Cẩn thận với... đồ mới

Thứ năm, 25/01/2018 10:45 (GMT+7)

Khi sắm đồ mới, nhất là quần áo mới, teen thường háo hức sử dụng ngay, đôi khi quên cả gỡ tem. Tuy nhiên, sở thích này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe.

Nguy cơ dị ứng với đồ mới
Quần áo mới chứa nhiều chất gây kích ứng, dị ứng. Khi khoác lên người bộ cánh mới, teen đối mặt với nguy cơ dị ứng hóa chất. Ngoài ra, quần áo mới còn có thể làm teen dị ứng bằng những chất có hại trong màu nhuộm, chất xử lí vải sợi...
Đồ nội thất gỗ cũng là những vật thường đẩy teen vào hoàn cảnh éo le tương tự. Keo dán, sơn phủ, véc-ni, chất xử lí mối mọt dùng trong kĩ thuật chế tác đồ gỗ công nghiệp thường chứa nhiều chất hại. Cái mùi hăng hắc, cay xè mà teen gặp phải khi mở chiếc tủ gỗ mới là lời “giới thiệu” của những hóa chất này. Danh sách mở rộng còn khá dài, từ chăn ga gối đệm, thú bông, thảm sàn, đồ nhựa, đồ chơi đến nồi niêu xoong chảo…
Người ta đã liệt kê hàng loạt chất độc giấu mình trong đồ gia dụng mới. Số một là các chất hữu cơ bay hơi như benzen, toluene, xylene và không thể thiếu formaldehyde - nổi danh dưới cái tên formol. Formaldehyde có đầy trong keo dán gỗ, chất nhuộm vải, đồ nhựa tổng hợp… gây hại cho cơ thể, từ da, hệ hô hấp đến hệ tiêu hóa, cũng là thủ phạm gây ung thư. Formaldehyde là chất bay hơi, dễ xộc vào mắt, mũi, nhưng nhờ thế nếu cho chúng thời gian bốc hơi thì mức tổn hại giảm dần. Formaldehyde cũng dễ tẩy trôi bằng nước nên với đồ vải, siêng giặt giũ là cách loại bỏ chất độc hữu hiệu. Điểm danh thêm còn có vài cái tên như chì, thủy ngân “đầu quân” trong sơn, mực in, đồ gốm tráng men, nhựa tái chế…
Tất nhiên, không phải đồ mới nào cũng “nham hiểm”. Việc khống chế hàm lượng chất có hại ở mức cho phép được những nhà sản xuất có uy tín tuân thủ, nhưng dù sao, cẩn thận vẫn hơn.
* Cũ yên tâm hơn mới
Có nhiều cách tránh đòn hiểm của đồ mới, tốt nhất là đợi đồ… cũ đến mức có thể rồi mới dùng. Chẳng hạn, nếu dọn vào nhà mới, phòng mới, bạn nên thuyết phục ba mẹ để hơi độc loãng đi rồi hãy vào ở. Theo chuyên gia, đồ gỗ phải mất hơn 3 tháng, sơn tường phải hơn 1 tuần mới bay hết chất độc. Với teen, việc phải cất bộ đồ mới vào tủ đợi tháng sau mới xài e rằng hơi lâu. Teen có thể gỡ khó bằng các chất hút độc, tẩy độc. Kinh điển thì có than hoạt tính, than củi, ngoài ra, teen có thể tận dụng “cây nhà lá vườn” như quả dứa, hành tây, giấm ăn, trà khô… đều có khả năng tán mùi, hút độc. Tùy nghi sử dụng, đặt trong hộc tủ, chân tường, trên bàn đều được. Với đồ vải, “dĩ độc trị độc” là giặt, càng nhiều lần càng mang lại an toàn. Sau cùng vẫn là “chọn mặt gửi vàng”, tránh dùng hàng trôi nổi, hàng nhái, hàng giả, bởi chỉ có trời mới biết người bán dùng chất cấm gì trong sản phẩm của mình.
* Bảo vệ trước bức xạ
Thiết bị điện tử như điện thoại, laptop, TV, bộ phát wifi cũng là những vật thâm tình với teen. Từng có nhiều cảnh báo sức khỏe liên quan đến bức xạ từ đồ điện tử, trong đó thời sự nhất là bức xạ ánh sáng xanh, thủ phạm gây mất ngủ, giảm thị lực, cận - viễn thị… Nhiều thiết bị hiện đại cố gắng giảm bớt các tác hại này qua thiết kế hoặc cài đặt sẵn các tiện ích chống bức xạ để người dùng tự bảo vệ.
Khi rinh “dế yêu” về nhà, teen đa phần lo chỉnh độ nét, camera, selfie… mà bỏ qua tiện ích bảo vệ. Một số dòng TV đời mới cho phép chọn hai kiểu dùng tại nhà hay nơi trưng bày (thường được chỉnh theo thông số rực rỡ, màu mè hấp dẫn người mua). Nhiều teen lại OK kiểu sau vì xem sướng mắt mà không biết rằng để lâu dài dễ mệt mắt. Tương tự, khi mua mới laptop, máy tính bảng, teen rất sính chọn kiểu màn hình gương bóng bẩy, “sang chảnh” mà không để ý chỉnh lại độ sáng chống chói.
* Chưa qua thời gian“thử việc”
Một điểm yếu nữa của đồ dùng mới thuở ban sơ mới về là chưa qua thời gian “thử việc”. Dùng ngay đồ mới mà chưa kịp làm quen có thể khiến teen gặp rắc rối, thậm chí gặp tai nạn. Điển hình là các teen mới sắm cặp kính cận mới, đáng lẽ phải đợi một thời gian cho mắt và “hai mảnh chai” thuần thục trong việc “làm việc nhóm” bằng cách đi lại trong nhà, lên xuống cầu thang, nhiều teen lại gấp gáp trình làng ngay khi đi xe, chơi thể thao, vô tình dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Ngay cả giày cao gót mới cũng cần được bạn gái huấn luyện trước khi đưa vào sử dụng để tránh những cú bong gân, trật khớp méo mặt.
Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN
“Cẩn tắc vô áy náy” với mĩ phẩm
Nhiều bạn gái khi mua nước hoa thường thoa một ít lên mặt lòng cổ tay và ngửi thử trước khi chọn mua. Đó là cách thử dị ứng rất khôn ngoan. Teen nên rèn thói quen này khi chọn mua mọi loại mĩ phẩm hay bất kì sản phẩm làm đẹp nào.
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: