Cảm ơn cuộc đời, vì con có mẹ…

Thứ bảy, 07/08/2021 15:23 (GMT+7)

Mở cửa bước xuống cầu thang, sau mười sáu năm, lần đầu tiên tôi bật thốt câu: “Mẹ, con xin lỗi!”

Tôi choàng tỉnh sau một giấc dài không mộng mị. Trời vẫn tối đen, khẽ liếc đồng hồ, chỉ mới hơn ba giờ sáng, tôi quyết định ngồi dậy, nhẹ mở cửa, rón rén đi lên sân thượng - nơi mà tôi vẫn hay thả mình với những hồi ức và kỉ niệm. Trời vẫn lạnh hơi sương, điểm xuyết những vì sao đêm lấp lánh, tôi khoan khoái tận hưởng không gian tĩnh lặng quen thuộc, mặc cho những mảng kí ức lại chớp nhoáng hiện về trong đầu như những cuốn phim. Mảng kí ức mùa hè rực rỡ...

Tranh: Minh Đức

***

RẦMMMM!!!

Tiếng đóng cửa khô khốc vang lên chói tai của tôi. Đây là lần thứ “n” trong tuần tôi và mẹ “khẩu chiến” nảy lửa.

“Đến mức này có lẽ mình phải tự bỏ tiền ra sửa lại cánh cửa phòng mất thôi”- tôi bực dọc lẩm bẩm. Suốt cả tuần qua, bầu không khí sau cửa khô khốc vang lên chói tai của tôi. Đây là lần thứ “n” trong tuần nhà đã trở nên căng thẳng đến mức đáng báo động vì một vấn đề phát sinh “mới toanh” của tôi.

Chuyện là tôi và nhóm vẽ tự do của mình (mà theo lời mẹ là “bè lũ quậy phá cấp quốc gia”) đã trúng tuyển vào vòng bán kết kì thi vẽ tranh tài giữa thành phố Hội An và Đà Nẵng, đó là bước đầu thành công mà tôi và nhóm “Magic” đã phải “đổ mồi hôi sôi nước mắt” mới chen chân vào được. Nhưng oái oăm thay là cuộc thi lại diễn ra tại Huế, tôi và nhóm buộc lòng phải có mặt tại đấy vào đúng bảy giờ sáng thứ hai tuần sau. Dù đã cố sức kì kèo năn nỉ mẹ để được tham dự, nhưng tất cả những gì tôi nhận lại vẫn chỉ là cái lắc đầu, với một lí do muôn thuở: “Con nít nứt mắt mà đòi tự thân đi ra ngoài kia, nhỡ xảy ra chuyện gì thì ai chịu trách nhiệm? Tốt nhất nên ở nhà mà học hành, cứ đâm đầu vào mấy cái cuộc thi vô bổ đó làm gì?”. Càng nghĩ, tôi càng uất ức, đây là một cuộc thi phát triển năng khiếu hết sức lành mạnh, là cuộc thi tranh tài giữa các học sinh miền Trung, khó khăn lắm tôi và các bạn mới có chân vào vòng bán kết, vậy mà mẹ nỡ phớt lờ đi tất cả. Đúng là người lớn, thật không hiểu họ đang nghĩ gì. Không khí trong nhà thực sự “rất căng”. Mãi nghĩ tìm cách đối phó, tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay…

Ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào mắt, tôi nheo mắt giật mình bật dậy. Chết rồi! Trễ học mất! Bài tập? Hộp bút đâu? Hình như hôm nay có bài kiểm tra! Mớ thông tin hỗn độn đập vào đầu khiến tôi không kịp xử lí. Quáng quàng bật ra khỏi giường, tôi xỏ nhanh đôi dép ngủ... nhưng… khoan đã… đây là phòng của ba mẹ mà? Bên cạnh vẫn là ba tôi đang say giấc. Lạ quá! Không lẽ trong lúc mơ ngủ tôi đã tự đi sang phòng ba mẹ sao? Lò dò đi lại, ngay lập tức tôi choáng váng khi bước ngang qua bàn trang điểm của mẹ: trong gương không phải là cô nàng xinh đẹp mười sáu xinh tươi mà lại là khuôn mặt đã bốn tám hơn với những nếp nhăn nơi đuôi mắt- khuôn mặt mẹ tôi đang nhìn ngược lại tôi chòng chọc. Chuyện khủng khiếp gì đang xảy ra thế này? Tôi hốt hoảng chạy sang phòng mình, đập liên hồi vào cửa phòng và... lạy trời, đúng như những gì tôi lo sợ, khi cánh cửa phòng mở ra, một “tôi” đầu tóc bù xù, gương mặt ngái ngủ vươn vai ngáp:

“Có chuyện gì mà ầm ĩ thế con?”.

Tôi há hốc mồm, thấy mình như sắp ngất tới nơi.

“Chuyện gì đã xảy ra, rốt cuộc mẹ và con là như thế nào?”- tôi như đại bác “bắn liên thanh” tấn công mẹ bằng một loạt những câu hỏi.

“Chà! Nói một cách chính xác thì mẹ con ta đã hoán đổi vị trí cho nhau. Điều bí mật lớn nhất là mẹ có phép thuật đấy nhé. Đây sẽ là ngày đầu tiên con đóng vai mẹ để biết cảm giác một ngày của mẹ là như thế nào. Đừng có la hét lên thế, nếu có người phát hiện thì chúng ta sẽ bị kẹt vĩnh viễn trong cơ thể nhau đấy. Oápppp!!! Bây giờ thì mẹ phải đi ngủ tiếp đây, đã hai mươi năm rồi tôi toàn phải dậy trước sáu giờ. Ôi! Tuổi mười sáu tươi đẹp!” – Nói rồi mẹ chuẩn bị đóng sập cửa, tôi vội vàng chặn chân giữ lại:

“Khoan đã! Thế con phải làm gì trong ngày hôm nay?”.

Mẹ chìa ra một mẩu giấy:

“Đây là danh sách những việc cần làm của mẹ, con cứ cầm lấy và đọc. Đừng có la ó như thế, sẽ có nếp nhăn đấy. Chúc con vui.” Nói rồi mẹ đóng cửa, bỏ lại tôi đang giận sôi cả người. Tôi vội giở mảnh giấy ra xem, choáng với một “list” dài dằng dặc “những việc cần làm của mẹ”: gọi mọi người dậy, nấu bữa sáng, đến công ty, đi chợ,... Không còn cách nào khác, tôi uể oải bắt tay vào làm chỉ mong kết thúc cái ngày quái gở, sau khi nấu bữa sáng với cái trứng ốp la cháy khét cho bố, tôi mặc bộ đồ công sở của mẹ, rồi phóng đến công ty.

“Mỉm cười chào tất cả mọi người, đến 7h30 thì lên tầng ba phòng 207, ngồi ở bàn thứ năm từ trái qua, chỉ việc ngồi yên.” Tôi lẩm bẩm lời mẹ như niệm chú. May cho tôi là chỉ việc ngồi cắm đầu vào máy tính, không ngẩng lên đến 11h30. Sau 4 tiếng, cổ tôi mỏi nhừ, hai mắt hoa lên. Mệt mỏi lật lại mảnh giấy, tôi ngán ngẩm khi nhận ra mình phải đi chợ, tôi mua mọi thứ với mức giá trên trời (tôi nghĩ vậy vì mình không hề trả giá).

Bữa trưa hôm nay đúng là cơn ác mộng khiến ba nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ: tôi nêm đường quá tay khiến canh thành chè, nồi cá kho thì ngập trong biển muối, miếng thịt heo bị tôi băm nát không còn ra hình thù gì. Tất nhiên là mẹ- đội lốt tôi thì lại nằm ườn trên phòng nghịch điện thoại như bao lần. Khi mọi người ăn xong, tôi đi chợp mắt khoảng 30 phút thì phải bật dậy, quần quật với cái nhà chưa được lau, hì hục chùi cửa sổ, lật đật dọn đống giày dép nơi cầu thang mọi người vứt vương vãi,...

Xoay tròn với những việc vặt không tên mãi cho đến năm giờ, tôi được giải thoát, nhưng chưa kịp ngồi để thở thì nhận tin nhắn của con gái lớn- tức chị hai tôi nhờ đón chị chỗ xí nghiệp vì xe chị bỗng hết xăng. Tôi đã không nhớ lắm nội dung cuộc trò chuyện giữa tôi trong vai trò mẹ với chị suốt đường về, chỉ vang vọng câu lúc chị ngồi sau chép miệng bâng quơ: “Hi vọng sau này em nó hiểu, mẹ thương và lo lắng quá sao dám để nó đi một mình như vậy? Lũ bạn cũng “choai choai” ăn chưa no lo chưa tới... Đúng là cái con bướng hết biết”.

Hình như bụi đường làm khóe mắt tôi cay đến lạ...

Vừa đặt chân về đến nhà đã 6 giờ hơn, tôi lại lao vào cuộc chiến mang tên: giặt giũ, phơi phóng, rửa chén núi chén đĩa để dồn từ trưa,.. đến ngộp thở. “Mẹ- tôi” thì hẳn đã tếch đi chơi tận đâu đâu với lũ bạn đến tận giờ ăn mới chịu mò về nhà. Sau khi vắt hết chút lực tàn cuối cùng hoàn thành bữa tối (lại thảm họa mà tôi không tiện nói thêm), tôi vật ra ngồi bệt xuống, dựa vào góc tường..

Bỗng một bàn tay chìa ra trước mắt, tôi ngước lên thấy “mẹ- tôi” đang mỉm cười dịu dàng: “Sao hả con, cảm giác một ngày của mẹ như thế nào?”. Lạ lùng thay, tôi không hề bực tức, trái lại, cảm xúc trong tôi như òa ra bất ngờ. Tôi khóc. Khóc những giọt nước mắt hối hận và cảm thông rơi lặng lẽ trên má. Đến bây giờ tôi mới hiểu ra một ngày làm việc của mẹ là như thế. Những áp lực công sở, lo toan việc nhà, xoay quần việc con cái đã chiếm hết quỹ đạo, thời gian của mẹ để đổi lấy những phút vô tư, vô lo nghĩ của tôi, để vun vén, để chăm chút cho hạnh phúc gia đình. Thế mà đôi lúc tôi còn trách, còn giận mẹ những lúc mẹ nóng giận vô cớ...

Tôi đưa tay nhẹ nắm lấy tay mẹ. Bỗng khung cảnh xoay tròn rồi nhòa dần đi trước mắt. Tôi chóng mặt bật dậy. Ồ. Thì ra chỉ là… một giấc mơ. Tội vội chạy đến gương, sờ sờ vào mặt, vẫn là tôi của tuổi mười sáu. Bỗng nghe tiếng nồi chảo lạch cạch dưới bếp, hẳn là mẹ đang làm bữa sáng như bao lần...

Mở cửa bước xuống cầu thang, sau mười sáu năm lần đầu tiên tôi bật thốt câu: “Mẹ, con xin lỗi!

***

Bức ảnh chụp tôi cùng nhóm vẽ đã đạt giải nhì tại cuộc thi tự do được đặt trang trọng tại góc bàn. Và đương nhiên, bức ảnh còn có cả mẹ. Mẹ đã đồng ý cho tôi đi với điều kiện mẹ sẽ là người sát cánh. Niềm vui chiến thắng như được nhân lên, ý nghĩa hơn hết bao khi có mẹ bên cạnh. Cảm ơn mẹ đã đồng cảm, đã thấu hiểu và luôn quan tâm lo lắng cho đứa con còn nhỏ dại với tình thương dạt dào...

Bầu trời dần nhuộm sắc hồng đằng đông. Tôi khẽ mỉm cười khi nhớ lại mảng kí ức. Chuyện đã là của mùa hè hai năm trước nhưng mỗi khi nhớ về, cảm xúc vẫn dạt dạo nơi ngực trái. Tôi vẫn sẽ luôn giữ trong tim mình, sẽ lưu tại một ngăn đặc biệt một kỉ niệm ngọt- đắng đẹp đẽ đáng nhớ, là nguồn động lực mạnh mẽ tiếp sức mang tên “gia đình”.

Vì bởi lẽ, gia đình là để yêu thương, để trưởng thành, để trở về, và quan trọng hơn hết, đó là nơi ta quan tâm nhau từ những điều nhỏ nhất.

Nguyễn Thị Thái Bình (TP. Tam Kỳ, Quảng Nam)

Tranh: Minh Đức

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: