Cái mũi rất dễ... mủi lòng

Thứ năm, 03/01/2019 17:00 (GMT+7)

Nói đến rắc rối của cái mũi người ta nghĩ ngay đến chuyện “sổ mũi nhức đầu”, thế nhưng, chỗ hít vào thở ra này nhiều chuyện để nói hơn ta tưởng.

“Combo” nghẹt mũi - hắt xì - chảy mũi

Trước tiên, “combo” nghẹt mũi - hắt xì hơi - chảy nước mũi là bạn đồng hành thân thiết mỗi khi cái mũi gặp chuyện mủi lòng. Với vị trí tiền tiêu, tiếp nhận luồng không khí vào phổi, mũi cần làm tốt hai nhiệm vụ là sưởi ấm luồng khí và bắt giữ vật lạ. Bộ ba là phản ứng thường thấy khi mũi thực hiện nhiệm vụ của mình.

+ Nghẹt mũi: Hậu quả của việc các mạch máu giãn nở để đưa máu đến sưởi ấm không khí lạnh hít vào khiến niêm mạc mũi sưng nhẹ sinh nghẹt mũi.

+ Chảy nước mũi: Là dịch nhầy tiết ra để tóm bắt và rửa trôi vật lạ (bụi, vi khuẩn, phấn hoa, mạt nhà, lông chó mèo, khí lạnh...).

+ Hắt xì: Phản ứng mạnh để tống khứ những kẻ không mời ra ngoài. Niêm mạc mũi phồng nghẹt làm mũi khó chịu cũng phản ứng bằng cách hắt xì.

Đây là cơ chế tự vệ của mũi nên nguyên tắc là cứ để yên cho mũi làm việc, chỉ khi chúng gây khó chịu thái quá mới cần can thiệp. Có nhiều cách giúp teen giảm nhẹ hắt xì - nghẹt mũi - chảy mũi như nhỏ thuốc co mạch, kháng histamin, rửa mũi bằng nước muối, xông hơi... tất nhiên, tốt nhất nên có toa bác sĩ.

Điếc mũi - hữu sắc vô hương

Đầu tiên là chức năng ngửi. Khứu giác được tạo nên bởi một vùng khá nhỏ trên vòm mũi khiến sự tinh thông về mùi của chúng ta thua xa loài vật, trong đó, đỉnh nhất là mấy chú cún. Khi mũi khó ở, khướu giác dễ bị vạ lây. Nhiều teen, trong thời gian sổ mũi nhức đầu sẽ không cảm nhận được mùi của đĩa gà rán, tô bún bò Huế… Điếc mũi di truyền khá hiếm gặp, còn điếc mũi mắc phải thì rất nhiều. Những ai sống cạnh bãi rác, kênh đen, mấy cô bự phấn xài nước hoa đậm đặc lâu ngày thuộc diện nguy cơ này.

Đổi giọng vì mũi

Giọng nói là thành quả tổng hòa của nhiều cơ quan bộ phận, trong đó mũi góp công như một buồng cộng hưởng. Teen nào đang mũi dãi lòng thòng mở lời là biết ngay nhờ cái giọng tịt mũi. Nhiều teen không may có giọng nói trật quẻ, nam thì the thé, nữ thì ồm ồm, ngoài vấn đề thanh quản còn có thể do lỗi của cái mũi nên có khi phải “đập ra làm lại” mới đưa giọng nói về đúng tông.

Chảy máu cam - mang tiếng “lành ít dữ nhiều”

Teen nào cũng đôi ba lần nếm mùi chảy máu cam. Đa phần thủ phạm lành hiền, không phải do đánh nhau thì cũng ngoáy mũi, xì mũi mạnh, không khí hanh khô, ngửi phải khí độc, thuốc lá... Họa hoằn mũi đổ máu do bất thường xoang mũi, polip, cao huyết áp, rối loạn vận mạch, rối loạn đông máu, có khi bệnh máu ác tính... Bệnh nan y bao giờ cũng hiếm nhưng có lẽ do ám ảnh với “mô-típ” quen thuộc của mấy bộ phim diễm tình hễ mũi nhỏ máu là nhân vật “gần đất xa trời” khiến chảy máu cam bị mang tiếng “lành ít dữ nhiều”.

+ Cách sơ cứu khi chảy máu cam:

- Giữ bình tĩnh, ngồi thẳng, giữ đầu thẳng.

- Chúi đầu về trước ngăn máu chảy vào họng.

- Xì mũi nhẹ nhàng để loại bỏ cục máu đông.

- Dùng ngón cái và trỏ bóp chặt hai bên cánh mũi trong 15 phút.

- Khi máu ngừng chảy, có thể đặt túi đá nhỏ trên mũi để bớt khó chịu. Không ngoáy, xì mũi và tránh hít các chất kích thích vài giờ sau đó.

- Nếu không cầm được máu hoặc bị sặc, nghẹt thở do máu chảy vào họng, đường hô hấp, cần đến cơ sở y tế ngay.

Thế nào là mũi đẹp?

Xưa giờ nhiều người vẫn mặc định rằng mũi cao mới là đẹp, còn mũi tẹt bị xem là xấu. Về hình thái học, người ta chia hẳn 13 loại mũi khác nhau, nghĩa là chuyện đẹp xấu không đơn giản. Nói chung, mũi được coi là đẹp phải có chiều cao vừa phải, sống mũi không gồ ghề, cánh mũi không to bè cũng không quá nhỏ, mũi không hếch nhưng không chúc xuống quá. Toàn bộ mũi phải cân đối với khuôn mặt. Thật ra, hài hòa mới là chuẩn của cái đẹp. Một chiếc mũi “chim sa cá lặn” mà trật quẻ với khuôn mặt thì cũng không thể xem là đẹp. Ngược lại, một chiếc mũi tẹt nhưng hợp với gương mặt thì lại cực duyên. Hiện nay, y học phát triển, việc “đập mũi xây lại” dễ như trở bàn tay nhưng vấn đề là cái mũi có “làm mình làm mẩy”, làm khổ chủ nhân hay không là chuyện hên xui.

Lông mũi - tội đồ oan

Không gì làm mất mặt chủ hơn đám lông mũi thò ra khỏi mũi. Xử đám lông mũi đơn giản, miễn là chịu chú ý, tốt nhất nên tỉa bằng kéo, tránh nhổ. Lông mũi, tưởng chẳng có tác dụng gì nhưng gánh trọng trách rất lớn, nhất là khoản… cản bụi. Hơn nữa nhổ lông mũi thô bạo có thể gây nhọt nang lông nguy hiểm, có khi phải hi sinh cái mũi mới cứu được người.

Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: