Cần biết về hạ đường huyết

Thứ ba, 13/04/2021 11:55 (GMT+7)

Do đặc thù sinh hoạt, nhiều teen tụi mình thường bị chứng hạ đường huyết “ghé thăm”. Căn bệnh này tưởng không tệ nhưng thực ra lại tệ không tưởng.

Hạ đường huyết là gì?

Khi ta ăn, bột (carbohydrate) trong thức ăn được cơ thể phân giải thành đường (glucose). Sau đó chúng được gửi cho các tế bào để xài, đồng thời gửi cho gan một ít làm vốn dự trữ. Tuy vậy lúc nào trong máu cũng được cắt một lượng đường nhất định, vì lí do nào đó lượng đường “trực chiến” này sụt giảm, gọi là hạ đường huyết.

@ Những thể hạ đường huyết “không giống ai”

Đôi khi teen gặp phải những thể hạ đường huyết không giống ai như: hạ đường huyết ngay sau khi ăn (do cơ thể tiết insulin quá mức), hạ đường huyết không nhận thức (xảy ra quá thường xuyên khiến cơ thể bị “nhờn”, không có triệu chứng báo động khiến nạn nhân và người ngoài không nhận ra, đến khi ngã ngất), hạ đường huyết ngay sau thức dậy chưa kịp bước xuống giường, ăn sáng...

@ Vì sao teen thường bị hạ đường huyết?

Nguyên nhân là do nhịn ăn, bỏ bữa, khoảng cách giữa các bữa ăn quá xa, hay đôi khi là để bụng đói khi chơi thể thao... Hạ đường huyết còn xảy ra do teen thức khuya, học thi căng thẳng, hay các bạn gái đang ở kì kinh... phụ họa thêm nhịn ăn, bỏ bữa. Sau cùng, hạ đường huyết là “người quen” của teen đang có kế hoạch giảm cân, giữ eo...

@ Triệu chứng hạ đường huyết

Các dấu hiệu của cơn “tụt mood” đường huyết không lẫn vào đâu được, gồm: tim đập nhanh, mệt mỏi, da tái mét, run rẩy, hốt hoảng, đổ mồ hôi, cáu bẳn, đau hoặc tê đầu lưỡi, môi. Ở mức nghiêm trọng, hạ đường huyết có thể khiến teen trở nên lú lẫn, khua tay múa chân mất kiểm soát, rối loạn thị giác, co giật, mất ý thức, tệ nhất là dẫn đến hôn mê...

@ Tụt đường huyết rất nguy hiểm

Đường (glucose) cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động, trong đó có các cơ quan trọng yếu như não, tim... Nếu bị hạ đường huyết, cơ thể sẽ như chiếc xe bị “thủng bình xăng”, dẫn đến một loạt tổn hại nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Đặc biệt, nếu chứng hạ đường huyết bất ngờ đến khi bạn đang chạy xe đạp, xe máy, đứng nơi cheo leo... thì nguy hiểm sẽ rất khó lường.

@ Làm gì khi bị hạ đường huyết

+ Việc cấp bách là nâng đường huyết lên ngay, bằng tất cả những món ngọt có trong tầm tay. Cụ thể, người ta đưa ra phương pháp “15/15”. Tức là, dùng ngay 15 gram carbohydrate, tương đương với 2 - 3 viên đường, 5 - 6 viên kẹo, 1,5 muỗng canh mật ong, 1/2 lon nước ngọt hay nước hoa quả, sau đó chờ 15 phút để đường vào máu. Nếu vẫn chưa ổn, nạp đường thêm lần nữa. Cuối cùng nếu tình trạng vẫn không ổn phải đưa đến bệnh viện ngay. Lưu ý: khi hạ đường huyết, không nên ăn đồ béo, sô cô la, bơ đậu phộng vì chúng ngăn cản hấp thu carbohydrate.

+ Trường hợp hôn mê: tuyệt đối tránh việc cạy miệng đổ thuốc bởi có thể gây sặc dịch vào đường hô hấp. Trường hợp này phải đưa ngay đến cơ sở y tế để truyền dịch đường.

+ Nếu bạn thường xuyên bị hạ đường huyết, nên thủ sẵn kẹo, bánh trong cặp để phòng thân nhé.

@ Để hạ đường huyết không “ghé thăm”

+ Không bỏ bữa, không nhịn ăn sáng.

+ Duy trì khoảng cách giữa 2 bữa ăn vừa phải.

+ Chia nhỏ bữa ăn.

+ Nếu có hoạt động thể dục, thể thao mạnh, nên phòng trước bằng bữa ăn nhẹ. Nếu lỡ bỏ bữa, nên “nói nhỏ” với thầy
cô thể dục.

+ Không uống rượu bia khi bụng đói.

+ Nếu có tiền sử hạ đường huyết, hay có bệnh liên quan, bạn nên báo cho thầy cô, bạn bè biết trước.

+ Nếu có máy đo đường huyết, nên sử dụng để biết lượng đường trong máu mỗi khi có “cảm giác” cơn hạ đường huyết đến, và sẽ rất có ích khi cấp cứu.

@ Nhầm với bệnh giả đò

Do có triệu chứng na ná nên hạ đường huyết dễ bị nhầm với chứng hysteria, hay còn gọi là bệnh giả đò. Dĩ nhiên, cái giá của việc chẩn đoán sai có thể trả giá đắt, bởi khi biết nhầm thì nạn nhân hạ đường huyết đã “ngất ngư” rồi.

Hạ đường huyết không nguy hiểm nhưng không nên chủ quan, nhất là thời điểm mùa thi cận kề. Khi đang làm bài thi,
một cơn hạ đường huyết bất ngờ “đánh úp” sẽ khiến tụi mình trở tay không kịp. Thế nên, vào mùa thi, ngoài thời gian ôn bài, nên lên lịch ăn uống thật kĩ càng bạn nha.

Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN

BẠN CÓ NHỮNG THẮC MẮC KHÔNG BIẾT HỎI AI?

Bạn có những thắc mắc liên quan đến vấn đề tâm sinh lí, hãy mạnh dạn gửi câu hỏi của mình về địa chỉ: phongmachmuctim@gmail.com. Những thắc mắc của bạn sẽ được Mực Tím gửi đến các chuyên gia.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: