Cách gì quản lí...nỗi buồn?

Thứ năm, 01/08/2019 06:24 (GMT+7)

Trái với vui vẻ, buồn được xếp vào loại cảm xúc tiêu cực, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và tinh thần. Do đó, làm thế nào để quản lí, chế ngự nỗi buồn là điều được nhiều teen quan tâm.

Nỗi buồn “chill phết”

Dù tiêu cực nhưng nỗi buồn cũng có lúc lợi hại, đơn cử như nghệ sĩ thường sáng tác hay khi buồn và thực tế, có tác phẩm bất hủ sinh ra từ âu sầu. Buồn còn là cơ hội để chủ nhân chiêm nghiệm sau một biến cố, sai lầm, giúp chủ nhân chín chắn hơn.

Buồn sinh bệnh hay bệnh sinh buồn?

Buồn rất hay sinh bệnh. Thực tế, có những chứng bệnh là “cha đẻ” của nỗi buồn như bệnh tuyến giáp, ngưng thở lúc ngủ, Parkinson, dị ứng, thiếu vitamin... Ai là “sâu buồn” trầm kha coi chừng đang mang bệnh trong người mà không biết.

Ăn và buồn

Có một điều thú vị là ăn uống có vai trò nặng kí với nỗi buồn. Ăn nhiều là tác dụng phụ thường thấy nhất của nỗi buồn. Nhiều teen sau cơn u ám thường trở nên phát phì. Ngược lại, ăn cũng được xem là liệu pháp chống sầu não hiệu quả. Không ít teen tươi rói trở lại nhờ hay măm măm mỗi khi buồn. Sau cùng là thực đơn sinh buồn, teen nào hay buồn vu vơ nên tránh thức ăn nhanh, đường ăn kiêng (chống béo phì, tiểu đường), thực phẩm nhiều muối, rượu, cà phê.

Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn

Đa phần nỗi buồn có lí lịch như thi rớt, chia tay người yêu, cha mẹ li hôn... Ngược lại có những nỗi buồn không thể nhận diện được thủ phạm. Thủ phạm của nỗi buồn vu vơ được cho là đòn hội đồng nhiều thứ gồm bệnh tật, rối loạn nội tiết, tâm thần... Nỗi buồn vô duyên cớ này được xếp hàng nguy hiểm, đôi khi bị gán cho ma ám hoặc có vong theo...

Nỗi buồn cuối thu

Ngoại cảnh cũng là nguyên nhân sinh ra nỗi buồn. Y học đã xác nhận về chứng trầm cảm theo mùa (SAD) mà thủ phạm là không gian man mác cuối thu đầu đông sinh nhiều hormon melatonin. Nhiều vụ tự sát đã xảy ra vì SAD xảy ra ở những quốc gia có mùa đông kéo dài.

Trầm cảm - thần áo đen của nỗi buồn

Trầm cảm được xem là giai đoạn cuối của buồn. Nó giống đòn nốc-ao (knockout) hạ gục người buồn hơn. Trầm cảm có nhiều triệu chứng nhưng chung quy biểu hiện rõ trạng thái tối tăm với cuộc sống, đỉnh điểm là ý định tự sát. Trước đây trầm cảm là vấn đề của người trưởng thành nhưng ngày nay nó đang được trẻ hóa với những người bệnh mặt búng ra sữa. Tuổi teen ngày nay đối mặt với không ít hỉ nộ ái ố, áp lực học hành, cuộc sống căng thẳng... Hầu hết trầm cảm là cái kết của việc dồn nén từ vô số nỗi buồn. Do vậy, bất kì ai, kể cả teen, không nên chủ quan, cả với những nỗi buồn vu vơ.

Buồn + chán

Cơ bản thì chán không phải buồn nhưng đa phần chúng là trời sinh một cặp. Với teen, có hàng ngàn thứ gây chán chường: không có việc gì làm, Facebook chán đồ ăn chán, gia đình chán... Chán có vẻ vô hại hơn nhưng từ chán chuyển sang buồn, thậm chí trầm cảm thì không thể đùa.

Chống buồn

Dưới đây là vài chiêu thức cơ bản mà teen có thể áp dụng:

- Tưởng tượng, tò mò, sáng tạo nhiều hơn: giúp trí não tìm đến những điều thú vị để đuổi nỗi buồn. Bất kì tác phẩm nào, như những bức vẽ nguệch ngoạc, câu thơ con cóc, câu status lỗi... dù ngớ ngẩn nhưng cũng giúp bạn tạm biệt nỗi buồn hiệu quả.

- Khôi hài hơn: bạn có thể biến những câu pha trò, hài hước của mình hay của người khác thành thuốc chữa buồn. Ngoài ra, xem phim hài cũng là chiêu chữa buồn hiệu quả.

- Mở lòng, thổ lộ hơn: bắt chuyện với người không quen, chịu khó giãi bày với người chung quanh, tham gia các hoạt động cộng đồng.

- Tiêu diệt nhàm chán: hữu hiệu nhất là làm mới (quần áo mới, xem phim, nghe nhạc, chơi trò chơi mới, màu sơn tường mới, con đường đi về mới...) hoặc học một kĩ năng, thử bắt đầu với công việc mới...

- Thiên nhiên xanh: không khí thoáng đãng, màu xanh cây cối được xem là “kháng sinh” chống buồn bã cực hữu hiệu. Ngay khi bước ra khỏi bốn bức tường, lập tức bạn sẽ nhận ra nỗi buồn vơi đi đôi ba phần.

- Thể dục thể thao: đánh trực tiếp vào sinh lí thần kinh, hormon, tuần hoàn giúp bạn xua nỗi buồn từ trong cơ thể. Những người mê thể dục thể thao rất hiếm khi có kiểu buồn vu vơ.

- Ăn: Như đã nói, ăn cũng là liệu pháp chữa buồn nhưng nó là con dao hai ba lưỡi nên cần cân nhắc. Tất nhiên, với thực phẩm có hồ sơ sinh buồn thì kiên quyết tránh đổ dầu vào lửa.

Cẩn thận với mạng xã hội

Không thể bỏ qua vai trò cỡ bự của mạng xã hội. Chúng là nơi khi buồn người ta hay tìm đến nhưng cũng là “sào huyệt” sinh ra nỗi buồn. Lắm người tìm thấy ở mạng xã hội lối thoát buồn chán nhưng cũng không ít người vì nó từ lành thành thọt. Chọn bạn mà chơi, nếu cảm thấy chưa đủ lực thì tốt nhất không nên “yếu ham ra gió” với mạng xã hội.

Ăn gì hết buồn?

Không có thực phẩm giải buồn đích thực nhưng một số dưới đây tỏ ra có chút đóng góp, gọi chung là thực phẩm cải thiện tâm trạng: rau xanh đậm, cam, chuối, quả anh đào, chocolate, sữa chua, khoai lang, yến mạch, đậu, hạt các loại, cá hồi, trứng...

Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN

BẠN CÓ NHỮNG THẮC MẮC KHÔNG BIẾT HỎI AI?
Bạn có những thắc mắc liên quan đến vấn đề tâm sinh lí, hãy mạnh dạn gửi câu hỏi của mình về địa chỉ: phongmachmuctim@gmail.com. Những thắc mắc của bạn sẽ được Mực Tím gửi đến các chuyên gia.
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: