Chăm sóc vết thương đúng cách

Thứ sáu, 23/04/2021 09:02 (GMT+7)

Những vết thương ngoài da nghe qua chẳng có gì đáng ngại nhưng nếu không chăm sóc kĩ dễ dẫn đến nhiễm trùng. Chưa kể, chúng còn để lại vết sẹo khó coi khiến tụi mình mất cả tự tin.

Có hai loại vết thương: kín (trầy xước) và hở (rách thủng). Những vết thương hở phiền toái hơn nên cần được chăm sóc nhiều hơn.

CHĂM SÓC RẤT QUAN TRỌNG

Tốc độ lành của vết thương tùy vào nhiều yếu tố: độ nông, sâu của vết thương (vết thương nông, nhỏ sẽ mau lành hơn vết thương sâu, to); tổn thương (bầm dập dễ nhiễm trùng, do đó cũng lâu lành và dễ dính sẹo) và cách chăm sóc. Đặc biệt, khâu chăm sóc quan trọng nhất, bởi chăm sai cách thì vết thương nhẹ cũng có thể thành khó chữa.

Xử trí vết thương tại nhà gồm các bước sau:

+ Cầm máu: dùng gạc, khăn sạch đè lên.

+ Làm sạch: dùng nước sạch, nước muối sinh lí rửa dị vật, vi khuẩn.

+ Kháng sinh: thoa mỡ kháng sinh ngừa nhiễm trùng nếu cần.

+ Đóng miệng và băng: băng bằng gạc sạch, băng y tế, nên băng vừa phải không được quá chật.

+ Thay băng thường xuyên.

+ Có thể dùng thêm thuốc giảm đau nhẹ hoặc kháng sinh toàn thân (nếu có toa bác sĩ). Với những vết thương nhẹ, có nhiều nguyên liệu “cây nhà lá vườn” có thể tận dụng hiệu quả như: bột nghệ (pha nước ấm sệt để thoa), nha đam (gọt vỏ lấy phần thịt thoa, nha đam đặc biệt hiệu quả với vết thương bỏng), giấm táo (pha với nước, thấm gạc, đắp lên), dầu dừa, tỏi, trà hoa cúc (túi trà ngâm nước ấm rồi đắp lên)...

Lưu ý là khi dùng, cần để ý khâu vệ sinh kẻo “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Nếu không chắc thì không nên dùng, kẻo lại làm vết thương trầm trọng hơn nhé.

CẢNH GIÁC NHIỄM TRÙNG

Những vết thương hở dễ đối diện với nguy cơ nhiễm trùng. Vi khuẩn đến từ không khí, dụng cụ bẩn và cả đám vi khuẩn phục sẵn trên da, đáng gờm như tụ cầu vàng, uốn ván...

Nhận biết nhiễm trùng có những dấu hiệu sau:

+ Đỏ, sưng tấy, sờ thấy ấm quanh vết thương.

+ Đau nhiều hơn.

+ Có dịch trong hoặc mủ tụ ở vết thương.

+ Vết thương xuất hiện mụn nước, vết loét.

+ Sốt, sưng hạch.

Có nên kiêng tôm, cua?

Khi có vết thương, bạn cần kiêng cữ chút đỉnh với tôm, cua, cá biển, thịt bò, rau muống... Thực tế, những thực phẩm ày không kích động sẹo lồi, sẹo xấu nhưng chúng lại là thủ phạm gây dị ứng, không tốt cho tiến trình liền sẹo. Khi bị dị ứng, bạn buộc phải gãi cho đỡ ngứa, điều này phá hỏng kế hoạch làm lành vết thương. Tóm lại, nếu không lo vấn đề dị ứng, teen có thể vô tư dùng nhưng thực phẩm này.

BỊ THƯƠNG - COI CHỪNG ĐỂ LẠI SẸO

Các vết thương thường để lại sẹo, thường gặp nhất ở những vết thương sâu, to, nham nhở, nhiều dị vật, nhiễm trùng hoặc nhiễm trùng tái đi tái lại... Tóm lại: một vết thương lâu lành thì để lại sẹo xấu là không thể tránh khỏi. Điều này đồng nghĩa với việc nếu bạn giúp vết thương mau lành thì cũng đỡ “lãnh sẹo” nhiều hơn. Tuy vậy, có vài việc cần lưu ý để chắc không “miễn tiếp” sẹo.

+ Thận trọng với việc rửa vết thương bằng cồn, oxy già, dung dịch i-ốt mạnh bởi những chất này gây tổn thương mô mạnh.

+ Băng bó giúp ngăn nhiễm trùng đến từ những vi khuẩn có trong không khí, tuy nhiên, nếu vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng thì nên để hở để vết thương có khoảng không để “thở”.

+ Che nắng cho vết thương là một cách ngăn sẹo thâm. Nếu bị thương ở vùng da lộ thì khi đi ra ngoài bạn cần che chắn bằng quần áo, băng tạm hoặc kem chống nắng.

+ Không gỡ, bóc mày khi chưa đủ “chín”. Việc phá ngang quá trình lành thương và lành sẹo có thể tạo điều kiện cho nhiễm trùng “viếng thăm”.

ĂN GÌ CHO MỘT VẾT THƯƠNG ĐẸP?

Đó là những thực phẩm giàu đạm, Zn (thịt, hải sản có vỏ (cua, hàu, sò, hến), trứng, các loại hạt, chocolate đen...), vitamin A (rau quả xanh đậm, màu vàng, sữa, gan động vật...), vitamin C (cam, chanh, ớt chuông), vitamin K (hoa quả, rau xanh đậm, kiwi, nho, cải bắp, bông cải)… Đặc biệt, kẽm được xem là “thần dược” giúp vết thương mau lành lặn. Kẽm còn dùng được cả trong uống ngoài thoa. Oxit kẽm là thuốc thoa trực tiếp, đẩy nhanh tốc độ lành thương khá lợi hại.

MẸO NHỎ GIÚP VẾT THƯƠNG MAU LÀNH

- Tránh căng thẳng, bởi căng thẳng sẽ khiến vết thương lâu lành hơn.

- Nên dùng gạc thay cho bông gòn vì những sợi li ti của cục bông rơi ra có thể trở thành “dị vật” làm khó vết thương.

- Khi thay băng, việc gỡ băng, gạc dính bết có thể vô tình làm vết thương nham nhở thêm. Bạn nên thấm ướt gạc, băng bằng nước muối sinh lí ấm rồi gỡ nhẹ.

- Một kiểu chữa thương thông dụng của nhiều người là bôi dầu gió. Thực tế, tinh dầu có giúp vết thương mau lành, nhưng với vết thương hở thì cần cẩn thận. Nếu dùng nên chọn tinh dầu tràm bởi loại này lành hơn dầu gió.

BẠN CÓ NHỮNG THẮC MẮC KHÔNG BIẾT HỎI AI?

Bạn có những thắc mắc liên quan đến vấn đề tâm sinh lí, hãy mạnh dạn gửi câu hỏi của mình về địa chỉ: phongmachmuctim@gmail.com. Những thắc mắc của bạn sẽ được Mực Tím gửi đến các chuyên gia.

Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: