Cảnh giác với bệnh đậu mùa khỉ

Thứ bảy, 20/08/2022 19:54 (GMT+7)

Dù Việt Nam chưa xuất hiện ca nhiễm nhưng bệnh đậu mùa khỉ đang khiến nhiều người lo lắng, nhất là khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Căn bệnh truyền nhiễm này “lợi hại” như thế nào?

@ ĐẬU MÙA KHỈ CÓ “BÀ CON” VỚI ĐẬU MÙA?

Thực tế, virus đậu mùa khỉ có “bà con họ hàng” với virus đậu mùa. Triệu chứng của cả hai bệnh có phần giống nhau nhưng về độ lây lan và nguy hiểm thì đậu mùa khỉ kém hơn đậu mùa.

@ NHỮNG TRIỆU CHỨNG CHO BIẾT ĐÃ MẮC BỆNH

Có những triệu chứng căn bản như: đau đầu, nổi hạch, phát ban, nổi mụn nước, mụn mủ... Mụn nước thường xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, mặt, mắt, cơ quan sinh dục...

Lưu ý: Phát ban, mụn nước là triệu chứng “đinh” của bệnh đậu mùa khỉ nhưng rất dễ nhầm lẫn với những căn bệnh khác, cũng “mụn nước đầy mình” như thủy đậu, herpes, zona... Lúc này, chỉ có thể xét nghiệm PCR mới phân biệt được.

HỎI: ĐẬU MÙA KHỈ CÓ LÂY QUA KHÔNG KHÍ?

Đáp: Virus đậu mùa khỉ chuyền qua giọt bắn nhưng là giọt bắn lớn, tầm bay không xa nên phải tiếp xúc gần và kéo dài mới bị nhiễm. Nhờ vậy, đậu mùa khỉ đỡ lo hơn Covid-19.

@ “ĐƯỜNG ĐI NƯỚC BƯỚC” CỦA BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ

Virus đậu mùa khỉ xâm nhập qua vết xước, mắt, mũi, miệng của người khi người đó tiếp xúc với động vật, người bệnh, vật dụng nhiễm virus.

+ Với động vật: Qua vết cắn, chạm vào máu, dịch cơ thể, mụn nước, da, lông của chúng.

+ Với người: Qua giọt bắn (ho, hắt hơi), tiếp xúc máu, dịch cơ thể, niêm mạc (mắt, mũi, miệng), mụn nước, vật dụng (quần áo, chăn nệm...) và bề mặt (nắm cửa, cần gạt toilet...) nhiễm virus.

HỎI: THÚ CƯNG CÓ LÂY ĐẬU MÙA KHỈ KHÔNG?

Đáp: Nguy cơ lây bệnh từ thú nuôi là thấp nhưng vẫn phải dè chừng chuột lang, chuột hamster. Chó, mèo “lành” hơn nhưng cũng nên phòng xa. Lưu ý là người có thể lây bệnh cho thú cưng.

@ ĐỂ ĐẬU MÙA KHỈ KHÔNG CÓ CƠ HỘI “GHÉ THĂM”

+ Với động vật:

- Không ăn, chế biến món ăn từ động vật (sóc, chuột, khỉ...). Nếu ăn phải nấu chín thịt.

- Rửa tay, sát trùng cẩn thận sau khi tiếp xúc, kể cả chạm nhẹ vào da, lông.

+ Với người:

- Không tiếp xúc gần với người bệnh hoặc nghi bệnh.

- Không chạm vào dịch tiết, mụn nước, vảy mụn sau khi lành.

- Không dùng chung, cầm nắm vật dụng chung như quần áo, chăn nệm, khăn tắm, bàn chải đánh răng...

- Rửa tay sau chạm, sát trùng bề mặt khi người bệnh chạm vào.

- Khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay khi ra ngoài.

- Che chắn, dùng khăn giấy khi ho, hắt hơi.

Tóm lại: Tránh “tiếp xúc gần” là nguyên tắc cơ bản nhất để phòng tránh đậu mùa khỉ.

HỎI: ĐẬU MÙA KHỈ CÓ LÂY QUA ĐƯỜNG TÌNH DỤC KHÔNG?

Đáp: Đậu mùa khỉ chưa được công nhận là bệnh lây qua tình dục. Đến giờ virus chỉ truyền gián tiếp qua động chạm kề cận, qua vật dụng khi chung đụng.

@ ĐẬU MÙA KHỈ CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Độ nguy hiểm của đậu mùa khỉ vừa phải, tỉ lệ tử vong 3 - 6%. Đa số bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 2 - 4 tuần.

Điều trị bằng cách nâng đỡ, giảm triệu chứng, biến chứng và tránh di chứng. Về thuốc thì thuốc kháng virus là tiên phong.

@ CÓ NÊN CHÍCH NGỪA VACCINE ĐẬU MÙA KHỈ?

Vaccine đậu mùa khỉ đã được cấp phép nhưng chưa cần thiết phổ cập, nếu gấp thì những đối tượng nguy cơ như nhân viên y tế, thân nhân người bệnh... có thể tiêm trước.

HỎI: SAU KHI KHỎI BỆNH, ĐẬU MÙA KHỈ CÓ ĐỂ LẠI DI CHỨNG GÌ KHÔNG?

Đáp: Bệnh đậu mùa khỉ đa số khỏi hẳn, một số có thể gặp biến chứng như: nhiễm trùng da, mắt, phổi, thần kinh... Di chứng kinh điển của đậu mùa, bao gồm đậu mùa khỉ là sẹo mụn nước, đặc biệt sẹo rỗ mặt.

@ YẾU TỐ “NGHI NGỜ” DÍNH ĐẬU MÙA KHỈ?

- Du lịch ở nơi có dịch về.

- Tiếp xúc người mắc, nghi mắc.

- Nuôi nấng, sờ chạm, bị cào cắn, ăn thịt động vật lạ.

Kết luận: Bệnh đậu mùa khỉ có mức lây lan từ người sang người, và độ nguy hiểm không thực sự cao. Bệnh đậu mùa khỉ không đáng ngại nếu so với Covid-19, và cũng khó thành đại dịch tiếp theo. Chúng ta phải cảnh giác nhưng không cần hoang mang quá.

Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: