Cha mẹ hay con trẻ đều cần sự thích ứng trước những thay đổi

Thứ tư, 06/04/2022 09:42 (GMT+7)

Tôi chẳng dám tự hào là con tôi đã đi đúng hướng cho đến ngay lúc này. Tôi đã đặt áp lực cho chính mình bằng sự kiên nhẫn của bản thân để đổi lại sự thoải mái lựa chọn việc học, việc muốn trở thành ai cho con cái mình.

Hiện con tôi chỉ là đứa trẻ 12 tuổi, còn ngu ngơ và hết sức trẻ con. Đấy là suy nghĩ của bản thân tôi về con bé. Nhưng trong thâm tâm tôi hiểu, con tôi đã lớn, ít ra là trong suy nghĩ và hành động của nó. Cụ thể, với những lúc nóng giận hay loay hoay trong những vấn đề gặp phải, con bé mạnh dạn hỏi tôi. Câu kết của mọi vấn đề, tôi nhận được là: tại sao vậy mẹ?. Qua câu hỏi này, tôi mới biết con bé đã và đang rất loay hoay đi tìm cho bản thân những mục tiêu xung quanh mình và con luôn cần một sự giúp đỡ hơn là răng đe, chỉ dạy khuôn mẫu.

Nói về quan điểm dạy dỗ con cái, không có bất cứ một công thức chuẩn mực nào cả. Các bậc cha mẹ hoàn toàn không có cơ sở cho những đối sánh hay rút kinh nghiệm. Nên qua sự vụ đau lòng của em học sinh 16 tuổi kia, chúng ta không nên cho rằng tại ai, do ai mà dẫn đến sự vụ đau lòng. Vì chúng ta, ít ra những bậc làm cha mẹ làm gì có câu trả lời thỏa đánh cho những câu hỏi vì sao?

Ảnh minh họa: Pixabay

Với tôi, dạy con ở mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh là linh hoạt. Chúng ta có thể bỏ qua từ ngữ “dạy con” mà nên “hiểu con” để thích ứng với thời đại này. Dạy con nhiều người vẫn còn cho rằng nên đi kèm với đòn roi, mắng mỏ, thậm chí là khủng bố tinh thần con trẻ. Với tôi, điều này đã không còn cần thiết trong cuộc sống ngày nay. Khi mà con trẻ ngày càng tiếp xúc với nhiều quan điểm, nhiều tình huống mà ngày xưa những bậc cha mẹ như chúng ta làm gì biết. Bản thân các con đã có những khả năng “miễn nhiễm” cơ bản trước xu hướng và sự thay đổi. Nên ở thời này, hiểu con mới quan trọng. Hiểu con muốn gì, con cần gì để chúng ta mới đáp ứng được (không phải vô điều kiện). Đó là sự tương tác hai chiều tích cực. Do đó, “dạy con” với tôi chưa phù hợp vì đấy chỉ là một chiều áp đặt.

Cần hiểu rõ hơn về khái niệm dạy con. Dạy để chúng được như ai? Dạy để chúng đạt được mục đích của ai? Có phải của chính các bậc cha mẹ không?. Nên hãy hiểu con để định hướng con đạt đến mục đích mà con hằng mong muốn chứ không phải vì mục tiêu của cha mẹ. Giúp con đi đúng hướng thì xin hãy hiểu con trước đã.

Quay lại câu chuyện của tôi và con gái. Con từng học trường công nhưng môi trường đó với tôi khá chú trọng tính thành tích của các con. Khẳng định con tôi không nằm trong dạng “trường chuyên lớp chọn”. Với áp lực bài vở, tôi nhận thấy con mình cần phát triển kỹ năng nhiều hơn kiến thức. Cuối cùng, tôi khó khăn chọn phương án chuyển môi trường cho con để con có thể phát triển được kỹ năng, sở thích nhiều hơn. Cho đến ba năm gần đây, tôi mới dám khẳng định. Tôi đã chọn đúng môi trường để con phát triển.

Hiện con bé đang theo học lớp 6. Học đều các môn. Năng lực khá. Kỹ năng về mỹ thuật của con được phát huy. Kỹ năng chia sẻ, sự hiểu biết về quan sát xã hội của con được cô giáo đánh giá tốt. Với tôi vậy là đủ.

Và giờ đây, tôi xác định với con hai nhiệm vụ rất rõ ràng. Việc cung cấp kiến thức và giúp con phát triển những thế mạnh trong con là việc của nhà trường. Nhiệm vụ của ba mẹ là chỉ cho con làm sao để sống có đạo đức và trở thành người có giáo dục. Hai mục tiêu mà tôi cho rằng con dễ hiểu nhất và không bị áp lực trên hành trình trở thành người lớn.

Xã hội luôn cần những nhân tài nhưng chúng ta những bậc làm cha mẹ cũng đừng quên nhân tài nào rồi cũng chỉ giỏi ở một lĩnh vực không phải giỏi ở mọi mặt. Việc các con của chúng ta là ai? như thế nào trong tương lai, phần lớn là do chính chúng quyết định bằng cách đi tìm giải đáp từ cha mẹ.

TRƯƠNG BÍCH (Gò Vấp)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: