Chỉ với giấy trắng thừa, bác bảo vệ ở tòa nhà Flemington khiến bao người cảm thấy cuộc sống thật đáng yêu!

Thứ bảy, 24/08/2019 22:29 (GMT+7)

“Cuộc sống ngắn lắm! Hôn chậm thôi. Cười to lên. Yêu chân thành và tha thứ thật nhanh”. Đó là một trong những câu danh ngôn ở tầng hầm B2, tòa nhà Flemington (Quận 11) – nơi bác Trần Ngọc Phương (62 tuổi) đang làm việc.

Ngoài công việc bảo vệ hằng ngày, bác đặc biệt nhận được sự chú ý và yêu mến từ mọi người xung quanh bởi thói quen hết sức thú vị của mình: viết những câu châm ngôn và dán xung quanh khu vực giữ xe để những ai đi qua đều ghé mắt đọc được.

Bác Trần Ngọc Phương làm bảo vệ đã 6 năm, riêng làm việc ở tòa Flemington và bắt đầu viết danh ngôn là 2 năm gần đây

Những ai thường xuyên gửi xe khu vực này đã không còn xa lạ gì câu chuyện bác bảo vệ già ngày ngày chép rồi dán vào lưng máy quẹt thẻ xe, những bức tường gần lối ra vào những câu danh ngôn đầy ý nghĩa với nét chữ đều và đẹp như in.

Một sự nhắc nhở lương tâm

Đều đặn mỗi ngày, với những tờ giấy trắng thừa được tặng từ các nhân viên văn phòng làm việc những tầng trên, bác Phương tranh thủ thời gian rảnh rỗi nắn nót từng con chữ viết lại những câu châm ngôn truyền động lực. Những câu ấy có câu do bác tự nghĩ ra, phần lớn là do bác dày công sưu tầm, chọn lọc lại từ internet. Những câu bác chọn ngoài mang ý nghĩa sâu sắc còn phải phù hợp với phong tập quán của người Việt Nam.

Điều đáng chú ý là trong mỗi câu như thế, có chữ được viết bằng mực xanh, có chữ được viết bằng mực đỏ. Giải thích về điều này, bác cho hay mực đỏ là để viết những từ khóa của câu nhằm thu hút sự chú ý từ người đọc, mực xanh dùng viết những chữ bình thường. Bác cứ thế dán lên, hôm sau bác lại gỡ xuống và tiếp tục viết và dán vào những câu mới. Ngày qua ngày, ai ai thường xuyên gửi xe tầng hầm đều đã quá thân thuộc với những dòng chữ ngay ngắn trên những tờ châm ngôn bác Phương viết.

Nét chữ đẹp, nắn nót của bác gây ấn tượng mạnh và lôi cuốn người đọc

Nói về mục đích thực hiện hành động này, bác chia sẻ: “Bác đặc biệt làm điều này cho người trẻ, tuổi trẻ ngày nay nhiều khi cứ lao vào công việc mà không có thời gian chiêm nghiệm. Vì vậy, bác mong họ đi ngang nhìn thấy những dòng chữ này như một sự nhắc nhở lương tâm. Mặt khác, bản thân bác cũng có sở thích viết, chia sẻ những cái hay hay cho bà con thấy nữa.”

Vừa nói bác vừa nhanh nhẹn mở ra bộ “đồ nghề” của mình, bao gồm hai cây bút lông, thước kẻ, xấp giấy trắng cùng chiếc túi đựng những tờ bác đã viết. Từng thứ từng thứ một được bác sắp xếp ngay ngắn, tỉ mẫn trên bàn làm việc.

Lời chúc trong những ngày đặc biệt

Trước đây, bác đã từng có một thời tuổi trẻ tham gia thanh niên xung phong tại nhiều địa bàn như Rạch Giá, Tây Ninh,... vào những năm 1977- 1979. Có lẽ vì vậy nên dù đã trải qua hơn nửa đời người, bác vẫn giữ cho mình sự nhiệt huyết, hết mình trong công việc, từ việc cần mẫn sắp xếp xe cho đến ngày ngày mày mò sưu tầm trên mạng rồi nắn nót viết từng câu châm ngôn như một cách truyền tỏa những điều tốt đẹp đến mọi người.

“Bác coi điều này như một phần trách nhiệm, thói quen của mình vậy, hôm nào không đi làm, không viết, bác sẽ thấy khó chịu, áy náy lắm. Mình dành chút thời gian viết mấy câu này như một cách tô điểm cho bãi giữ xe cũng như cuộc sống này thêm phần sinh động, thú vị hơn” – bác Phương bộc bạch.

Đâu chỉ có những câu danh ngôn, vào những ngày đặc biệt như cuối tuần, ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 hay những ngày cận Tết, quanh bãi giữ xe nơi bác làm việc còn chi chít những câu chúc tốt đẹp gửi đến mọi người: “Một bông hồng tặng chị em, chúc chị em phụ nữ mãi mãi hạnh phúc, vui vẻ”, “Chúc mọi người xuân về gia đình đầm ấm”. Điều nho nhỏ ấy đã giúp lan tỏa niềm vui tinh thần to lớn đến cả những cô nhân viên lao công, cả những đồng nghiệp gần đấy.

Tưởng tượng mình đi làm về cả ngày, chỉ lấy xe, quẹt thẻ rồi chạy đi thôi thì khô khan quá. Bác viết mấy câu đó cho mọi người đọc cũng thấy vui lòng, đỡ mệt phần nào. Nhờ vậy mà bác quen nhiều nhân viên ở đây lắm, có thể trò chuyện thoải mái với chúng nó như con cháu trong nhà vậy. Lâu lâu, có mấy đứa còn mời bác ly nước hay bữa ăn sáng cũng mát lòng” – bác Phương cười chia sẻ.

Với tính cách thân thiện cùng việc viết những câu danh ngôn đầy ý nghĩa, bác luôn nhận được sự quý mến từ mọi người xung quanh

Anh Tùng – nhân viên làm việc trong tòa Flemington, kể: “Bãi giữ xe này mà không có bác Phương chắc buồn lắm, không ai xếp xe cẩn thận, không ai viết danh ngôn để mình chiêm nghiệm. Bác vừa gần gũi, thân thiện lại chân thành nên mọi người ai ai cũng quý mến, kính trọng. Đôi lúc bác còn khuyên răn chúng tôi về một lối sống lành mạnh, không hơn thua, tranh giành.”

Bãi giữ xe nơi bác Phương làm việc lúc nào cũng râm ran tiếng cười nói thân thiện cùng những cái cúi chào niềm nở giữa mọi người. Những câu danh ngôn, những lời chúc của bác trong từng con chữ đẹp như in đã trở thành niềm vui tinh thần không thể thiếu của những người nơi đây. "Ngày nào bác còn làm việc thì ngày đó bác vẫn còn viết, viết vì thú vui tuổi già và viết vì mọi người."

PHƯƠNG MAI

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: