. Cũng lâu lắm rồi, không biết từ thời nào, chỉ biết là cái nghề này từ miền Trung mà vô đây. Ông bà dạy sao thì học lại rồi làm rồi thành nghề thôi”. Xóm ngày xưa chủ yếu làm ruộng, từ khi một số người dân Quảng Ngãi đến đây lập nghiệp, mang theo nghề làm chổi vào trong Nam và phát triển thành xóm chổi đót truyền thống. Hầu như đi một vòng quanh khu chợ Bình Tiên sẽ bắt gặp không ít người làm chổi là người gốc miền Trung.

Theo thời gian, các làng nghề truyền thống khác dần thay thế bằng các phương tiện máy móc hiện đại để tăng năng suất lao động, tiết kiệm thời gian. Nhưng với nghề làm chổi đót, những người làm nghề vẫn miệt mài, tỉ mỉ với nhiều công đoạn thủ công dù phấn bông đót phủ lên vai áo, bay vào mũi, có lúc bị ngứa ngáy, bị đót cứa chảy máu tay…

Cũng đúng, bởi vì cái danh xưng “xóm chổi duy nhất của Sài Gòn” mà những người còn theo nghề nơi đây mới bám trụ lâu như thế. Có chăng, những người còn nuôi giữ nghề làm chổi này cũng mong muốn sống như câu nói của ông bà ta lúc trước “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”?

“…Chắc hết đời này thì không còn nghề làm chổi ở Sài Gòn nữa”

Nhân tiện nghỉ ngơi chờ công đoạn khác hoàn thành, cô Nguyễn Thị Thu Hồng, 48 tuổi, quê ở Tiền Giang đã làm nghề được hơn 20 năm, kể: “Hồi lúc trước, cả xóm này làm chổi nên người ta mới gọi là xóm chổi. Làm vui lắm, đi cả xóm cứ toàn thấy chổi thôi. Nhà nhà người người làm. Giờ thì…”

Cô ngừng lại, thở một tiếng rõ dài. Ánh mắt nhìn sâu vào những cây chổi đang được định hình từ một người công nhân khác: “… giờ thì mấy nhà làm nữa đâu. Đi quanh xóm rồi thì con cũng thấy đó. Chắc hết đời này thì không còn nghề làm chổi ở Sài Gòn nữa”.

Chổi đót ở thời kì thịnh hành không chỉ được buôn bán ở thành phố mà còn được đi giao ở các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương,…, thậm chí có những lúc còn xuất khẩu qua được nước ngoài. Nhu cầu mặt hàng lớn đòi hỏi nhân công đông và giá thành cạnh tranh nên chổi đót rất được ưa chuộng.

Cô Thu Hồng đang kể chuyện về hành trình làm chổi hai mươi năm của cô. Ảnh: Kim Uyên

Tuy nhiên, nghề truyền thống làm chổi đót này đang dần mai một theo thời gian. Cả một con hẻm dài cỡ 200m nhưng chỉ có 4 nhà còn làm chổi với khoảng độ 15 công nhân. Một con số thật sự ít ỏi và đáng lo ngại. Giữa một thời đại công nghệ lên ngôi, máy móc thiết bị đưa vào sử dụng thay thế sức người thì việc giữ lửa một làng nghề thủ công là điều rất khó. Lớp thế hệ còn duy trì được nghề làm chổi nay cũng đã hơn 40 tuổi. Hầu như không có người trẻ hơn làm công việc này ở xóm chổi. Thật ra, cái tâm của người làm nghề âu cũng thật vững vàng và nghiêm túc mới có thể duy trì được.

Nhìn cách mọi người tỉ mỉ từng công đoạn, trau chuốt từng bó đót, điều chỉnh từng ngọn chổi cũng đủ hiểu cuộc đời họ gắn bó với nghề trân quý như thế nào. Nhưng mười năm, hai mươi năm nữa, liệu rằng “xóm chổi duy nhất ở Sài Gòn” ở khu Bình Tiên có còn hay chỉ là một danh xưng để người ta nhớ lại.

KIM UYÊN

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: